Pine Gap – Căn cứ tình báo của Mỹ ở Australia

An Tôn |

Từ Alice Springs, khu vực có 25.000 dân cư sinh sống ở bang Northern Territory, Bắc Australia, đi xe một đoạn chừng 10 phút là đến một khu phức hợp được bảo đảm an ninh cao độ, mang mật danh RAINFALL, tên gọi chính thức là Căn cứ Quốc phòng Liên hợp Pine Gap.

Khu căn cứ nằm lọt thỏm giữa vùng sa mạc đá của Australia, là một trong những cơ sở do thám quan trọng nhất ở Đông bán cầu và là một cơ sở tình báo quan trọng để Australia tham gia hệ thống do thám toàn cầu "Five Eyes".

"Con mắt" giám sát mọi giao dịch truyền thông

Thành lập từ thập niên 60 thế kỷ XX, theo một thỏa thuận quốc phòng giữa hai chính phủ Mỹ và Australia, khu căn cứ Pine Gap được bảo vệ rất nghiêm ngặt, ngoại trừ những người làm việc bên trong đó, ra vào phải mang thẻ an ninh, người dân thường bên ngoài "không phận sự miễn vào".

Mỗi ngày có đến hàng trăm người Mỹ và Australia ra vào khu phức hợp Pine Gap để làm việc. Cho đến thập niên 80 thế kỷ XX, nhân sự người Mỹ vẫn chiếm đa số trong Pine Gap, nhưng sau đó do sức ép từ cộng đồng, hai chính phủ đành thỏa thuận lại và gia tăng số lượng người Australia lên bằng một nửa tổng số nhân sự.

Đến năm 2016, tổng số người làm việc trong Pine Gap là khoảng 800 người thì có đến 599 người Mỹ, họ đến sinh sống và làm việc bên trong Pine Gap. Họ là những nhà phân tích tình báo, điệp viên, chuyên gia mật mã và chuyên gia ngôn ngữ, kỹ sư thuộc các cơ quan tình báo NSA, CIA và NRO của Mỹ.

Cùng tham gia làm việc còn có lực lượng tình báo thuộc bộ binh, hải quân và không quân Mỹ và người của quân đội, tình báo Australia. Nhìn chung người Mỹ nắm quyền kiểm soát toàn bộ khu căn cứ này.

Được bao bọc bởi một bức tường bí mật trong một khoảng thời gian dài, từ năm 1966, người dân Australia chỉ được biết đến căn cứ này như là một cơ sở nghiên cứu không gian của chính phủ. Tuy nhiên, gần đây đã bắt đầu có những tổ chức nghiên cứu và báo chí, truyền thông quan tâm tìm hiểu, điều tra về hoạt động của Pine Gap.

Một báo cáo tình báo mật của Mỹ mô tả sơ bộ nhiệm vụ chính của Pine Gap là "hỗ trợ an ninh quốc gia của Mỹ và Australia. Cơ sở này góp phần trong việc xác thực các thỏa thuận kiểm soát vũ khí hoặc giải trừ vũ khí và giám sát các hoạt động quân sự".

Nhưng sự thật nhiệm vụ của Pine Gap rộng lớn hơn thế nhiều. Một phóng sự điều tra do tờ báo The Intercept hợp tác với Đài phát thanh và truyền hình ABC của Australia phát sóng hồi tháng 8-2017 đã vén dần bức màn bí mật của Pine Gap.

Lần đầu tiên dư luận công chúng Australia mới được biết đến một loạt nhiệm vụ quan trọng qua khu căn cứ bí mật này. Đây là một căn cứ quan trọng kiểm soát các vệ tinh tình báo của Mỹ, đồng thời là "con mắt" giám sát mọi giao dịch truyền thông của một vài châu lục.

Cùng với căn cứ Menwith Hill của NSA ở Anh, Pine Gap trong những năm gần đây được sử dụng làm căn cứ chỉ huy cho hai nhiệm vụ quan trọng. Nhiệm vụ thứ nhất mang mật hiệu M7600 bao gồm ít nhất 2 vệ tinh tình báo, được đề cập đến trong một tài liệu năm 2005 với nhiệm vụ "do thám liên tục phần lớn mảng lục địa Á-Âu và châu Phi".

Nhiệm vụ này sau đó được nâng cấp, bổ sung thành một phần trong nhiệm vụ thứ hai M8300, bao gồm một chùm 4 vệ tinh do thám toàn bộ các nước thuộc Liên Xô cũ (kể cả Nga), Trung Quốc, Nam Á, Đông Á, Trung Đông, Đông Âu và các lãnh thổ trong Đại Tây Dương.

Các vệ tinh được phóng lên và duy trì trên quỹ đạo cách mặt đất khoảng 36.000 km. Chúng được trang bị công nghệ do thám hùng mạnh dùng để giám sát các giao dịch truyền thông không dây trên mặt đất, như điện thoại di động, truyền thanh và truyền hình, điện thoại vệ tinh.

Chúng thu thập tín hiệu truyền thông thuộc các lĩnh vực chiến lược và chiến thuật quân sự, khoa học, chính trị và kinh tế, đồng thời cũng quan tâm theo dõi các vụ thử tên lửa và vũ khí ở các quốc gia mục tiêu, thu gom thông tin tình báo từ các hệ thống ra đa quân sự nước ngoài, hỗ trợ hoạt động do thám cho các lực lượng Mỹ trên thế giới.

Bên ngoài trung tâm Pine Gap, có khoảng 38 chiếc đĩa ra đa hướng thẳng lên trời, nhiều cái trong số đó được che giấu trong những quả cầu trắng.

Theo một báo cáo mật của NSA tháng 4-2013 (được Edward Snowden tiết lộ), Pine Gap đóng một vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ cả hoạt động tình báo lẫn các chiến dịch quân sự. Một trong những chức năng then chốt của căn cứ là thu thập thông tin tình báo định vị toàn cầu, có thể dùng để hỗ trợ hoạt động tấn công quân sự bằng máy bay.

Để thực hiện chức năng này, bên trong căn cứ có một bộ phận đặc biệt được trang bị "một số công cụ dùng để định vị địa lý, cung cấp thông số địa lý cho một vùng rộng lớn, kết hợp với các hệ thống vệ tinh và cố định khác.

Richard Tanter, Giáo sư thuộc Đại học Melbourne, là người đã có nhiều năm nghiên cứu về Pine Gap. Ông cùng với 2 đồng nghiệp là Bill Robinson và Desmond Ball đã thực hiện một số báo cáo về hoạt động của căn cứ này cho tổ chức nghiên cứu Nautilus Institute ở California.

Đánh giá qua các tài liệu do Snowden cung cấp, Giáo sư Tanter cho rằng, đã có những sự thay đổi lớn trong chức năng, nhiệm vụ của Pine Gap trong những năm gần đây.

Các tài liệu khẳng định một trong những hoạt động của Pine Gap hiện nay là thu thập thông tin định vị địa lý điện thoại di động trên phạm vi toàn cầu, từ khu vực Thái Bình Dương sang tận mép rìa châu Phi.

Không chỉ xác định vị trí địa lý, Pine Gap còn có thể trích xuất số điện thoại, trích nội dung thông tin liên lạc, giao tiếp của người dùng điện thoại, từ đó giúp cho quân đội Mỹ có khả năng xác định vị trí thực tế của các đối tượng mục tiêu quan tâm.

Pine Gap trong mắt người Australia

Đã từng có một thời gian trước đây Pine Gap chỉ tập trung giám sát các cuộc thử tên lửa và các hoạt động khác liên quan đến quân sự ở các quốc gia như Nga, Trung Quốc, Pakistan, Nhật Bản, Triều Tiên, Ấn Độ.

Nhưng ngày nay, Pine Gap làm nhiều việc hơn. Tờ báo Sydney Morning Herald của Australia cho rằng, Pine Gap đóng vai trò then chốt trong các chương trình máy bay không người lái tiêm kích của Mỹ.

Pine Gap – Căn cứ tình báo của Mỹ ở Australia - Ảnh 1.

Ông Jim Dowling, nhà hoạt động phản chiến Australia, bị bắt rất nhiều lần và hiện phải hầu tòa vì phản đối Pine Gap.

Trong một thập niên qua, các vụ tấn công bằng máy bay không người lái đã giết chết nhiều thủ lĩnh của các tổ chức khủng bố như Al-Qaeda, IS, và phiến quân Taliban. Nhưng bên cạnh đó các cuộc oanh kích còn giết nhầm nhiều dân thường vô tội, xảy ra bên ngoài vùng chiến sự. Một số trường hợp còn có thể xem xét để quy kết tội ác chiến tranh.

Mỹ và các đồng minh thường xuyên sử dụng chiến thuật do thám truyền thông để truy lùng các phiến quân. NSA thường xác định vị trí các mục tiêu để dùng máy bay không người lái tiêu diệt bằng cách phân tích hoạt động của chiếc sim điện thoại chứ không cần nghiên cứu nội dung giao tiếp.

Phương pháp này không bảo đảm tính chính xác, vì thế đã dẫn đến nhiều trường hợp tấn công nhầm mục tiêu dân thường. Nói cách khác, vì theo đuổi mục tiêu là chiếc điện thoại chứ không phải con người nên NSA không thể xác định chính xác kẻ đang cầm chiếc điện thoại có phải là kẻ xấu hay không.

Mối lo ngại về độ chính xác của chiến thuật định vị mục tiêu này càng trở nên mạnh mẽ hơn dưới thời Tổng thống Donald Trump. Kể từ khi nhậm chức Tổng thống từ đầu năm 2017 đến nay, ông Trump đã gia tăng mạnh số vụ oanh kích bằng máy bay không người lái và các cuộc bố ráp của lực lượng đặc nhiệm, trong khi buông lỏng các quy tắc, kỷ luật chiến trường.

Pine Gap – Căn cứ tình báo của Mỹ ở Australia - Ảnh 2.

Nhiều người cùng tham gia phản đối Pine Gap.

Theo tổ chức vận động Antiwars, chuyên giám sát hoạt động không kích của Mỹ, thương vong dân thường trong cuộc chiến chống IS của Mỹ có chiều hướng gia tăng gấp đôi dưới thời Tổng thống Trump.

David Rosenberg, một nhân viên NSA làm việc ở Pine Gap hơn chục năm qua thừa nhận rằng căn cứ này được sử dụng để định vị địa lý thông qua thiết bị truyền dẫn thông tin. Ông cho rằng căn cứ đã góp phần giúp hạn chế số thương vong dân thường bằng cách cung cấp thông tin tình báo chính xác.

Ông khẳng định, chính phủ Mỹ và Australia tất nhiên muốn giảm thiểu số thương vong dân thường trong các chiến dịch quân sự. Nhưng lời trấn an đó của ông Rosenberg có vẻ quá yếu, không đủ làm nguôi đi những lời chỉ trích.

Emily Howie, Giám đốc nghiên cứu của Trung tâm Luật nhân quyền Australia cho rằng, chính phủ Australia cần "công khai minh bạch và có trách nhiệm" đối với vai trò của mình trong hoạt động không kích của Mỹ.

Các cuộc không kích đó đã đặt ra vấn đề pháp lý đáng quan tâm vì chúng đã vi phạm luật pháp quốc tế về chiến tranh, vì thế tiềm ẩn nguy cơ Australia bị dính vào tội ác chiến tranh thông qua việc duy trì và sử dụng căn cứ Pine Gap.

Pine Gap là một biểu tượng tiêu biểu cho quan hệ đồng minh lâu năm giữa Mỹ và Australia. Mối quan hệ đó đã được nhen nhóm từ những năm đầu thế kỷ XX.

Đến năm 1951, quan hệ chính thức được xác lập, khi Mỹ và Australia ký kết Hiệp ước ANZUS, một thỏa thuận hợp tác quốc phòng song phương. Rồi Australia tham gia với tư cách thành viên trong hệ thống tình báo "Five Eyes" toàn cầu (bao gồm Mỹ, Anh, Canada, Australia và New Zealand).

Hiện nay, cơ quan tình báo tín hiệu ASD của Australia vẫn duy trì mối quan hệ cực kỳ mật thiết với NSA của Mỹ. Sự hợp tác giữa hai cơ quan mang lại lợi ích cho mỗi bên; NSA cung cấp công nghệ, kỹ thuật tiên tiến về mã hóa, nguồn lực, và ngược lại Australia cung cấp cơ sở vật chất – đó là căn cứ Pine Gap – để NSA thỏa sức tiến hành hoạt động do thám, giám sát thế giới của mình.

Nhưng sự hiện diện của người Mỹ cùng những hoạt động của họ bên trong Pine Gap đang ngày càng trở nên khó chấp nhận đối với người Australia, trở thành mục tiêu của một số tổ chức phản chiến và bảo vệ quyền con người ở Australia.

Tháng 9-2016, một nhóm người thuộc tổ chức phản chiến Phong trào Công nhân Thiên Chúa giáo (CWM) do Jim Dowling và Margaret Pestorius dẫn đầu đã thực hiện một cuộc xâm nhập qua hàng rào an ninh Pine Gap để phản đối hoạt động của tình báo Mỹ.

Nhóm của Dowling và Pestorius phản đối việc nước Mỹ sử dụng các thiết bị chiến tranh kỹ thuật cao gây ra thương vong cho nhiều dân thường vô tội ở Iraq và Afghanistan.

Với giọng điệu cứng rắn kèm theo những hành động hăm dọa Triều Tiên trong vài tháng qua của Tổng thống Trump, Canberra càng lo thắt ruột. Bang Northern Territory của Australia có thành phố Darwin sầm uất và căn cứ Pine Gap cách Bình Nhưỡng 3.600 dặm, nằm trong tầm bắn của tên lửa đạn đạo xuyên lục địa.

Một khi nước Mỹ gây chiến với Triều Tiên, Australia không tránh khỏi vạ lây, bị lôi kéo vào cuộc chiến, Pine Gap trở thành căn cứ tiền tiêu, còn vùng lãnh thổ phương Bắc Australia cũng trở thành mục tiêu hứng tên lửa từ Triều Tiên.

Vì vậy, đã bắt đầu có tiếng nói ở Australia kêu gọi nên xem xét lại mức độ quan hệ về an ninh, quốc phòng với nước Mỹ dưới thời Tổng thống Trump.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại