Phủ sóng đậm đặc mọi màn ảnh, phim Hàn vì sao vẫn phải chịu cảnh bị kỳ thị

Lãng Khách |

Dưới đây là 3 nguyên nhân khiến phim Hàn không được nhiều khán giả yêu thích.

Từng phủ sóng mọi màn ảnh châu Á, song đã nhiều năm trở lại đây, làn sóng Hallyu không còn giữ được sức hút, thậm chí còn bỗng nhiên mất hút.

Đáp ứng thời đại thưởng lãm mới, dòng phim Hàn sướt mướt đã có nhiều cải tiến so với thời kỳ "nhìn đâu cũng thấy ung thư chết chóc".

Dù thế, vẫn còn nhiều khán giả không sao bỏ được thành kiến với dạng phim khóc lóc thương tâm xuất xứ từ đất nước kim chi. Vì sao có chuyện lạ lùng ấy?

Vẫn còn tư tưởng phim Hàn thời kỳ bi kịch bệnh tật

Đây được xem là nguyên nhân chính khiến nhiều khán giả vẫn còn “ngại ngùng” khi xem phim Hàn thời nay.

Lùi lại thập niên 90, khi nền truyền hình Hàn Quốc bắt đầu “làn sóng Hallyu” (Làn sóng văn hóa Hàn Quốc xâm nhập châu Á), phải kể đến những phim danh tiếng thời điểm đó như “Đồng hồ cát”, “Người mẫu’, “Anh em nhà bác sĩ’…

Với dàn diễn viên trẻ đẹp và nội dung mới mẻ, phim Hàn nhanh chóng thu hút khán giả theo dõi và dần có lượng fan riêng.

Việt Nam không ngoại lệ, khi phim Hàn từ một món ăn lạ miệng dần trở nên quen thuộc với khẩu vị xem của người Việt.

Phủ sóng đậm đặc mọi màn ảnh, phim Hàn vì sao vẫn phải chịu cảnh bị kỳ thị - Ảnh 1.

Phim Hàn ngày xưa đầy nước mắt và bi thương

Tuy vậy, điều khán giả phàn nàn phim Hàn thời điểm đó quá nhiều bệnh tật và bi kịch. Những căn bệnh ung thư đa thể loại cùng các tình tiết hư cấu bi thương đã khiến phim Hàn bị truyền miệng là “sến súa và đẫm lệ".

Đỉnh cao của phim bi Hàn chính là loạt tác phẩm bi kịch như "Nấc thang lên thiên đường", “Trái tim mùa thu”… khiến phim Hàn bị mặc định gắn mác “phim bi” cho đến tận nay.

Phủ sóng đậm đặc mọi màn ảnh, phim Hàn vì sao vẫn phải chịu cảnh bị kỳ thị - Ảnh 2.

“Nấc thang lên thiên đường” được xem là một trong những phim bi kịch nhất của phim Hàn

Ngày nay, phim Hàn thời hiện đại không còn giống với phim Hàn năm cũ, song qua thời gian, "bia miệng vẫn còn trơ trơ" và mặc định phim Hàn trong lòng nhiều khán giả trưởng thành vẫn là dòng phim “sến súa, bi kịch, khóc hận”.

Vì thành kiến, lớp khán giả này hầu như không còn quan tâm tới bất kỳ bộ phim Hàn nào thời hiện đại, bất chấp tác phẩm được tung hô là "bom tấn" truyền hình.

Motif phim Hàn hiện tại quá “hường phấn” và rập khuôn

Phim Hàn ngày càng đa dạng về thể loại như xuyên không, điều tra, đấu trí, bác sĩ…

Tuy nhiên tựu chung, nội dung chính của dòng phim này vẫn là nam chính luôn yêu nữ chính, và ngược lại. Dù cho có kẻ thứ ba xuất hiện phá hoại mối tình ấy, cuối cùng cả hai vẫn một lòng vượt sóng gió đến với nhau.

Mô - tuýp cũ mèm kéo từ phim này qua phim kia khiến các tác phẩm không còn có yếu tố bất ngờ, khi ngay từ đầu phim, người xem đã đoán được cái kết.

Cách làm phim này hoàn toàn khác với phim Trung Quốc, Thái Lan, khi nội dung của họ luôn có những tình tiết bất ngờ khó đoán trước.

Phủ sóng đậm đặc mọi màn ảnh, phim Hàn vì sao vẫn phải chịu cảnh bị kỳ thị - Ảnh 3.

“Nam chính và nữ chính luôn yêu nhau bất chấp kẻ thứ ba” là motif đi từ phim này qua phim khác

Kết cục trong phim Hàn thời hiện đại lại đi theo lối mòn "happy ending", nam chính nữ chính luôn hạnh phúc trong hầu hết phim.

Cách dẫn dắt này cũng bị xem là khuyết điểm, khiến những người vốn thành kiến với Hallyu kiên quyết giữ nguyên ý kiến cũ "không xem vì chẳng có gì bất ngờ". Chưa kể tới các mối tình hầu hết quá lãng mạn, tới mức “hường phấn” từ phim này qua phim khác.

Việc tô hồng cho cái kết dễ dàng thu hút những người lãng mạn, mơ mộng, nhưng cũng trở thành khuyết điểm khi mãi kéo từ phim này qua phim khác, gây cảm giác nhàm chán.

Phủ sóng đậm đặc mọi màn ảnh, phim Hàn vì sao vẫn phải chịu cảnh bị kỳ thị - Ảnh 4.

Những tình tiết hường phấn cứ lặp đi lặp lại qua mỗi phim

Sự ca ngợi phim Hàn quá mức của truyền thông

Phim Hàn có thể hay nhưng không đến mức “thần thánh hóa” như những gì truyền thông khen ngợi. Việc khen ngợi quá mức một phim chỉ càng làm những người tò mò trở nên thất vọng.

Ví dụ dễ thấy nhất là Hậu duệ của mặt trời năm 2016.

Sự tung hô của truyền thông dành cho phim khiến nhiều khán giả phải “ném đá”, bởi nó không xuất sắc như những gì truyền thông ca ngợi.

Gần đây nhất có “Huyền thoại biển xanh” cũng được ghép với cụm từ "siêu phẩm", tuy nhiên sự thật thì đây là tác phẩm bom xịt nếu xét riêng về nội dung.

Phủ sóng đậm đặc mọi màn ảnh, phim Hàn vì sao vẫn phải chịu cảnh bị kỳ thị - Ảnh 5.

Huyền thoại biển xanh” không quá hay để truyền thông tung hô như “siêu phẩm”

Cũng chính sự tâng bốc quá đà trên báo chí và mạng xã hội, đám đông vốn không ưa phim Hàn càng có lý do để "đã ghét càng ghét".

Đồng ý rằng phim Hàn có nội dung mới lạ, xem hay, song tới mức “xuất sắc vượt trội” so với phim Thái, Trung thì còn phải xem lại. Có thể đây là chiêu trò của phim Hàn nhằm thu hút lượt theo dõi, nhưng cách làm ấy đã biến nó trở thành quá lố.

Phủ sóng đậm đặc mọi màn ảnh, phim Hàn vì sao vẫn phải chịu cảnh bị kỳ thị - Ảnh 6.

“Hậu duệ của mặt trời” tuy lạ nhưng không quá xuất sắc

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại