Phút chót, Mỹ-Trung có động thái bất ngờ ở COP26: Tác động thảm khốc toàn cầu chấm dứt?

Trang Ly |

COP26 sắp bế mạc. Liệu Trái đất có trút được gánh nặng sau những cam kết mới của con người không?

Đặc phái viên khí hậu Mỹ John Kerry. Nguồn ảnh: Photo illustration: Aïda Amer/Axios. Photo: Christopher Goodney/Bloomberg via Getty Images

Đặc phái viên khí hậu Mỹ John Kerry. Nguồn ảnh: Photo illustration: Aïda Amer/Axios. Photo: Christopher Goodney/Bloomberg via Getty Images

MỸ-TRUNG TÌM ĐƯỢC TIẾNG NÓI CHUNG

Mỹ và Trung Quốc - hai quốc gia phát thải khí nhà kính hàng đầu thế giới, chiếm khoảng 40% tổng sản lượng carbon hàng năm của thế giới - hôm 10/11 (trước 2 ngày COP26 bế mạc) đã đưa ra thông báo bất ngờ: Mỹ, Trung đồng ý hợp tác hạn chế khí thải để giải quyết cuộc khủng hoảng khí hậu toàn cầu.

Ngày 10/11, trên website chính thức của Chính phủ Mỹ State.Gov đã đăng tải "Tuyên bố chung Glasgow Mỹ-Trung về tăng cường hành động vì khí hậu trong những năm 2020", trong đó có nội dung:

Mỹ và Trung Quốc nhắc lại cam kết chắc chắn của họ trong việc cùng nhau và với các Bên khác (thuộc COP) để tăng cường thực hiện Thỏa thuận Paris về Biến đổi khí hậu đưa ra năm 2015. Hai bên cũng nhắc lại mục tiêu của Thỏa thuận theo Điều 2 là giữ mức tăng nhiệt độ trung bình toàn cầu xuống dưới 2 độ C và theo đuổi các nỗ lực để hạn chế nhiệt độ toàn cầu xuống 1,5 độ C.

Để giảm lượng khí thải CO2, hai nước Mỹ-Trung dự định hợp tác về: Các chính sách hỗ trợ tích hợp hiệu quả các loại năng lượng tái tạo; Các chính sách truyền tải khuyến khích cân bằng hiệu quả cung và cầu điện trên các khu vực địa lý rộng lớn; Các chính sách phát điện, lưu trữ năng lượng Mặt trời và các giải pháp điện sạch khác đến gần hơn với người sử dụng điện; Các chính sách và tiêu chuẩn sử dụng năng lượng hiệu quả để giảm lãng phí điện.

Riêng từng quốc gia, Mỹ đặt mục tiêu đến năm 2035 đạt 100% nguồn điện không ô nhiễm cacbon. Trung Quốc sẽ giảm dần tiêu thụ than trong Kế hoạch 5 năm lần thứ 15 và nỗ lực hết sức để đẩy nhanh công việc này.

Trong khuôn khổ hội nghị khí hậu COP26 của Liên Hợp Quốc ở Glasgow, Scotland, Vương quốc Anh, đặc phái viên về khí hậu Trung Quốc Xie Zhenhua nói với các phóng viên tại một cuộc họp báo rằng: "Việc Mỹ và Trung Quốc hợp tác để hành động vì khí hậu không chỉ mang lại lợi ích cho hai nước mà góp phần cho thế giới nói chung khi Mỹ-Trung cùng gánh vác những trách nhiệm và nghĩa vụ quốc tế đặc biệt".

Phút chót, Mỹ-Trung có động thái bất ngờ ở COP26: Tác động thảm khốc toàn cầu chấm dứt? - Ảnh 1.

Đặc phái viên về khí hậu Trung Quốc Xie Zhenhua phát biểu trong tuyên bố chung giữa Mỹ và Trung Quốc tại hội nghị thượng đỉnh về khí hậu COP26. Hình ảnh: Jeff J. Mitchell / Getty

Thỏa thuận này đạt được trong bối cảnh Mỹ và Trung Quốc đang có mâu thuẫn trong các vấn đề quốc tế khác. Dưới cuộc chiến chống biến đổi khí hậu, cả hai đã tìm được tiếng nói chúng, thỏa thuận tuyên bố ý định thực hiện "các hành động cụ thể" về cắt giảm và hạn chế khí thải. Hai nước sẽ chia sẻ chính sách và phát triển công nghệ, công bố các mục tiêu quốc gia mới cho năm 2035 vào năm 2025 và khôi phục một nhóm công tác "đa phương" về biến đổi khí hậu.

Đặc phái viên khí hậu Mỹ John Kerry nói trong một cuộc phỏng vấn với Ari Shapiro của NPR: “Tôi hoàn toàn tin rằng việc hai nước hợp tác, đồng thuận về cuộc chiến chống biến đổi khí hậu là cách nhanh nhất và tốt nhất để đưa Trung Quốc - quốc gia phát thải khí nhà kính lớn nhất thế giới - thân thiện với môi trường hơn".

Ông John Kerry thừa nhận rằng bản thân thỏa thuận mới không đủ để đáp ứng mục tiêu 1,5 độ C của Thỏa thuận Paris, nhưng ông bảo vệ khả năng kích thích trách nhiệm giải trình và hành động của cả hai bên. Ông đã coi Glasgow là "cơ hội cuối cùng, tốt nhất" của thế giới để ngăn chặn các tác động thảm khốc có thể xảy ra do sự nóng lên toàn cầu.

"Đó là tốc độ nhanh nhất mà chúng tôi có thể đạt được tại thời điểm này ở Glasgow, nhưng đây là lần đầu tiên Trung Quốc và Mỹ đứng lên - hai quốc gia phát thải lớn nhất thế giới - và nói, "Chúng tôi sẽ làm việc cùng nhau".

Ông Kerry cho biết sự sẵn sàng hợp tác của Trung Quốc; tình trạng khí thải hiện tại; và lịch sử "thực hiện tốt các mục tiêu của chính mình" khiến thỏa thuận này trở nên tham vọng hơn những gì mà các nhà phê bình nhận ra.

Ông cũng chỉ ra tầm quan trọng của thỏa thuận giảm phát thải khí mêtan (CH4, khí nhà kính quan trọng thứ hai, sau CO2). Đây là lần đầu tiên chính phủ Trung Quốc cam kết giải quyết vấn đề này, và đó là lần đầu tiên Mỹ công bố các quy định mới trong tháng 11/2021 này.

Phút chót, Mỹ-Trung có động thái bất ngờ ở COP26: Tác động thảm khốc toàn cầu chấm dứt? - Ảnh 2.

Đặc phái viên khí hậu Mỹ John Kerry phát biểu tại hội nghị thượng đỉnh COP26 trong một tuyên bố chung Mỹ-Trung về tuyên bố tăng cường hành động vì khí hậu. Hình ảnh: Jeff J. Mitchell / Getty

"Nếu chúng tôi đạt được mục tiêu mà chúng tôi đã đặt ra là giảm 30% lượng khí mêtan vào năm 2030, thì điều đó tương đương với việc đưa tất cả khí thải của ô tô trên thế giới, tất cả các xe tải trên thế giới, tất cả máy bay trên thế giới, tất cả các con tàu trên thế giới, đều giảm xuống mức 0!" - Đặc phái viên khí hậu Mỹ John Kerry nói.

Ông Kerry cũng bày tỏ tin tưởng các điều khoản của thỏa thuận này và COP26 sẽ chuyển từ điều lệ thành hành động.

"Chìa khóa của Glasgow không nằm ở những từ ngữ được nói hoặc viết ra ở đây. Chìa khóa đó là đưa ra những lời cam kết song song với hành động. Sau COP26, chúng tôi sẽ hành động!"

VAI TRÒ CỦA MỸ TRONG BỨC TRANH KHÍ HẬU TOÀN CẦU

Ông Kerry cũng giải quyết những lời chỉ trích từ đại diện của các quốc gia nằm trong số các quốc gia dễ bị tổn thương nhất bởi biến đổi khí hậu, cũng như các câu hỏi về vai trò lãnh đạo của Mỹ trong các vấn đề khí hậu.

Các quốc gia đang phát triển đã kêu gọi các quốc gia giàu có duy trì cam kết năm 2009 được đưa ra tại hội nghị thượng đỉnh về khí hậu của Liên Hợp Quốc ở Copenhagen, Đan Mạch - rằng sẽ chuyển 100 tỷ đô la Mỹ mỗi năm cho các quốc gia ít giàu hơn để giúp họ thích ứng với biến đổi khí hậu.

Nhà hoạt động người Uganda Vanessa Nakate nói rằng vào năm 2021, lời hứa đó vẫn chưa được thực hiện.

"Và thật không công bằng đối với các quốc gia đang ở tuyến đầu của cuộc khủng hoảng khí hậu khi nguồn tài chính cho khí hậu này đã bị trì hoãn trong nhiều năm", bà nói với NPR trong tuần này .

"Tôi hy vọng bà ấy sẽ không bắt chính quyền Biden chịu trách nhiệm về những hành động của cựu TT Donald Trump," ông Kerry trả lời. "Lý do không có tiền trong vài năm qua là do TT Donald Trump đóng cửa - ông ấy đã rút khỏi Thỏa thuận Paris. Nhưng kể từ thời điểm Tổng thống Biden nhậm chức, ông ấy đã cố gắng giúp cung cấp số tiền đó".

Phút chót, Mỹ-Trung có động thái bất ngờ ở COP26: Tác động thảm khốc toàn cầu chấm dứt? - Ảnh 4.

Các loại khí nhà kính gây hiệu ứng nhà kính khiến Trái Đất nóng lên. Từ trái sang: Hơi nước, Carbonic, Mêtan, Dinitơ oxit, Ôzone, CFC.

Ông Kerry cũng nói rằng các cuộc nói chuyện của ông với 6 ngân hàng lớn nhất ở Mỹ và các cuộc trò chuyện với các nhà từ thiện cùng các quỹ sẽ dẫn đến nguồn vốn được tính bằng hàng nghìn tỷ đô la.

Đặc phái viên Mỹ cũng trả lời các câu hỏi về việc Quốc hội Mỹ không thông qua kế hoạch chi tiêu trong nước của TT Biden, trong đó bao gồm tài trợ để giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu. Ông thừa nhận rằng việc hoàn thiện pháp luật để thể hiện sự tín nhiệm quốc tế là "hữu ích, không có vấn đề", nhưng bày tỏ tin tưởng rằng nó sẽ không làm tổn hại đến quá trình đàm phán.

Khi hội nghị thượng đỉnh COP26 bước vào ngày cuối cùng, ông Kerry cho biết ông hy vọng có sự hợp tác và đồng thuận hợp lý. Ông cũng nói về sự cần thiết phải cung cấp kinh phí để giải quyết một thế giới đang bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu.

Ông nói: "Chúng tôi cần giúp các quốc gia thích ứng. Cần phải tập trung nhiều hơn vào việc thích ứng. Vâng, điều đó có nghĩa là đưa ra cam kết tiền bạc, công nghệ và hỗ trợ. Chúng tôi đã chuẩn bị để làm điều đó".

Kerry thừa nhận trách nhiệm đạo đức của Mỹ trong việc cung cấp các giải pháp cho biến đổi khí hậu, dựa trên lịch sử của họ đã góp phần vào vấn đề này.

"Chúng tôi có nghĩa vụ đạo đức cơ bản để làm điều này bởi vì chúng tôi là quốc gia giàu nhất hành tinh. Chúng tôi là quốc gia phát thải lớn thứ hai, và chúng tôi đã làm điều này trong một thời gian dài. Và kết quả tích lũy của những gì chúng tôi đã làm đều phát thải lên bầu khí quyển rồi gây ra thiệt hại cho con người. Chúng tôi biết điều đó và sẽ có trách nhiệm!" - Ông John Kerry nói.

Bài viết sử dụng nguồn: NPR (Mỹ), State.Gov

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại