Các công ty khai thác mỏ ở phương Tây đang phải đối mặt với hai thách thức bao trùm trong việc cố gắng sản xuất đủ kim loại để thực hiện quá trình chuyển đổi năng lượng, đồng thời xây dựng chuỗi cung ứng thay thế nhằm giảm bớt sự phụ thuộc vào Trung Quốc.
Vấn đề là có một khoảng cách lớn giữa quy mô của tham vọng và thực tế của những gì đang thực sự xảy ra cũng như những gì có thể xảy ra trong vài năm tới, Reuters đưa tin.
Trong báo cáo "Lỗ hổng của chuỗi cung ứng năng lượng sạch" năm 2023 của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) có đoạn, việc sản xuất các khoáng sản quan trọng tập trung cao độ về mặt địa lý, gây lo ngại về an ninh nguồn cung, trong đó: Cộng hòa Dân chủ Congo ngày nay cung cấp 70% coban; Trung Quốc cung cấp 60% nguyên tố đất hiếm (REE); và Indonesia cung cấp 40% niken. Úc chiếm 55% sản lượng khai thác lithium và Chile chiếm 25%.
Việc chế biến các khoáng sản này cũng tập trung cao độ, trong đó Trung Quốc chịu trách nhiệm tinh chế 90% REE, 70% coban, và 60% lithium (nguyên liệu được mệnh danh là Dầu trắng).
Trung Quốc cũng thống trị nguồn cung nguyên liệu số lượng lớn, chiếm khoảng một nửa sản lượng thép thô, xi măng và nhôm toàn cầu, mặc dù phần lớn được tiêu dùng trong nước.
Trung Quốc chịu trách nhiệm tinh chế 60% lithium. Ảnh: Behance.net
Hiện nay, Trung Quốc là nhà cung cấp công nghệ năng lượng sạch hàng đầu thế giới và là nước xuất khẩu ròng nhiều công nghệ trong số đó, báo cáo IEA cho biết.
Trung Quốc nắm giữ ít nhất 60% năng lực sản xuất của thế giới đối với hầu hết các công nghệ được sản xuất hàng loạt (ví dụ như pin Mặt trời, hệ thống gió và pin) và 40% sản xuất máy điện phân.
Châu Âu nói chung là nước nhập khẩu ròng, ngoại trừ các bộ phận của tuabin gió; khoảng 1/4 số ô tô điện và pin, cũng như gần như toàn bộ mô-đun quang điện mặt trời và pin nhiên liệu đều được nhập khẩu, chủ yếu từ Trung Quốc.
Đối với điện Mặt trời, Trung Quốc cung cấp thiết bị trực tiếp cho tất cả các thị trường ngoại trừ Bắc Mỹ. Mỹ nhập khẩu 2/3 số mô-đun quang điện, chủ yếu từ Đông Nam Á, nơi các công ty Trung Quốc đang tích cực đầu tư.
Lộ "gót chân Asin"
Điều trớ trêu là khi cố gắng giảm sự phụ thuộc vào vai trò thống trị của Trung Quốc trong chuỗi cung ứng chuyển đổi năng lượng, ngành khai thác mỏ ở phương Tây lại bị lộ là thiếu vốn và động lực đầu tư.
Mỏ Grota do Cirilo ở Itinga, bang Minas Gerais, Brazil ngày 18 tháng 4 năm 2023. REUTERS/Washington Alves/File Photo
Michael Willoughby, người đứng đầu toàn cầu về kim loại, khai thác và vật liệu chuyển tiếp tại Tập đoàn dịch vụ tài chính và ngân hàng toàn cầu HSBC (trụ sở tại London, Anh), phát biểu tại một diễn đàn tại IMARC rằng nguồn vốn sẵn có để khai thác nhưng lại nằm ở các nước đang phát triển như Trung Quốc, Indonesia và Ả Rập Saudi.
Michael Willoughby cho biết, những quốc gia này cũng có xu hướng có chính phủ sẵn sàng hỗ trợ sâu hơn, chẳng hạn như các khoản vay 1% và miễn thuế cho các khoản đầu tư khai thác và chế biến.
Chính phủ Úc tuần trước đã tăng gấp đôi nguồn tài trợ cho các khoáng sản quan trọng lên 4 tỷ đô la Úc (2,52 tỷ USD), nhưng phần lớn ngành này coi đây là một khoản nhỏ.
Để so sánh nguồn tài trợ, một công ty khai thác cấp dưới đang tìm cách phát triển mỏ coban ở bang New South Wales sẽ cần khoảng 1 tỷ đô la Úc để xây dựng và vận hành một mỏ.
Nếu chính phủ tài trợ cho dự án đó, họ sẽ phải mất một phần tư tổng số tiền hiện có và cung cấp một khối lượng tương đối nhỏ chỉ cho một trong những kim loại được coi là quan trọng đối với quá trình chuyển đổi năng lượng.
Ngay cả Đạo luật giảm lạm phát của Mỹ, vốn cung cấp khoảng 369 tỷ USD hỗ trợ để giảm lượng khí thải carbon cho nền kinh tế, cũng khó có thể đủ để xây dựng toàn bộ chuỗi cung ứng các khoáng sản quan trọng nhằm giảm bớt sự phụ thuộc vào Trung Quốc.
Công nhân sản xuất mô-đun quang điện tại một công ty ở tỉnh Quý Châu phía tây nam. Theo các nhà phân tích, Trung Quốc được coi là thống trị chuỗi cung ứng năng lượng xanh trong tương lai gần. Ảnh: Tân Hoa Xã
Nhiều khả năng các chính phủ phương Tây sẽ phải tăng cường hỗ trợ để phát triển các mỏ và công nghiệp chế biến mới, cũng như cải cách chính sách để khuyến khích vốn tư nhân đầu tư.
Ngoài ra, các chính phủ sẽ phải cải thiện thời gian phê duyệt các mỏ mới, đồng thời cân nhắc nhu cầu đảm bảo rằng chúng thân thiện với môi trường nhất có thể.
Nhưng nếu các nước và công ty phương Tây nghiêm túc trong việc xây dựng các mỏ và cơ sở chế biến mới cũng như giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc, thì tổng chi phí có thể sẽ lên tới hàng nghìn tỷ USD, thay vì hàng tỷ USD như hiện nay đã cam kết.
Đồng thời, các nước phương Tây đang cố gắng chuyển từ nhiên liệu hóa thạch trong sản xuất điện và giao thông vận tải sang các giải pháp thay thế tái tạo như hydro, năng lượng Mặt trời, gió và lưu trữ pin.
Một lần nữa, các chuỗi cung ứng này bị Trung Quốc thống trị, và một lần nữa việc giảm sự phụ thuộc là có thể thực hiện được nhưng tốn kém.
Điều chưa được nói đến là tất cả các mỏ mới, thiết bị chế biến khoáng sản và năng lượng tái tạo sẽ được tài trợ như thế nào.
Nguồn: Reuters, IEA