Phương án sáp nhập sở, ngành được "chốt" thế nào?

Hoài Vũ |

Theo Bộ trưởng Nội vụ Lê Vĩnh Tân, việc sáp nhập các sở, ngành sẽ tính đến yếu tố đặc thù của từng địa phương để đưa ra khung quy định hợp lý.

Chiều 5/3, hai Ủy viên Bộ Chính trị là Trưởng Ban Tổ chức T.Ư Phạm Minh Chính, Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình đã cùng Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân họp với các bộ, ngành liên quan về việc sắp xếp, tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị.

Thông tin với báo chí sau cuộc họp, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân cho biết, cuộc họp này đã nghe các ý kiến góp ý của Ban Tổ chức T.Ư cũng như các Bộ ngành nhằm hoàn chỉnh dự thảo sửa nghị định 24 và 37 quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, cấp huyện.

Tuy nhiên, kết quả cuộc họp vẫn chưa chốt phương án cuối cùng về việc sắp xếp, sáp nhập sở ngành, phòng ban.

Cho biết một số nội dung đã được kết luận tại cuộc họp này, ông Tân cho biết thêm sẽ tiếp tục làm việc với các đơn vị liên quan để thống nhất lại một lần nữa các nội dung về sáp nhập sở, ngành, sau đó gửi Bộ Tư pháp thẩm định và cố gắng hoàn thành dự thảo để trình Chính phủ sớm nhất.

Bộ trưởng Nội vụ cho biết, việc sáp nhập Sở, ngành đã được Bộ Chính trị cho ý kiến nhưng không đưa ra quy định cụ thể.

Theo đó, Bộ Chính trị yêu cầu việc sắp xếp các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, cấp huyện phải bám vào các nghị quyết của T.Ư, nghị quyết của Quốc hội và điều kiện thực tế của từng địa phương để có quy định cụ thể.

Quan điểm chung được ông Tân nhấn mạnh là việc sắp xếp, sáp nhập sở ngành, phòng ban sẽ xem xét các yếu tố đặc thù của từng địa phương, từ đó đưa ra khung hợp lý chứ không tổ chức "cào bằng" giống nhau như hiện nay.

Trước đó, đầu tháng 12/2018, Bộ Nội vụ đã có văn bản gửi UBND tỉnh, TP trực thuộc T.Ư đề nghị tạm dừng việc sắp xếp sở, ngành phòng ban để chờ các nghị định của Chính phủ.

Theo dự thảo Bộ Nội vụ đưa ra lấy ý kiến vào tháng 4/2018, các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh chỉ giữ 4 Sở: Tư pháp, TN&MT, LĐ-TB&XH, Y tế được tổ chức thống nhất trên cả nước. Còn lại hợp nhất, sáp nhập 17 sở, ngành; giảm 46 - 88 sở, ngành.

Một số sở được Bộ Nội vụ đề xuất sáp nhập như: KH&ĐT và Tài chính gọi là Sở Tài chính - Kế hoạch; GTVT với Xây dựng thành Sở GTVT - Xây dựng; NN&PTNN với Công thương; KH&CN với GD&ĐT...

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại