Nổ bom hạt nhân. Ảnh: Arknews.
Thời gian qua, Tổng thống Putin và các quan chức Nga khác như Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Medvedev đã nhiều đề cập gián tiếp hoặc trực tiếp khả năng Nga sử dụng hạt nhân trong khủng hoảng Ukraine.
Khối quân sự NATO đánh giá khả năng Nga mạo hiểm khai hỏa vũ khí hạt nhân là nhỏ nhưng luôn thận trọng với khả năng đó.
Về lý thuyết, học thuyết hạt nhân chính thức của Nga cho phép chỉ tấn công hạt nhân khi “chính sự tồn tại của nhà nước Nga bị đe dọa”. Mối đe dọa mà Nga nêu có thể là một cuộc tấn công hạt nhân hoặc một cuộc tấn công quy ước.
Sau khi Nga sáp nhập 4 vùng Ukraine, Tổng thống Putin dường như đã hạ thấp một chút ngưỡng sử dụng hạt nhân, đưa cả những vùng trên vào diện bảo vệ của “chiếc ô hạt nhân” của Nga.
Các nhóm kịch bản chính
Các kịch bản tấn công hạt nhân mà giới học giả phương Tây nêu chủ yếu gồm 1- Tấn công mang tính chất “biểu diễn” trên Biển Đen; 2- tấn công vào một mục tiêu mang tính biểu tượng cao như đảo Rắn; 3- tấn công vào trụ sở ban lãnh đạo cao nhất của Ukraine ở thủ đô Kiev; 4- tấn công hạn chế vào các mục tiêu quân sự; 5- tấn công cả một thành phố của Ukraine, có thể gây thương vong lớn và buộc Kiev phải đầu hàng nhanh.
Hầu hết giới phân tích phương Tây cho rằng kịch bản dễ xảy ra hơn cả trong số đó là tấn công ở cấp độ chiến thuật hay chiến trường, trong đó vũ khí hạt nhân chiến thuật là loại vũ khí có sức công phá nhỏ hơn so với đầu đạn chiến lược có thể san phẳng cả một thành phố.
Hôm 1/10, nhà lãnh đạo nước cộng hòa Chechnya (thuộc Nga) Ramzan Kadyrov đã kêu gọi sử dụng “vũ khí hạt nhân sức công phá thấp” tại Ukraine.
Hiệu quả của vũ khí hạt nhân chiến thuật?
Ý tưởng khi sử dụng loại vũ khí này là ngăn chặn đà tiến của quân Ukraine và thể hiện quyết tâm của Nga.
Tuy nhiên, trên thực tế binh lính và xe tăng Ukraine thường được bố trí rải rác. Theo Viện nghiên cứu Chiến tranh (Mỹ), để đạt được hiệu quả, Nga sẽ phải dùng nhiều vũ khí hạt nhân chiến thuật ở Ukraine. Mà khi ấy, Nga phải tính đến khả năng NATO trả đũa.
Đòn đáp trả của Mỹ?
Hiện nay Mỹ chưa công bố cụ thể phương án đáp trả của họ. Khả năng đáp trả bằng vũ khí hạt nhân ít xảy ra. Tuy nhiên, Mỹ có nhiều lựa chọn khác, bao gồm các cuộc tấn công lớn trong môi trường mạng internet với sức tàn phá không hề nhỏ.
Cựu Giám đốc CIA David Petraeus cho biết, Mỹ và các đồng minh có khả năng triệt hạ mọi lực lượng quy ước của Nga mà họ có thể nhận diện được trên chiến trường ở Ukraine, ở Crimea và mọi tàu trên Biển Đen. Ngoài ra, Mỹ có thể áp đặt vùng cấm bay trên bầu trời Ukraine.
Nga sẽ đáp trả lại Mỹ thế nào?
Đây là điều đáng chú ý nhất. Nếu Nga sẵn sàng triển khai vũ khí hạt nhân ở Ukraine, họ có thể cũng sẽ làm vậy nhằm vào NATO. Và khi ấy, Thế chiến III gần như khó tránh khỏi.
Năm 2017, Chương trình Khoa học và An ninh Toàn cầu của Đại học Princeton thực hiện một cuộc mô phỏng trong đó họ phát hiện ra rằng một cuộc đấu hạt nhân chiến thuật qua lại ở mức hạn chế giữa Nga và NATO sẽ leo thang tới mức độ Nga và NATO sẽ tấn công 30 thành phố lớn nhất của nhau, sử dụng 5-10 đầu đạn hạt nhân cho mỗi thành phố. Chương trình này ước tính rằng hơn 90 triệu người sẽ tử vong trong những giờ đầu khai chiến.
Năm 2019, Cơ quan Giảm Đe dọa Quốc phòng của Mỹ tiến hành tập trận giả định về cách Mỹ phản ứng nếu Nga đưa quân vào Ukraine và dùng tới một vũ khí hạt nhân. Kết quả của chương trình này được giữ bí mật mà nhưng một bên tham gia tiết lộ “không có kết quả vui vẻ nào cả”.
Hiện nay, theo đánh giá của phương Tây, tình hình chưa đến mức bên bờ thảm họa hạt nhân. Nếu quân đội Nga đưa một vũ khí hạt chiến thuật ra khỏi kho, tình báo Mỹ nhiều khả năng sẽ phát hiện ngay và Mỹ có thể công bố thông tin để thế giới biết và gây áp lực ngoại giao.
Phương Tây cho rằng, khi ấy các đồng minh của Nga là Trung Quốc và Ấn Độ sẽ phản đối mạnh mẽ động thái chuẩn bị tiến hành chiến tranh hạt nhân. Ngoài ra, họ cho rằng Tổng thống Putin cũng phải nỗ lực thuyết phục Bộ Tổng tham mưu quân đội Nga thực hiện phương án cứng rắn đó./.