Phương Tây “sốc” trước công nghệ vũ khí mà Nga sử dụng ở Ukraine

Hồng Anh |

Khi quân đội Nga phóng vũ khí dẫn đường chính xác vào các mục tiêu quân sự của Ukraine, các sỹ quan an ninh của Ukraine đã phối hợp với một số nhóm nghiên cứu tư nhân thu thập các bộ phận của tên lửa bị rơi để làm sáng tỏ bí mật công nghệ của Nga.

Điều khiến giới phân tích bất ngờ là những loại vũ khí nói trên đều là vũ khí hàng đầu của Nga nhưng chúng lại chứa các linh kiện có thành phần công nghệ khá thấp. Phát hiện này đã được trình bày chi tiết trong một báo cáo của Conflict Armament Research - nhóm nghiên cứu vũ khí độc lập có trụ sở tại London. Nhóm này bắt tay nghiên cứu các loại vũ khí của Nga mà Ukraine thu được trên chiến trường từ tháng 7 vừa qua.

Phương Tây “sốc” trước công nghệ vũ khí mà Nga sử dụng ở Ukraine - Ảnh 1.

Pháo phản lực MB21 Grad của quân đội Nga khai hỏa ngày 12/8 tại tiền tuyến ở tỉnh Kharkov. Ảnh: Reuters.

Ông Damien Spleeters, một trong những chuyên gia điều tra làm việc với tổ chức Conflict Armament Research cho biết:

“Chúng tôi thấy rằng, Nga đã tái sử dụng nhiều linh kiện điện tử giống nhau của nhiều loại vũ khí, trong đó có cả tên lửa hành trình và trực thăng tấn công mới nhất. Đáng chú ý, một số vũ khí dẫn đường chính xác lại có những công nghệ và linh kiện không phải của Nga và hấu hết chíp máy tính mà chúng tôi thu thập được đều do các nước phương Tây sản xuất sau năm 2014”.

Đây là điều khá bất ngờ bởi phương Tây đã áp đặt một loạt lệnh trừng phạt đối với Nga sau sự kiện Moscow sáp nhập Bán đảo Crimea năm 2014, trong đó có lệnh cấm xuất khẩu sang Nga những mặt hàng công nghệ cao có thể giúp tăng cường năng lực quân sự của nước này. Vẫn chưa rõ cách thức Nga tiếp cận hoặc sở hữu những linh kiện do phương Tây sản xuất.

Chuyên gia Spleeters đang liên hệ với các nhà sản xuất chất bán dẫn của Mỹ và châu Âu để tìm hiểu bằng cách nào hàng hóa của họ lại có mặt trong kho vũ khí của Nga, cho dù là qua các giao dịch hợp pháp hoặc qua thị trường chợ đen để tránh lệnh trừng phạt.

Các nhà điều tra đã phân tích xác 3 tên lửa hành trình của Nga. Đây được cho là những tên mới nhất và tiên tiến nhất, trong đó có tên lửa hành trình chiến lược Kh-101 và tên lửa phóng loạt Tornado-S. Những mẫu tên lửa này đều chứa các thành phần giống nhau, đặc biệt là thiết bị thu định vị vệ tinh SN-99 đóng vai trò rất quan trọng với hoạt động của tên lửa.

Chuyên gia Spleeters nhận định, việc Nga sử dụng các linh kiện giống nhau trong nhiều loại vũ khí cho thấy “điểm nghẽn” trong chuỗi cung ứng của nước này. Điều đó sẽ hạn chế khả năng của Moscow trong việc bổ sung các loại vũ khí dẫn đường chính xác vào kho dự trữ.

“Để kiểm soát hiệu quả việc xuất khẩu linh kiện công nghệ cao, phương Tây cần phải xác định rõ Nga đã cần gì và họ đang sử dụng những gì. Quan trọng hơn là biết rõ làm cách nào họ có thể sở hữu những linh kiện đó và họ thường sử dụng các bộ phận của những nhà cung cấp nào”.

Các nhà điều tra cho biết, Nga đang phải phụ thuộc vào một số sản phẩm bán dẫn của các nhà sản xuất phương Tây, để chế tạo không chỉ riêng vũ khí mà còn cả máy bay không người lái, thiết bị thông tin liên lạc, thiết bị điện tử cho trực thăng và nhiều mặt hàng quân sự khác.

“Qua kiểm tra các bảng mạch điện tử, chúng tôi thấy rằng chúng thường do cùng một nhà sản xuất làm ra, dù ngày sản xuất khác nhau. Nga dường như chỉ sử dụng sản phẩm của một số nhà sản xuất nhất định mà họ đã lựa chọn. Một khi bạn biết điều đó, việc nhắm mục tiêu vào các mạng lưới cung cấp này sẽ dễ dàng hơn”, ông Spleeters lưu ý.

Báo cáo của Conflict Armament Research cũng nêu bật sự khác biệt giữa các vũ khí hàng đầu của Nga và vũ khí mà Mỹ cung cấp cho Ukraine. Thông thường trong một cuộc xung đột, các bên tham chiến phải kiểm tra và mổ xẻ những khí tài quân sự họ thu giữ được để nắm thông tin của đối phương. Và các nhà điều tra cho biết Nga có nhiều loại vũ khí mà đối phương có thể sao chép.

Arsenio Menendez, một kỹ sư nghiên cứu vũ khí của NASA, đã nghiên cứu các bức ảnh về thiết bị điện tử quân sự của Nga và cho biết: “Đôi khi Nga sử dụng công nghệ từng được áp dụng vào cuối những năm 1990 hoặc giữa những năm 2000. Về cơ bản, nó tương đương với bảng điều khiển trò chơi điện tử Xbox 360 và có vẻ như bất kỳ ai cũng có thể tách nó ra và xây dựng bản sao của riêng họ”.

Trái lại, Mỹ lại có những quy định mà các nhà thầu quân sự phải thực hiện theo để tránh các quốc gia đối đầu có thể sao chép và tạo thành phiên bản vũ khí của riêng họ.

Để bảo vệ các công nghệ và thông tin quan trọng, Lầu Năm Góc đã đưa ra nhiều hướng dẫnquân sự yêu cầu các nhà thầu sử dụng những công nghệ chống giả mạo nhằm bảo mật các dòng mã máy tính và hệ thống chỉ dẫn giúp vũ khí tìm mục tiêu.

Ông Menendez cho biết: “Họ có thể xây dựng một mạng lưới bảo mật xung quanh một chíp máy tính và nếu như con chíp này bị đánh cắp thì nội dung của nó sẽ bị xóa bỏ”. Những biện pháp bảo vệ như vậy đã được sử dụng trong các mặt hàng thương mại như máy đọc thẻ tín dụng để làm giảm tình trạng trộm cắp và gian lận.

Chuyên gia Menendez lưu ý, việc Nga tái sử dụng nhiều linh kiện để chế tạo vũ khí dẫn đường cũng có thể giúp giải thích lý do vì sao tên lửa hành trình của họ đôi khi không chính xác lắm. Bởi các hệ thống GPS không theo tiêu chuẩn đôi khi có thể mắc phải một số sai sót trong quá trình xử lý tín hiệu vệ tinh và khiến tên lửa hành trình bắn trượt mục tiêu.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại