Phương án nâng cấp BMP-1 Việt Nam bằng tháp pháo AU-220M

Hải Dương |

Xe chiến đấu bộ binh BMP-1 hiện là xương sống trong các đơn vị cơ giới Quân đội nhân dân Việt Nam.

Chính thức phục vụ trong biên chế Quân đội Liên Xô từ năm 1966 và xuất hiện trong trang bị của Quân đội nhân dân Việt Nam vào giai đoạn 1979 - 1981 (số liệu của Viện nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm - SIPRI), BMP-1 hiện vẫn có vai trò rất quan trọng đối với lực lượng bộ binh cơ giới của chúng ta.

BMP-1 sở hữu những ưu điểm như sức cơ động cao, mang được nhiều binh sĩ, khả năng bảo vệ của vỏ giáp tương đối khá (nhất là ở bán cầu trước).

Chi tiết đáng nói nhất của BMP-1 là nó được trang bị khẩu pháo nòng trơn 2A28 Grom - một biến thể từ SPG-9 và còn có khả năng phóng tên lửa chống tăng AT-3 để tiêu diệt xe tăng chiến đấu chủ lực từ cách xa 3.000 m, khiến BMP-1 vượt xa mọi chiếc IFV cùng thời.

Tuy nhiên vũ khí trên BMP-1 cũng có nhược điểm là pháo 2A28 khó bắn chính xác khi xe đang chạy trên địa hình gồ ghề, tên lửa AT-3 yêu cầu phải được dẫn bắn trong tư thế đứng yên, dẫn tới khó mà đáp ứng được đầy đủ yêu cầu của chiến tranh hiện đại.

Phương án nâng cấp BMP-1 Việt Nam bằng tháp pháo AU-220M - Ảnh 1.

Tháp pháo của xe chiến đấu bộ binh BMP-1

Trước yêu cầu mới, việc nâng cấp sức mạnh hỏa lực cho BMP-1 được xem là vấn đề mang tính cấp thiết. Đã có một vài đề xuất như lắp cho nó tháp pháo 30 mm 2A42 của BMP-2 hay trang bị cả khẩu pháo chính cỡ 105 mm để biến thành xe tăng hạng nhẹ như cách Ấn Độ từng thử nghiệm.

Song, có lẽ phương án tối ưu nhất là thay thế tháp pháo cũ của BMP-1 bằng loại AU-220M Baikal gắn pháo tự động 57 mm.

AU-220M là một module chiến đấu tiên tiến có thể dễ dàng tích hợp lên nhiều nền tảng xe chiến đấu bộ binh, xe thiết giáp chở quân hay xe tăng hạng nhẹ khác nhau mà không cần đòi hỏi phải thay đổi nhiều về kết cấu của phương tiện.

Tháp pháo này được tích hợp hệ thống điều khiển hỏa lực tối tân bao gồm thiết bị ngắm bắn quang điện tử với kênh TV và hồng ngoại, thiết bị đo xa laser, máy tính đạn đạo, cung cấp khả năng tác xạ chính xác ngay cả khi đang di chuyển trên địa hình phức tạp.

Pháo 57 mm của AU-220M có tốc độ bắn 120 phát/phút, tầm bắn xa nhất 12.000 m, ăn đứt pháo 2A28 chỉ có tầm bắn hiệu quả 850 m và xa nhất là 6.500 m. Bên cạnh đó các loại đạn của khẩu 57 mm cũng phong phú và đa dạng hơn, lại được bổ trợ bởi súng máy 7,62 mm điều khiển từ bên trong để tiêu diệt các mục tiêu khác nhau.

Phương án nâng cấp BMP-1 Việt Nam bằng tháp pháo AU-220M - Ảnh 2.

Module tháp pháo AU-220M trong một cuộc triển lãm quân sự

Hiện tại Nga đã tiến hành tích hợp tháp pháo AU-220M cho xe chiến đấu bộ binh BMP-3 và xe thiết giáp chở quân BTR-82A, hay lắp trên xe thiết giáp chở quân Barys - sản phẩm hợp tác giữa Kazakhstan và Nam Phi. Ngoài ra Nga còn cho biết đây là cấu hình có thể sử dụng để hiện đại hóa xe tăng lội nước PT-76.

Mặc dù Moskva chưa thông báo AU-220M có thích hợp để gắn trên BMP-1 hay không nhưng quan sát kích thước và các nền tảng đang mang nó thì việc làm trên chắc chắn không hề khó khăn, nhất là khi BMP-1 của Ấn Độ đã thử nghiệm mang được cả tháp pháo Giat 90 do Pháp sản xuất có kích thước và khối lượng lớn hơn nhiều.

Chính vì vậy, nâng cấp hỏa lực cho xe chiến đấu BMP-1 của Việt Nam bằng tháp pháo AU-220M là một phương án nên được đánh giá một cách nghiêm túc.

*** Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả

Xe chiến đấu bộ binh BMP-3K thử nghiệm với tháp pháo AU-220M Baikal

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại