Họ tàu ngầm mini độc đáo của Nga
Gia đình tàu ngầm mini này bao gồm "Piranha-450", "Piranha-650E", "Piranha-950". Trên các tàu ngầm này có thể bố trí nhiều loại vũ khí ngư lôi, thủy lôi và tên lửa. Một số chiếc tàu ngầm có khoang chứa xuồng cao su để chuyên chở người nhái đổ bộ.
Các tàu ngầm cỡ nhỏ này có lượng giãn nước từ 10 đến vài trăm tấn, rất hiệu quả trong hoạt động ở khu vực gần bờ, bao gồm các cửa sông, vùng nước nông, trong điều kiện đáy biển gồ ghề.
Trong những năm gần đây, hàng loạt các quốc gia Châu Á, Châu Phi và Châu Mỹ Latinh bày tỏ sự quan tâm tới những tàu ngầm kiểu này.
Các tàu ngầm cỡ nhỏ được đóng rất nhiều tại Liên Xô vào những thập niên 30 và 40 của thế kỷ trước. Trong giai đoạn này, Hải quân Liên Xô đã tiếp nhận hơn 150 chiếc tàu ngầm loại "Malyutka" với trọng tải 200 đến 250 tấn, dài 40m và có thể lặn sâu 50m. Nó có thể chở thủy thủ đoàn bao gồm 36 người – một con số khá ấn tượng.
Về sức mạnh hỏa lực, "Malyutka" có 02 ống phóng ngư lôi bố trí ở phần mũi tàu nhưng không có ngư lôi dự phòng. Tuy nhiên, trong giai đoạn xảy ra chiến tranh, các tàu ngầm "Malyutka" đã nhấn chìm 10 chiếc tàu chiến của địch và 61 tàu thuyền các loại.
Vào thập niên 70, người ta bắt đầu nghiên cứu chế tạo "Piranha" (đề án 876) tại "Malakhit". Gia đình này hiện nay đang được phát triển trên cơ sở những nâng cấp mới về độ chuyên biệt, loại vũ khí trang bị và trọng tải.
Nhưng nhìn chung, chúng đều là các loại tàu ngầm có giá thành không cao. Điều này cũng giúp cho chúng trở nên khá được ưa chuộng trên thị trường thế giới.
Các tàu ngầm này khác hẳn về chức năng chiến đấu duy nhất của "Malyutka" – tiêu diệt các tàu chiến mặt nước và các loại tàu khác của địch.
"Piranha" là các tàu ngầm đa chức năng – chúng có thể phóng không chỉ ngư lôi, mà cả các tên lửa hành trình, cũng như tiến hành hoạt động trinh sát và thực hiện vai trò căn cứ nổi cho các người nhái triển khai những nhiệm vụ như đột kích và chống khủng bố.
Tàu ngầm mini Piranha.
Công tác nghiên cứu "Piranha" bắt đầu vào cuối những năm 70 của thế kỷ trước, nó bắt đầu được đóng mới vào năm 1984. Đến năm 1990, hai chiếc tàu được bàn giao cho Hải quân Liên Xô và phục vụ cho tới năm 1999. Sau đó, công tác chế tạo chính thức dừng lại do thiếu ngân sách.
Độ giãn nước khi lặn của chiếc tàu ngầm có phần thân được chế tạo bằng titan là 319 tấn. Chiều dài - 28,3m, rộng - 4,7m, chiều cao tối đa – 5,1m. Độ sâu lặn tối đa – 200m, độ sâu lặn thông thường - 180m. Vận tốc di chuyển dưới nước – 6,7 hải lý.
Thủy thủ đoàn bao gồm 3 người. Nó có thể chuyên chở được 6 người nhái và họ rời tàu bằng xuồng cao su đặt bên trong khoang cửa sập. Nó có thể hoạt động dưới nước 10 ngày, tầm hoạt động dưới nước – 130 hải lý.
Tàu được trang bị 2 quả ngư lôi 400mm và 4 quả thủy lôi. Trên tàu còn lắp đặt tổ hợp thủy âm "Prinhyat-S", cũng như tổ hợp radar với hệ thống ăng ten nhô lên mặt nước. Trên tàu có 6 khoang nhỏ với động cơ đẩy dành cho người nhái.
Chiếc tàu được lắp đặt máy phát điện diesel với công suất 160kW và động cơ đẩy bằng điện với công suất 60kW. Tiếng ồn được xử lý bằng các khớp giảm chấn 2 cấp độ. Phần vỏ cũng được phủ một lớp đặc biệt giúp nó giảm được tiếng ồn.
Sự khác biệt
Thêm một sự khác biệt rõ nét đó là "Piranha" sở hữu cửa sổ nóc để có thể tận mắt theo dõi hoạt động của người nhái. Nó cũng có cửa để thoát ra bên ngoài được kết nối với một dây cáp điện và đường ống dẫn bổ sung không khí cho người nhái. Hoạt động đổ bộ ngầm dưới nước được thực hiện ở độ sâu không quá 60m.
Vào những năm 90, các kỹ sư quyết định không dừng lại ở những kết quả có được và tiếp tục nghiên cứu chế tạo tàu ngầm "Piranha-2" với trạm cung cấp năng lượng không cần không khí trên cơ sở máy phát điện điện hóa. Phát kiến này giúp cho chiếc tàu ngầm tạo ra dòng điện mà không cần sử dụng máy phát điện diesel.
Ảnh đồ họa tàu ngầm Piranha thuộc đề án 865
Mặc dù sau khi đạt được những kết quả khả quan trong quá trình nghiên cứu, các công việc tiếp theo vẫn bị tạm dừng. Và không chỉ do thiếu ngân sách, mà còn do sự thiếu tin tưởng của Hải quân vào các tàu ngầm cỡ nhỏ, dù những kỹ sư có áp dụng các công nghệ tiên tiến đến mức nào đi chăng nữa.
Tuy nhiên, ban lãnh đạo "Malakhit" hiểu được giá trị thương mại từ việc sản xuất và xuất khẩu các tàu ngầm cỡ nhỏ, vẫn tiếp tục công tác phát triển dòng sản phẩm này vào những năm đầu tiên của thế kỷ 21. Kết quả là cho tới nay, "Malakhit" sở hữu nguyên một dòng sản phẩm "Piranhia" có độ giãn nước từ 130 đến 1.000 tấn.
Lần trình làng đầu tiên của đề án này diễn ra tại triển lãm vũ khí và khí tài quân sự quốc tế IDEX-2001 ở Abu Dhabi (Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất). Sau đó chúng xuất hiện tại các triển lãm quốc tế khác với hàng loạt những mẫu mới.
Chiếc tàu ngầm nhỏ nhất – đó là "Piranha-130". Nó có độ giãn nước 130 tấn và chiều dài tương đương 31m. "Piranha-170" có độ giãn nước 170 tấn. "Piranha-T" có độ giãn nước 370 tấn, dài – 47,5m.
Thủy thủ đoàn gồm 5 người. Nó chạy bằng động cơ điện diesel với động cơ đẩy điện công suất 400kW. Vận tốc dưới nước tối đa – 12 hải lý/h. Tầm hoạt động không cần nổi lên mặt nước – 200 hải lý.
Trong gia đình "Piranhia" còn có "Piranha-450", "Piranha-550" và "Piranha-2" được trang bị động cơ độc lập không cần không khí.
Chiếc tàu ngầm lớn nhất mà được "Malakhit" công khai các thông số kỹ thuật đó là "Piranhia-650E" với độ giãn nước 870 tấn và chiều dài 60m. Khác so với những phiên bản loại nhỏ, nó có khả năng hoạt động ở độ sâu tối đa 300m. Thủy thủ đoàn – 9 người và 6 người nhái. Vận tốc dưới nước – 14 hải lý/h. Tầm hoạt động – 2.000 hải lý.
Nó cũng sở hữu các loại vũ khí "khủng" hơn những phiên bản đàn anh. 4 máy phóng ngư lôi 533m mà có thể được sử dụng để phóng cả ngư lôi lẫn tên lửa hành trình Kalibr phiên bản tàu ngầm. Các máy phóng này cũng có thể sử dụng để phóng 8 quả ngư lôi 324mm.
Chiếc tàu ngầm có chức năng rải thủy lôi với cơ số mang theo tối đa 24 quả. Khả năng hoạt động không cần nổi lên mặt nước là 20 ngày.
Động cơ bao gồm các block ắc quy, máy phát điện chạy diezel công suất 630kWt và động cơ đẩy bằng điện công suất 900kWt. Chiếc tàu ngầm này cũng được trang bị cả máy phát điện điện hóa mà giúp nó có thể chạy liên tục 1.200 hải lý dưới nước.
Thêm một chiếc tàu ngầm nữa mà không được "Malakhit" công khai các thông số kỹ thuật – đó là "Piranha-950". Chỉ có thể phỏng đoán rằng, đây là chiếc tàu ngầm lớn nhất thuộc gia đình "Piranha", sở hữu khả năng tấn công mạnh nhất.
"Malakhit" tiếp tục phát triển dự án của mình dù ban lãnh đạo Hải quân Nga không quan tâm nhiều tới các tàu ngầm cỡ nhỏ. Nhưng, theo như Phó tổng giám đốc thứ nhất của "Malakhit", kỹ sư trưởng Nikolai Novoselov: "tảng băng sẽ phải dịch chuyển".
Những kỳ vọng này liên quan tới sự thay đổi nhanh chóng của tình hình chiến lược, với sự cấp thiết ngày càng gia tăng của công tác phòng chống các hành động phá hoại và tuần tra kín đáo vùng biển gần bờ cũng như để thực hiện các nhiệm vụ đột kích.