Bị đối tượng đâm ba nhát dao, trong đó có nhát dao chí mạng sâu 8cm vào cổ, Thiếu tá Nguyễn Hoài Sơn, Trưởng công an phường Phương Mai, quận Đống Đa, Hà Nội vẫn nỗ lực quật ngã đối tượng to khỏe và hung hãn, giải cứu con tin an toàn.
Cuộc vật lộn không cân sức
Chiều tối 29/11, phòng điều trị của bệnh nhân Nguyễn Hoài Sơn, Trưởng công an phường Phương Mai tấp nập đồng nghiệp, bạn bè và có cả người dân trên địa bàn ra vào thăm hỏi, động viên.
Các bác sỹ đang thăm khám cho Thiếu tá Sơn cho biết, vết đâm sâu lút tới 8cm, rộng 3cm ở vùng cổ. “Rất may, vết dao chỉ cách động mạch chủ 2mm, nếu không dù anh Sơn bị đâm ngay cổng viện, cũng khó cứu chữa.
Hiện giờ anh Sơn đang bị tê bì, mất cảm giác vùng mặt phải, nhưng những tổn thương về động mạch máu và thần kinh đã không còn nguy hiểm”, bác sỹ nói.
Trên giường bệnh, Thiếu tá Sơn khuôn mặt đượm vẻ mệt mỏi, mái tóc vẫn còn khô bết máu nhưng vẫn nhớ rành rẽ từng chi tiết của vụ khống chế con tin rạng sáng 27/11.
Anh kể, tối 26/11 anh trực. Gần 3h sáng 27/11, Công an phường Phương Mai nhận được điện thoại từ lực lượng bảo vệ Bệnh viện Bạch Mai báo có đối tượng nam giới đang dùng dao khống chế con tin là một nữ bệnh nhân, cần hỗ trợ gấp.
“Tôi cùng anh em lập tức tới hiện trường. Lúc đó, đối tượng nam to, khỏe mà sau này xác định là Phạm Thế Loát (SN 1987, trú tại xã Yên Đồng, huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình), đã dùng dao nhọn không chế một nữ bệnh nhân tên Nguyễn Thị Hồng Ngân (SN 1987, trú tại huyện Sóc Sơn, TP Hà Nội).
Sợ nguy hiểm cho tính mạng con tin, chúng tôi đã dùng mọi cách thuyết phục, nhưng suốt gần 2 giờ thuyết phục, đối tượng vẫn dí dao vào cổ bệnh nhân, dắt bệnh nhân đi ra phía cổng bệnh viện và yêu cầu lực lượng chức năng phải cấp cho một xe ô tô để cùng vợ (cũng là bệnh nhân điều trị chung phòng với con tin) về quê ở Ninh Bình”, Thiếu tá Sơn nhớ lại.
Ra đến cổng, lực lượng công an đã bố trí sẵn một chiếc ô tô con 4 chỗ chờ cùng một cán bộ hình sự ngồi ghế lái, nhưng Loát yêu cầu người lái ra khỏi xe, bắt cởi áo ra để xem có súng không, bắt mở cốp, bỏ hết đồ trong đó ra và bật đèn xe lên để kiểm tra xe.
Rồi bất ngờ, đối tượng yêu cầu đổi người lái và Thiếu tá Sơn, lúc đó đang mặc thường phục, đã được lựa chọn lên xe để đảm bảo tính mạng cho chị Ngân, chờ đợi thời cơ để bắt giữ đối tượng.
“Lên xe, đối tượng để chị Ngân ngồi giữa hắn và vợ, chân ghếch lên người chị Ngân, tay không rời dí dao vào cổ con tin.
Suốt dọc đường đi, tôi nói chuyện để trấn tĩnh và thuyết phục đối tượng, nhưng đối tượng rất tỉnh táo và lì lợm”, Thiếu tá Sơn cho biết.
Đến đoạn rẽ đầu đường cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ ở chân cầu vượt Thanh Trì, Thiếu tá Sơn liếc vào gương, thấy chị Ngân đã lả đi.
Chị Ngân bị bệnh đã lâu, thể trạng gày yếu, chỉ 40kg, lại đang xuất huyết dạ dày nặng nên quá trình bị khống chế đã khiến chị suy kiệt.
Lo sợ bệnh nhân không đủ sức chịu đựng hơn nữa, Thiếu tá Sơn quyết định dừng xe, tắt máy. Anh nói với đối tượng: “Khi lên xe, anh hứa chỉ cần chở anh ra khỏi bệnh viện 1km sẽ thả con tin.
Giờ tôi đã chở anh đi 2km, anh hãy thả con tin ra để chị ấy về bệnh viện điều trị tiếp, rồi anh muốn gì tôi cũng giúp. Nếu anh cần xe chở về tận quê, tôi sẽ đưa anh về quê.
Nếu anh cần taxi đưa vợ về quê, tôi sẽ trả tiền taxi để anh chị về tận quê”.
Lúc này, đối tượng bỗng yêu cầu anh Sơn mở hộc đựng đồ bên cạnh kiểm tra, rồi bắt anh giơ hai tay lên để vợ kiểm tra xem có vũ khí không. Anh Sơn vừa giơ hai tay lên, đối tượng bất ngờ chồm lên, đâm thẳng dao vào cổ anh.
“Máu tuôn xối xả nhưng lúc đó tôi chưa thấy đau, chỉ thấy cổ cứng lại, không thể quay đầu ra sau.
Tôi vòng tay giữ chặt tay cầm dao của đối tượng để rút con dao đâm ở cổ mình ra, rồi một tay ghì chặt, quật tay đối tượng vào thành xe; Tay kia tôi tìm cách mở chốt xe để lao ra ngoài, miệng hét giục con tin “chạy đi”.
Thực sự đối tượng rất to khỏe, sau này tôi mới biết đối tượng từng là lính đặc công, nên tôi vật lộn trong xe cũng không thể tước được dao của đối tượng”, Thiếu tá Sơn nhăn mặt vì cơn đau ùa đến, nhớ lại.
Quyết giết Thiếu tá Sơn, đối tượng chồm từ băng ghế sau lên ghế phụ đằng trước rồi lao theo, tiếp tục đâm anh hai nhát dao nữa nhưng anh né được, vết dao chỉ sượt trên vai.
Dù đã trọng thương, Thiếu tá Sơn vẫn gồng mình tiếp tục vật lộn, tước được dao và vừa kịp lúc đồng đội của anh vẫn theo sát phía sau ập đến, khống chế đối tượng.
Thiếu tá Sơn lúc đó lịm đi và lập tức được đưa trở lại Bệnh viện Bạch Mai cấp cứu.
Thêm một lần lỗi hẹn
Không một bước rời chồng kể từ lúc được đồng đội của anh đưa đến bệnh viện, chị Trần Thúy Nga, vợ Thiếu tá Nguyễn Hoài Sơn xót xa nhìn chồng trên giường bệnh: "Sau ba ngày điều trị, dù đã qua cơn nguy kịch nhưng hiện anh ấy vẫn chưa ăn được, chỉ uống sữa, vết thương còn đau nên hàng đêm anh mất ngủ.
Anh mất nhiều máu quá, đồ của anh mặc hôm đó, áo quần phía trong tôi bỏ hết, chỉ giữ lại chiếc áo khoác, mà vò tay đến gần 20 lần, nước trong chậu vẫn loang máu đỏ...", chị Nga cho hay.
Đưa ánh mắt trìu mến nhìn vợ, Thiếu tá Sơn khẽ nói: "Anh không sao, chỉ tiếc lại thêm một lần lỡ buổi hẹn với em và các con…".
Theo lời chị Nga, hôm đó là thứ bảy (tối 26/11 - PV), anh phải trực tối và như lệ thường, anh dặn vợ và các con ngày chủ nhật không phải đi làm, đi học thì cứ ngủ trễ một chút, đợi sáng chủ nhật anh về đưa ba mẹ con đi ăn sáng.
Sáng đó không thấy anh về như đã hẹn, cũng không thấy anh điện thoại, chị cũng nghĩ đó là sự thường bởi công việc của anh thường xuyên có những sự cố, nhiệm vụ đột xuất ngoài dự kiến.
"Tôi cho bọn trẻ ăn sáng ở nhà rồi dọn dẹp nhà cửa đợi anh về. Khoảng 10h, bỗng đồng đội của anh điện thoại nói: "Chị mặc đồ đi lát tụi em qua đón đi có chút việc".
Tôi giật mình hỏi ngay: "Anh Sơn bị sao phải không? Anh Sơn sao rồi?".
Chị hiểu tính chồng, có thể vì công việc mà lỡ hẹn với vợ con, nhưng xong việc thì đích thân anh sẽ là người gọi điện chứ không phải là đồng đội của anh gọi tới.
Cảm giác anh bị làm sao đó khiến chị run bắn người, tìm mãi không được quần áo để thay, phải gọi cậu con trai lớn tìm giúp. Gặng hỏi đồng đội của anh, mọi người cứ lặng thinh lảng tránh.
"Anh em đưa tôi tới bệnh viện, lúc đó anh đã phẫu thuật xong, qua cơn nguy kịch rồi. Nhìn anh nằm trên giường bệnh với dây dợ đầy người, nước mắt tôi cứ trào ra", chị Nga xúc động kể.
Cùng công tác trong lực lượng công an nhân dân, lại gắn bó bên anh từ những ngày còn học phổ thông, chị Nga hiểu công việc của chồng không tránh khỏi những lần cận kề nguy hiểm.
Nhưng anh Sơn chưa từng nao núng, chùn bước hay sợ hãi trước khó khăn. "Có lần tôi nghe đồng đội của anh kể lại, anh bị đối tượng côn đồ kê súng vào đầu, thế nhưng tối đó anh về nhà, vẫn vui cười như không có chuyện gì với vợ con.
Như lần gặp nạn này, ngay khi tỉnh lại sau phẫu thuật, anh bảo mọi người đừng báo cho vợ con biết, chỉ nói anh đi công tác đột xuất vài ngày rồi về.
Nhưng thấy anh đã qua cơn nguy kịch, mọi người vẫn giấu anh báo cho tôi", chị Nga cho hay.
Hỏi anh Sơn lúc biết mình trọng thương cận kề "cửa tử", anh có thấy sợ? Thiếu tá Sơn nói: "Lúc đó tôi chợt thấy buồn và nghĩ bọn trẻ còn nhỏ quá.
Nhưng sợ thì không và nếu có sự cố khác xảy ra, tôi cũng như các anh em trong lực lượng vẫn nỗ lực làm hết trách nhiệm được giao, bởi nếu mình không phải là người đối mặt hiểm nguy, thì sẽ phải có anh em, đồng đội khác của mình đối mặt".
Chị Nguyễn Thị Hồng Ngân, con tin bị khống chế nhắc đến Thiếu tá Sơn trong niềm xúc động: "May sao các anh công an đã có mặt kịp thời, nhất là Thiếu tá Sơn đã bất chấp hiểm nguy tìm mọi cách để giải cứu tôi.
Với tôi và gia đình, anh Sơn là ân nhân, các anh cùng đồng đội là những anh hùng…".
Theo Công an quận Đống Đa, hiện CQĐT vẫn đang tiếp tục làm rõ động cơ, mục đích phạm tội của Phạm Thế Loát.
Quá trình điều tra bước đầu cho thấy, ngày 23/11, Loát đưa vợ là Phạm Thị Út (SN 1987) đến điều trị bệnh viêm tụy, nằm chung phòng 502, Khoa Nội tiết, Bệnh viện Bạch Mai với chị Ngân.
Quá trình chăm vợ trong viện, thấy chị Ngân ăn mặc sang trọng, Loát nảy sinh ý định cướp tài sản. Khoảng 2h30 ngày 27/11, Loát lấy một con dao dí vào cổ chị Ngân đòi đưa tiền.
Chị Ngân kêu cứu và mọi người trong phòng tỉnh dậy, can ngăn Loát và báo cho lực lượng công an.
Nhận được tin báo, lực lượng công an lập tức tới hiện trường. Sau khi thuyết phục đối tượng bất thành, theo đòi hỏi của Loát, Thiếu tá Sơn làm tài xế đưa Loát cùng con tin và vợ thoát khỏi hiện trường.
Khi đến chân cầu vượt Thanh Trì gần nút rẽ vào cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ, Loát đã hung hãn dùng dao đâm Thiếu tá Sơn trọng thương.
Mặc dù bị thương, Thiếu tá Sơn vẫn vật lộn, khống chế đối tượng, cùng đồng đội phía sau hỗ trợ, giải cứu con tin an toàn.