Ukraine đang lên danh sách yêu cầu các vũ khí từ phương Tây giữa bối cảnh quân đội nước này chuẩn bị cho những cuộc giao tranh ác liệt trong mùa đông khắc nghiệt sắp tới. Ảnh: AP
Vũ khí Ukraine ưu tiên
Đứng đầu danh sách vũ khí mà Ukraine yêu cầu là các hệ thống phòng không mới, do Kiev lo ngại Moscow sẽ tăng cường tấn công tên lửa.
"Kiev có thể ngăn chặn hầu hết các cuộc tấn công của Moscow nhưng chúng tôi dự đoán các cuộc tấn công tên lửa của Nga sẽ tăng lên nhằm vào các cơ sở hạ tầng quan trọng của Ukraine" trong những tuần tới, Anders Fogh Rasmussen, cựu Tổng thư ký NATO cho hay trong một cuộc trả lời phỏng vấn.
Ông Anders Fogh Rasmussen sẽ gặp các quan chức Mỹ ở Washington trong tuần này. Ông đang thực hiện nhiệm vụ ở Kiev nhằm phối hợp với cố vấn hàng đầu của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky - ông Andriy Yermak để xây dựng Hiệp ước An ninh Kiev. Kế hoạch này khuyến khích các nước phương Tây đưa ra cam kết đảm bảo an ninh dài hạn cho Ukraine, bao gồm việc hỗ trợ vật chất lâu dài và tái xây dựng ngành quốc phòng Ukraine để nước này có thể sản xuất và tự cung cấp vũ khí cho mình trong những năm tới.
"Chúng ta cần cung cấp tất cả phương tiện mà Ukraine cần để tự vệ trước các cuộc tấn công tên lửa của Nga", cựu quan chức NATO nhận định.
Hiện chưa có hệ thống phòng không mới nào nằm trong gói hỗ trợ an ninh trị giá 625 triệu USD mới công bố gần đây của chính quyền Tổng thống Biden mà thay vào đó, gói hỗ trợ này tập trung vào việc cung cấp cho Ukraine các hệ thống pháo, tên lửa chính xác và đạn dược. Những vũ khí này có vai trò vô cùng quan trọng trong những tuần tới khi các lực lượng của Ukraine tăng cường các cuộc phản công .
Các quan chức thuộc Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết Ukraine sẽ nhận được 2 Hệ thống Tên lửa Đất đối không Tiên tiến Quốc gia (NASAMS) vào tháng 11 tới. Các hệ thống này có thể bắn hạ các UAV, tên lửa và trực thăng, đáp ứng đúng yêu cầu của Ukraine.
Tuy nhiên, hiện vẫn còn những lo ngại rằng hệ thống này, cùng với 6 hệ thống nữa nằm trong hợp đồng cung cấp cho Ukraine, sẽ không thể nhanh chóng đến tay Kiev để kịp thời hỗ trợ phòng không của nước này.
Hai hệ thống NASAMS đầu tiên trong mùa thu này "không cung cấp đủ năng lực phòng không", một cố vấn của Ukraine giấu tên cho hay.
"Chúng tôi không nói về các tên lửa Stinger. Chúng tôi đang nói về các loại vũ khí tầm trung và có tầm bắn xa hơn", quan chức này nói.
Để các vũ khí trên đến tay Ukraine có thể sẽ mất một khoảng thời gian nhất định. Các nước phương Tây hiện đang do dự trong việc cung cấp các hệ thống phòng thủ tên lửa tiên tiến của mình. Ngoài ra, việc ký hợp đồng, xây dựng và huấn luyện binh lính sử dụng chúng cũng có thể mất tới một vài năm.
Phương Tây có sẵn sàng cung cấp vũ khí như Ukraine yêu cầu?
Chính quyền Tổng thống Biden đang cung cấp pháo và đạn dược cho Ukraine, đồng thời ký hợp đồng với ngành công nghiệp quốc phòng để cung cấp các hệ thống vũ khí như NASAMS. Đây là chiến lược vừa đáp ứng các nhu cầu cấp bách của Ukraine, vừa thiết lập nguồn cung vũ khí ổn định trong những năm tới. Mỹ đang tiến hành các cuộc trao đổi bí mật với Ukraine và ngành công nghiệp quốc phòng về việc liệu có cung cấp các hệ thống như Patriot và máy bay chiến đấu F-16 hay không.
Bình luận về danh sách vũ khí mà Ukraine yêu cầu, một quan chức cấp cao Lầu Năm Góc cho biết, Mỹ đã cung cấp cho Ukraine các hệ thống radar phòng không và 2 hệ thống NASAMS. Mỹ cũng hỗ trợ chuyển giao hệ thống phòng không S-300 của Slovakia cho Ukraine hồi tháng 4 sau khi Mỹ, Đức và Hà Lan triển khai hệ thống Patriot của mình tới Slovakia để hỗ trợ phòng không nước này.
Với hàng trăm km phòng tuyến và một diện tích kiểm soát lớn, các nhà quan sát phương Tây cho rằng việc bảo vệ mọi thứ của Ukraine trước các cuộc tấn công tên lửa từ tàu ngầm Nga trên Biển Đen hoặc các máy bay ném bom tầm xa bay sát biên giới Ukraine là điều bất khả thi.
Trong 2 thập kỷ qua, Mỹ và đồng minh đã giảm ưu tiên các hệ thống phòng không tầm ngắn nhưng cuộc chiến ở Ukraine đã "dạy cho chúng ta một điều, đó là nhu cầu lớn trong việc sử dụng các hệ thống phòng không" – những vũ khí vốn không dễ và không thể nhanh chóng bổ sung, chuyên gia Tom Karako thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế cho hay.
Một trong những hệ thống mà phương Tây có thể cung cấp cho Ukraine tương đối nhanh chóng là các xe tăng Leopard, ông Rasmussen nói, song đến nay, Đức vẫn từ chối cung cấp chúng với lý do Berlin không đơn phương thực hiện động thái này.
Vấn đề trên, cũng như nhu cầu đối với các hệ thống phòng không dự kiến sẽ được thảo luận trong cuộc gặp của các Bộ trưởng Quốc phòng NATO vào tuần tới ở Brussels./.