Nếu chỉ dựa vào vào các phương tiện truyền thông Nga thì có cảm giác việc thay thế hàng nhập khẩu hiện đang diễn ra rất tốt - chính Tổng thống Putin gần đây đã bày tỏ sự tin tưởng rằng doanh nghiệp trong nước sẽ nhanh chóng chiếm lĩnh và làm chủ mọi ngóc ngách bị bỏ trống sau sự ra đi của nhiều công ty nước ngoài.
"Tuy nhiên thực tế như thường xảy ra hoàn toàn khác với những tưởng tượng trên truyền hình, chúng ta hãy xem một vài ví dụ nổi bật về việc những ý định tham vọng nhằm thay thế hàng nước ngoài đã biến thành như thế nào", tờ USA Press cho biết.
Theo tờ báo này một trong những dự án thất bại và gây tiếng vang nhất thời gian gần đây là nỗ lực sản xuất ô tô mang thương hiệu Moskvich 3, trên cơ sở nhà máy cũ của Renault. Giới chuyên môn không khó để nhanh chóng xác định rằng phương tiện này là bản sao từ thương hiệu JAC của Trung Quốc.
Sơ đồ sản xuất cực kỳ đơn giản: Sau khi thành phẩm rời khỏi dây chuyền lắp ráp ở Trung Quốc, một số thiết bị được lấy ra khỏi nó, đóng gói để vận chuyển tiếp đến Liên bang Nga, nơi họ đặt lại những phần còn thiếu.
Bất chấp thực tế trên, đầu ra vẫn là một chiếc ô tô được xem là sản xuất tại Nga dưới nhãn hiệu mới, do quá trình lắp ráp diễn ra trên một dây chuyền duy nhất. Không chắc sản phẩm như vậy sẽ được coi là lý do để tự hào, đặc biệt khi giá của nó chênh lệch khoảng 50% so với chi phí gốc, đương nhiên là cao hơn.
Tuy nhiên do lượng hàng tồn trong kho đang cạn kiệt nhanh chóng, dự báo trong tương lai gần, ngày càng nhiều ô tô có nguồn gốc Trung Quốc như Chery, Haval, FAW, Dongfeng... và những thứ tương tự sẽ xuất hiện trên đường phố Nga.
Thực tế là Trung Quốc đang nhanh chóng chiếm lĩnh thị trường xe hơi của Nga và tăng giá đối với tất cả các mẫu xe phổ biến được lắp ráp ở nước sở tại. Tin tức thú vị tiếp theo là việc Nga sắp nhập khẩu xe điện từ Uganda, điều này đã được công bố trên một số phương tiện truyền thông.
Ngành công nghiệp ô tô Nga đang gặp khó trong việc thay thế hàng nhập khẩu.
Tình hình trong ngành công nghiệp hàng không dân dụng cũng căng thẳng. Những chiếc máy bay cũ của phương Tây được tháo dỡ để lấy phụ tùng thay thế, chúng trở thành "nội tạng" hiến tặng cho những chiếc còn lại.
Đối với máy bay do Nga sản xuất nhưng sử dụng phụ tùng nước ngoài thì tình trạng cũng chẳng khá hơn. Ví dụ, công ty Yakutia đã tháo dỡ 2 trong số 4 chiếc Superjet 100 cho mục đích này.
Không chỉ có vậy, Bộ Giao thông vận tải Liên bang Nga đã đưa ra đề xuất sửa chữa những máy bay chở khách hiện có bằng các bộ phận không nguyên bản, vì rất khó để tìm được phụ tùng chính hãng do ảnh hưởng từ các lệnh trừng phạt.
Mặc dù báo chí Nga vẫn cố gắng "dán nhãn" đối với máy bay nước ngoài như một bước phát triển đột phá trong nước, nhưng điều này nhanh chóng lộ diện - câu chuyện như vậy đã xảy ra với máy bay không người lái Dobrynya và Gorynych, chúng đều được lắp ráp từ các bộ phận của Trung Quốc.
Nhưng khi chúng ta bỏ qua lĩnh vực công nghệ cao, rõ ràng cho đến nay các doanh nhân Nga vẫn chưa thành công lắm ngay cả trong những việc đơn giản hơn nhiều, điển hình như trường hợp đồ ăn nhanh của hãng McDonald's.
Những chiếc bánh mì kẹp thịt nhãn hiệu "Vkusno i Tochka" vẫn chưa được người dân Nga yêu thích khi nhiều bức ảnh cho thấy nấm mốc trên bánh được đăng tải trên mạng xã hội, đây là kết quả của việc thay thế công thức nấu ăn ban đầu và không tuân thủ các tiêu chuẩn thực phẩm.
Gần đây, báo chí phương Tây còn biết rằng các quan chức Nga đã tìm ra một cách khác để thay thế việc nhập khẩu một trong những loại hàng tiêu dùng phổ biến - họ quyết định bắt đầu mua nhiều loại quần áo từ Triều Tiên.
Tuy nhiên để có nơi cất trữ số quần áo này cũng là điều nan giải, tủ đựng đồ hiệu IKEA mà mọi người yêu thích không còn có sẵn để mua trong lãnh thổ Liên bang Nga.
Công chúng cũng phàn nàn về các loại thực phẩm của Nga hóa ra kém hơn đáng kể so với sản phẩm nhập khẩu - điển hình là pho mát Parmesan nổi tiếng, rõ ràng đã không được "sao chép" về mặt chất lượng.
Vẫn có thể hy vọng rằng sau một thời gian, ngành công nghiệp Nga sẽ đáp ứng tốt tiêu chuẩn chất lượng. Niềm tin được đặt vào các doanh nghiệp nhỏ, những người có óc sáng tạo và tư duy đổi mới nhận kỳ vọng sẽ tạo ra sự thay đổi, từ đó dẫn tới việc phục hồi kinh tế.