Vụ nguyên Phó viện trưởng VKS sàm sỡ bé gái: Phụ huynh dạy con thế nào để không bị xâm hại tình dục?

Xuân Phương |

Sau vụ người đàn ông ép hôn, sàm sỡ bé gái trong thang máy vừa diễn ra ngày 1/4 ở TP.HCM, nhiều người cảm thấy lo lắng cho con cái, sợ phải là nạn nhân của những vụ việc tương tự.

Vậy làm thế nào để giúp trẻ em thoát khỏi những "yêu râu xanh", cũng như không để trở thành nạn nhân của những vụ sàm sỡ, ép hôn, xâm hại tình dục?

Dạy trẻ cách nhận diện và phản ứng với tình huống nguy hiểm

Theo thạc sĩ tâm lý Lê Thị Dương Thương, Trung tâm tư vấn tâm lý An Nam (TP.HCM) , để có thể phần nào giúp con thoát khỏi những câu chuyện đau lòng như những nạn nhân trẻ em đã chịu đựng suốt thời gian qua, thì bắt buộc phải hạn chế tối thiểu việc để trẻ rơi vào hoàn cảnh nguy cơ.

"Nghĩa là không để trẻ đi một mình ở thang máy, ở nhà một mình, cho trẻ ra đường mà không có người thân bên cạnh, hoặc để trẻ tiếp xúc với những người say xỉn, những kẻ xấu... Thật chia sẻ với phụ huynh vừa có con bị sàm sỡ, và nên coi đó là bài học kinh nghiệm để không tái diễn. Các phụ huynh nên trông con cẩn thận, đừng rời con nhỏ", bà Thương nói.

Ngoài ra, phụ huynh cần lưu tâm và cần cảnh giác, nghi ngờ khi trẻ có những biểu hiện như: trẻ sợ hãi một người hoặc một nơi đặc biệt nào đó, sợ hãi một cách không lý do khi được thăm khám cơ thể, hoặc trẻ vẽ những hình vẽ liên quan đến hành vi tình dục, trẻ bỗng dưng hiểu rõ bộ phận sinh dục người khác, trẻ bắt chước thực hiện hành vi tình dục với đứa trẻ khác…

Với những trẻ đã biết nhận thức, từ khoảng 6 - 7 tuổi trở lên, thì thạc sĩ tâm lý Nguyễn Hoàng Phương, Trung tâm kỹ năng mềm Việt Tâm (TP.HCM), khuyên phụ huynh phải dạy trẻ cách để nhận diện rõ những tình huống nguy cơ xâm hại.

Đó là khi rơi vào những trường hợp như: bị người khác nhìn chằm chằm, nhìn vào những vùng kín..., hay bị dụ dỗ phải cởi đồ hoặc kẻ đó chủ động cởi đồ trước mặt mình; bị cho coi hình ảnh dung tục; bị đụng chạm, ép hôn, sờ soạng cơ thể... thì phải hướng dẫn trẻ từ chối thẳng hoặc kêu cứu, nhờ sự giúp đỡ của người khác.

"Những vụ việc xâm hại tình dục xảy ra gần đây, cũng như câu chuyện đau lòng về người đàn ông lớn tuổi ép hôn, sàm sỡ bé gái trong máy vừa rồi chính là hồi chuông báo động dành cho phụ huynh, phải dạy trẻ những kỹ năng sống, cách nhận diện và phản ứng với những tình huống nguy hiểm.

Bởi để trẻ trở thành nạn nhân của những vụ sàm sỡ sẽ gặp nhiều hệ lụy, sẽ bị thương tổn tâm hồn, và ảnh hưởng rất nhiều trong quá trình phát triển", bà Phương nói thêm.

Vụ nguyên Phó viện trưởng VKS sàm sỡ bé gái: Phụ huynh dạy con thế nào để không bị xâm hại tình dục? - Ảnh 1.

Ảnh minh họa.

"Nguyên tắc bikini"

Tiến sĩ tâm lý Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu (TP.HCM) thì hướng dẫn phụ huynh về "nguyên tắc bikini". "Cần dạy con chỗ nào là "vùng bikini" (áo tắm) thì cần che lại, chỗ đó là chỗ riêng tư của con. Nếu ai nhìn chằm chằm, ai chạm vào... có thể là kẻ xấu.

Trong nguyên tắc "bikini" đã xác định đụng chạm những chỗ nào là lạm dụng tình dục. Việc phân biệt có hay không lạm dụng tình dục trẻ sẽ phụ thuộc vào ba yếu tố, đó là: mối quan hệ, sự hiện diện của gia đình, và vùng cưng nựng. Sẽ không phải là lạm dụng trẻ nếu như cùng lúc có mối quan hệ thân thiết, gần gũi, họ hàng với trẻ, và những vùng cưng nựng nằm ngoài vùng "bikini".

Và khi cưng nựng, âu yếm trẻ phải có ba mẹ, người thân của trẻ bên cạnh. Nếu thiếu một trong ba yếu tố ấy, như: không có ba mẹ trẻ, hay "cưng nựng" "vùng kín", mông, ngực, hoặc không hề có mối quan hệ thân thiết… thì hành động "cưng nựng" ấy có thể trở thành lạm dụng, xâm hại trẻ.

Bà Thương cũng nói có một quy tắc rất hay mà phụ huynh nên "thủ" bên mình để dạy con, đó là quy tắc PANTS. Được biết đây là quy tắc mà tổ chức bảo vệ trẻ em ở Anh có tên NSPCC kêu gọi các phụ huynh nên dạy cho con của mình. Theo đó:

P - Private (Riêng tư): Nói với trẻ rằng không một ai có thể được nhìn hay chạm vào "vùng kín" của bé, trừ một số người như bác sĩ, y tá hay bố mẹ. Tuy nhiên, bác sĩ y tá cần phải mặc đồng phục và đang trong giờ khám chữa bệnh, phải giải thích được cho con là họ cần chạm vào để làm gì và cần có sự đồng ý của con.

A - Always remember your body belongs to you (Luôn nhớ cơ thể con thuộc về con): Không ai có quyền làm bất cứ điều gì với cơ thể bé mà khiến bé khó chịu. Nếu ai cố tình, trẻ cần biết nói "Không".

N - No means no (Không là không): Giúp trẻ nhận thức được rằng trẻ có quyền nói "không" với những động chạm bé không thích từ bất cứ ai.

T - Talk (Nói về những điều bí mật khiến con buồn): Cha mẹ giải thích cho con về sự khác biệt giữa những bí mật "tốt" và "xấu". Những câu như "Đây là bí mật của riêng hai chú cháu mình" thường của những kẻ lạm dụng khiến trẻ con cảm thấy lo lắng và sợ không dám kể cho ai khác nghe. Những bí mật "tốt" có thể là món quà hay bữa tiệc. Những bí mật "xấu" là cái khiến con cảm thấy buồn, lo lắng, sợ hãi. Con cần nói ra.

S - Speak up (Lên tiếng): Nói với con khi nào bé cảm thấy buồn, lo lắng, sợ hãi, bé nên lên tiếng với người bé tin tưởng, có thể nói với bố mẹ, hay chị gái, cô giáo...

Cũng liên quan đến vụ người đàn ông ép hôn, sàm sỡ bé gái trong thang máy vừa diễn ra ngày 1/4 ở TP.HCM, trao đổi với Trí Thức Trẻ vào chiều 3/4, bà Nguyễn Thị Nga, Cục phó Cục Trẻ em, cho biết ngay sau khi biết sự việc thì Cục Trẻ em đã chỉ đạo Tổng đài 111 lập tức liên hệ với gia đình nạn nhân để có những hỗ trợ, giúp đỡ ban đầu.

Còn Hội Bảo vệ Quyền trẻ em TP.HCM đang kết hợp với Hội Phụ nữ quận 4 để có những động thái hỗ trợ nạn nhân.

Tương tự, đại diện Phòng Bảo vệ chăm sóc trẻ em TP.HCM, cũng cho biết cơ quan này cũng đã liên hệ gia đình để động viên, giúp đỡ bé gái vượt qua cú sốc tâm lý.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại