Phương Tây chê bai không quân Nga ở Syria

Bảo Minh |

Không quân Nga bị đánh giá đã thất bại ở Aleppo và bộc lộ nhiều hạn chế, điều đó khiến Moskva đang hướng tới giải pháp thông qua đàm phán.

Nga đã thất bại?

Hãng tin Reuters mới đây có bài bình luận cho rằng các cuộc không kích của Nga ở Syria đã làm bộc lộ hạn chế của Không quân Nga, khiến Moskva cảm thấy cần phải có một chiến lược mới để thúc đẩy các mục tiêu của mình.

Reuters dẫn lời các chuyên gia hiểu biết về quân đội Nga nhận định Moskva đã lựa chọn xuất kích từ Iran vì đang vật lộn để đạt được mục tiêu triệt hạ phe nổi dậy ở thành phố Aleppo. Tuy nhiên, ván cờ này đã thất bại và phe nổi dậy đang chiến đấu chống lại đồng minh của Nga vẫn an toàn ở một số vùng tại Aleppo.

 Phương Tây chê bai không quân Nga ở Syria  - Ảnh 1.

Xe viện trợ hàng nhân đạo của quân đội Nga và Syria tại Aleppo

Nga đã bắt đầu mở cuộc không kích vào Syria để hỗ trợ Tổng thống Assad từ ngày 30/9/2015, xuất phát từ các căn cứ đặt tại khu vực do chính phủ kiểm soát và từ các tàu chiến.

Reuters cho rằng do phải đối mặt với các vấn đề về hậu cần trong khi tiếp tục chiến dịch đầy hao tổn vào thời điểm ngân sách nhà nước đang thắt chặt, Nga đã tăng cường ném bom vào Aleppo bằng các máy bay xuất kích từ Iran. 

Các cuộc không kích nhằm vào phe nổi dậy ở Aleppo dường như không đạt được kết quả gì ngoài việc gây kích động bất đồng chính trị ở Iran, bởi Hiến pháp nước này ngăn cấm thành lập bất kỳ căn cứ quân sự nước ngoài nào tại đây.

Với lập luận rằng Nga đã thất bại khi không đạt được các mục tiêu ở Aleppo, Reuters dẫn lời một nhân vật “giấu tên” và “có quan hệ gần gũi” với Bộ Quốc phòng Nga nói: “Lực lượng của chúng tôi vẫn chưa đủ, sự phối hợp của chúng tôi với phía Iran vẫn chưa đạt mức cần thiết. Chúng tôi cần thay đổi điều gì đó, nhưng tôi chưa biết đó là điều gì”.

Ngày 16/8, Bộ Quốc phòng Nga tuyên bố lần đầu tiên sử dụng căn cứ không quân tại Iran để từ đó tấn công vào Syria. Việc để Nga sử dụng căn cứ không quân là điều mang tính nhạy cảm về mặt chính trị đối với Iran. Lần cuối cùng một quốc gia bên ngoài sử dụng căn cứ không quân của Iran là trong Chiến tranh Thế giới lần thứ hai.

Một số nghị sĩ Iran đã gọi hành động này là sự vi phạm Hiến pháp, trong khi Bộ trưởng Quốc phòng Iran Hossein Dehghan nói rằng Moskva đã “phản bội niềm tin” với việc công khai thỏa thuận giữa hai nước.

Ngày 22/8, Bộ Ngoại giao Iran tuyên bố rằng việc Nga sử dụng căn cứ của Iran đã kết thúc. Tại Moskva, Bộ Quốc phòng Nga nói rằng các máy bay xuất kích từ căn cứ của Iran đã hoàn tất sứ mệnh.

Reuters cho biết người phát ngôn Bộ Quốc phòng và Bộ Ngoại giao Nga đã từ chối trả lời câu hỏi của hãng tin này về các mục tiêu của Nga ở Aleppo và lý do sử dụng căn cứ tại Iran.

Tuy nhiên, Reuters dẫn lời ông Andrei Klimov, thành viên của Ủy ban đối ngoại Thượng viện Nga, nói rằng phí tổn của chiến dịch tại Syria có thể là một nhân tố tác động.

Reuters dẫn lời ông này nói: “Chúng tôi đang cố gắng tiến hành chiến dịch tại Syria trong khoảng ngân sách nhất định. Bộ Quốc phòng đang có nhiều khoản chi khác. Bởi vậy, để tối ưu hóa chi phí, chúng tôi đang tìm kiếm các phương cách tiết kiệm hơn. Bất kỳ quốc gia nhạy bén nào cũng làm điều tương tự”.

Vasily Kashin, nhà phân tích tại Trung tâm Phân tích và Công nghệ ở Moskva và là cố vấn về lĩnh vực quốc phòng, cho rằng việc Nga mong muốn được sử dụng căn cứ tại Iran "liên quan đến việc tăng cường hoạt động quân sự ở Aleppo. Dường như theo quan điểm của các chỉ huy Syria, Nga và Iran, thời điểm bước ngoặt đang tới".

Reuters cũng dẫn bằng chứng cho thấy Nga và các đồng minh đang tăng cường nỗ lực để kiểm soát Aleppo trong hai tháng qua. Thủ lĩnh phong trào Hezbollah ở Lebanon, vốn là đồng minh với Iran, hôm 24/6 cho biết phong trào này sẽ gửi thêm nhiều tay súng tới Aleppo. Thủ lĩnh này nói rằng cuộc chiến vì thành phố Aleppo mang tầm quan trọng chiến lược.

 Phương Tây chê bai không quân Nga ở Syria  - Ảnh 3.

Máy bay Tu-22M3 của Nga tại Iran

Căn cứ của Iran là cơ sở hậu cần quan trọng đối với mục tiêu Aleppo bởi nếu không có nó, các máy bay Tupolev của Nga phải bay một đoạn đường dài hơn từ Nga tới Syria và ngược lại. Điều đó đồng nghĩa các máy bay phải mang theo nhiều nhiên liệu hơn, do đó phải giảm bớt lượng bom. Thời gian bay dài hơn cũng khiến máy bay phải giảm số lần xuất kích.

Theo nhà phân tích Kashin, các căn cứ không quân ở các khu vực do Chính phủ Syria kiểm soát không phù hợp cho các máy bay Tupolev và việc điều chỉnh cho phù hợp sẽ rất tốn kém.

Đề cập đến các thách thức về mặt hậu cần đối với chiến dịch không kích của Nga, Reuter tiếp tục dẫn lời "một nhân vật thân cận" với Bộ Quốc phòng Nga nói: "Chúng tôi không có quá nhiều máy bay".

 Phương Tây chê bai không quân Nga ở Syria  - Ảnh 4.

Máy bay chiến đấu của Nga tại Syria

Reuters cũng dẫn ý kiến của các "chuyên gia quân sự" đánh giá Nga không có năng lực quân sự để tiếp tục tăng cường ném bom ở Syria, cho dù họ được tiếp cận căn cứ ở Iran hay không. 

Tuy nhiên, điều đó đồng nghĩa rằng Nga đang gánh chịu nhiều phí tổn hơn, trong bối cảnh họ đang vật lộn để lấp đầy khoảng trống ngân sách, chuẩn bị cho bầu cử Quốc hội tháng 9 tới và đang chứng kiến chiến dịch tại Syria kéo dài hơn kế hoạch ban đầu của Điện Kremlin.

Theo Reuters, khó khăn về mặt quân sự sẽ khiến Điện Kremlin chú ý hơn tới giải pháp thông qua đàm phán. Các quan chức Liên hợp quốc cho biết ngày 25/8, Nga đã nhất trí lệnh ngừng bắn nhân đạo kéo dài 48 giờ ở Aleppo để cho phép viện trợ được chuyển tới đây. 

Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov và Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã có cuộc gặp tại Geneva hôm 26/8 để bàn về thỏa thuận ngừng bắn ở Syria.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại