Vũ khí mới của Nga có thực sự "bất khả chiến bại"?
Trong bài viết trên Defense One, nhà phân tích Amir Husain nhận định, các vũ khí chiến lược thế hệ mới của Nga có lẽ vẫn còn xa xôi và không hẳn đáng sợ như những gì Tổng thống Vladimir Putin gần đây tuyên bố.
Tuy nhiên, ông cũng cho rằng, bài phát biểu của ông Putin hôm 1/3 về phương tiện không người lái hạt nhân dưới biển và các tên lửa đạn đạo "phi thường" nên được xem là một động lực để thúc đẩy ngành công nghệ và quốc phòng Mỹ tiến nhanh hơn, nắm bắt lấy những ý tưởng đột phá tương tự, như trí thông minh nhân tạo và robot.
Thiết kế ngư lôi hạt nhân Status-6 của Nga bị rò rỉ trên sóng truyền hình từ cuối năm 2016. Ảnh: Sputnik
Các đối thủ của Mỹ đang đánh cược rằng một làn sóng vũ khí mới sẽ có thể vô hiệu hóa các công nghệ và chiến thuật ở trung tâm sức mạnh Mỹ, như trên tàu sân bay và các hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao.
Putin tuyên bố các loại vũ khí mới nhất của Nga "bất khả chiến bại trước tất cả các hệ thống phòng không/phòng thủ tên lửa hiện nay, thậm chí cả những hệ thống triển vọng".
Trung Quốc cũng đầu tư vào quốc phòng theo con đường tương tự, họ cấp tập thử nghiệm vũ khí siêu vượt âm, máy bay không người lái, các phương thức chống ngầm tiên tiến...
Theo ông Husain, ngay cả khi kho vũ khí sắp tới của Nga không thực sự được như những gì Moscow tuyên bố thì Mỹ vẫn nên nhận thức được rằng, các đối thủ của họ sẽ sớm triển khai những loại vũ khí tương tự như Putin mô tả, thậm chí trước cả Mỹ.
Tất nhiên, vẫn có các phương thức thông thường để đối phó với những mối đe dọa này. Song, các hệ thống vũ khí mới của Nga mang tính khiêu khích nhiều hơn là phá hủy. Chúng được đưa ra nhằm củng cố hơn nữa cho các cáo buộc của Moscow, rằng Nga đang bị bao vây, đe dọa bởi các hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ và NATO.
Ông Husain cho rằng, để tránh rơi vào cái bẫy ấy, Mỹ cần phải tìm kiếm các phương thức đáp trả "khác với thông thường".
Phương thức rẻ mà hiệu quả
Một số ý tưởng đầy hứa hẹn đã trở nên khả thi hơn sau những bước tiến gần đây trong lĩnh vực phát triển trí thông minh nhân tạo và robot.
Theo ông Husain, có một điều đáng chú ý trong bài phát biểu của ông Putin là hình ảnh mô phỏng tên lửa đạn đạo Sarmat 200 tấn đang bắn ra các đầu đạn hướng về phía nhiều mục tiêu tại Florida. Sức mạnh của chúng đủ để xóa sổ một khu vực có diện tích bằng cả nước Pháp.
Tổng thống Putin công bố đoạn video về tên lửa Sarmat. Nguồn: RT
Trong trường hợp này, Mỹ có thể sử dụng các phương thức ngăn chặn thông thường như huy động hệ thống phòng thủ tên lửa trên bộ/trên biển mà họ đang triển khai trong nước, cũng như tại một số quốc gia đồng minh như Nhật Bản và Ba Lan.
Song, những hệ thống này đòi hỏi kỹ thuật phức tạp để hoạt động một cách chính xác. Ngoài ra, nếu muốn triển khai chúng tới các căn cứ đồng minh, Washington sẽ gặp phải không ít thách thức (như trường hợp triển khai THAAD tại Hàn Quốc) và có thể sẽ khiêu khích Bắc Kinh hoặc Moscow.
Bây giờ, theo một cách khác, hãy tưởng tượng ra đoạn video mô phỏng các đầu đạn của Nga lao về phía về Miami, Orlando, Tampa và Palm Beach (đều thuộc bang Florida).
Tiếp đó, camera quay cận cảnh một tàu ngầm không người lái của Mỹ đang nổi lên trên mặt nước, cách phía đông Miami 10 dặm. Khi tiến vào vùng biển Đại Tây Dương, cửa khoang tàu mở ra. Hàng loạt tàu ngầm được bố trí ngoài khơi bờ biển nam Florida cũng nổi lên theo cách thức tương tự. Chúng đồng loạt phóng ra hàng trăm máy bay không người lái quadcopter.
Ảnh minh họa tàu ngầm Mỹ triển khai máy bay không người lái từ dưới nước. Nguồn: RT
Những chiếc máy bay này bay thẳng lên trời, chúng được Không quân Mỹ truyền dữ liệu về tên lửa Sarmat đang bay tới. Trong chốc lát, với các thiết bị quang học và nhập dữ liệu được trang bị, mỗi nhóm máy bay tạo thành một mạng lưới cục bộ được mã hóa, thay thế cho tin hiệu dẫn đường GPS vốn dễ dàng bị gây nhiễu.
Sau một vài phút tiếp theo, đàn UAV này bắt đầu tính toán kế hoạch tấn công. Nhóm bay trên Tampa tách ra, nhập một phần vào nhóm bay trên Orlando, chúng được dẫn hướng qua hệ thống dữ liệu lắp đặt trên một chiếc F-35 của căn cứ không quân Eglin.
Chiếc F-35 thông báo rằng các đầu đạn đang bay đến là Avangard, với tốc độ siêu vượt âm. Chúng đang lao về phía trái đất với vận tốc Mach 20. Lúc này, đàn UAV nhanh chóng xếp đội hình nhiều lớp trên không, củng cố phòng thủ.
Mô phỏng đầu đạn Avangard trong quá trình tấn công mục tiêu. Ảnh chụp video
Các UAV trang bị thuốc nổ phá mảnh đổi vị trí với các UAV trang bị đạn nhiệt áp để chúng bay lên tầm cao hơn đón đánh đầu đạn đang bay tới.
Phía dưới nước, các tàu ngầm không người lái lặn xuống, mạng lưới nơ-ron trên tàu tái định hình tải trọng vũ khí và các yếu tố cần thiết cho đội hình UAV tiếp theo để đáp trả hiệu quả hơn nếu phát hiện thêm các tên lửa Sarmat hoặc các mối đe dọa nào khác từ trên không.
Theo ông Husain, Mỹ có thể sử dụng ý tưởng này để chống lại các mối đe dọa đường không, như tên lửa hành trình hạt nhân tầm xa, hay ngư lôi hạt nhân Status-6 (được thiết kế để qua mặt các hệ thống phòng thủ thông thường) mà Tổng thống Putin đã công bố.
Phương thức này cũng có những thách thức nhất định về kỹ thuật, chẳng hạn như nguồn năng lượng để triển khai được mạng lưới cảm biến toàn cầu rẻ và linh hoạt.
Tuy nhiên, chúng không phải là không thể vượt qua và không hoàn toàn mang tính giả thuyết bởi trên thực tế, ý tưởng này đã được công ty SparkCognition (chuyên về các giải pháp sử dụng trí tuệ nhân tạo) tại Mỹ nghiên cứu từ vài năm trước.
Theo vị chuyên gia, trí tuệ nhân tạo và robot sẽ cho phép Mỹ có được các phương thức đáp trả phi đối xứng với chi phí rẻ, linh hoạt và có thể mở rộng quy mô toàn cầu. Thách thức lớn nhất trong lĩnh vực tự động hóa và robot không phải là công nghệ, mà là sự sẵn lòng phá vỡ các quy ước thông thường.