Nhà máy điện hạt nhân Zaporozhie tại Ukraine. (Ảnh: Reuters)
Theo quyết định được Bộ trưởng Quốc phòng 26 quốc gia phương Tây đưa ra tại Hội nghị được tổ chức tại Copenhagen ngày 11/8, gói viện trợ quân sự mới trị giá 1,5 tỷ euro mà các nước phương Tây trao cho Ukraine sẽ được sử dụng để mua sắm thêm các loại vũ khí, tên lửa, đạn dược cho quân đội Ukraine, gia tăng năng lực sản xuất quốc phòng tại Ukraine, đào tạo binh sĩ cho quân đội Ukraine cũng như tiến hành rà phá bom mìn tại các khu vực chiến sự tại quốc gia này.
Con số đóng góp chính xác của mỗi quốc gia không được công bố chính thức nhưng theo báo chí Đan Mạch, nước chủ nhà Đan Mạch đóng góp 110 triệu euro. Vương quốc Anh là một trong những nước đóng góp nhiều nhất với số tiền cam kết tài trợ cho Ukraine là 300 triệu euro. Ngoài ra, Bộ trưởng Quốc phòng Anh, Ben Wallace cũng thông báo quân đội Anh sẽ tiếp tục cung cấp cho Ukraine các hệ thống pháo phóng loạt có tầm bắn lên tới 80km, đồng thời gia tăng các chương trình huấn luyện cho quân đội Ukraine. Cuộc họp tiếp theo của các nhà tài trợ cho Ukraine dự kiến sẽ được tổ chức vào giữa tháng 09/2022.
Cuộc xung đột tại Ukraine đã kéo dài gần 6 tháng và hiện vẫn chưa có dấu hiệu sớm chấm dứt. Trong những ngày qua, các bên đang đổ lỗi cho nhau về việc leo thang chiến sự quanh nhà máy điện hạt nhân Zaporozhie nằm ở phía Nam Ukraine. Đây là nhà máy điện hạt nhân lớn nhất châu Âu nhưng đang trở thành mục tiêu bị pháo kích trong vài ngày qua, làm dấy lên lo ngại về một thảm hoạ hạt nhân trong lòng châu Âu.
Cùng ngày 11/8, Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đã phải tổ chức phiên họp khẩn để thảo luận về tình hình quanh nhà máy này. Theo ông Rafael Grossi, Tổng Giám đốc Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA), tình hình hiện nay đã rất nghiêm trọng và IAEA cần phải được phép thanh sát nhà máy này ngay lập tức để kiểm tra tình trạng an toàn của các lò phản ứng hạt nhân./.