Phớt lờ Mỹ, bộ ba EU, Trung Quốc, Nga quyết làm ăn với Iran

Minh Khôi |

EU, Trung Quốc và Nga ủng hộ cơ chế cho phép hoạt động kinh doanh hợp pháp với Iran, giúp thương mại không bị cản trở khi Tổng thống Trump theo đuổi chiến lược Nước Mỹ trước tiên.

Thông tin này được Cao ủy phụ trách đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU) Federica Mogherini tuyên bố tại New York.

"Trong điều kiện thực tế, điều này có nghĩa là các thành viên EU sẽ xây dựng một hệ thống pháp lý để điều hành trao đổi tài chính hợp pháp với Iran, và cho phép các công ty châu Âu tiếp tục giao thương với Iran", bà Mogherini nói sau cuộc họp với đại diện các nước Anh, Pháp, Đức, Nga, Trung Quốc và Iran.

Điều này sẽ phù hợp với quy định của EU và có thể mở cho các đối tác khác trên toàn thế giới, bà nói thêm. 

Phớt lờ Mỹ, bộ ba EU, Trung Quốc, Nga quyết làm ăn với Iran - Ảnh 1.

Các quốc gia đang sử dụng dầu từ Iran, theo tỷ lệ %. Ảnh: Bloomberg.

Động thái này cũng thể hiện quan điểm của các quốc gia thành viên như Pháp và Đức rằng, EU cần theo đuổi chính sách đối ngoại bớt phụ thuộc vào đồng minh khó đoán là Washington.

Quyết định thành lập một cơ chế đặc biệt tạo điều kiện cho các khoản chi trả trong đó có dầu mỏ Iran và tăng cường sức mạnh đồng tiền chung Euro của khối, giúp kinh tế và doanh nghiệp EU độc lập hơn với đồng USD và kinh tế Mỹ.

Tổng thống Trump cảnh cáo, các nước phải lựa chọn hoặc làm ăn với Mỹ, nền kinh tế lớn nhất thế giới, hoặc là với Iran.

Tổng thống Trump đã tái áp đặt lệnh trừng phạt sau khi rút khỏi Thỏa thuận hạt nhân Iran hồi tháng 5 và kêu gọi các đồng minh của Mỹ áp dụng.

Các công ty châu Âu như Daimler AG và Total SA đã ngừng hoạt động hoặc rút lại các dự án đầu tư để tránh trừng phạt từ Mỹ nhưng Pháp và Đức nhiều lần khẳng định ủng hộ Thỏa thuận Iran và muốn việc kinh doanh được tiếp tục.

"Chúng ta cần một giải pháp bền vững để các kênh thanh toán được thông suốt và thương mại với Iran được tiếp tục. Chúng tôi đang nỗ lực làm việc cùng các đối tác châu Âu", Ngoại trưởng Đức Heiko Mass nói sau buổi họp tại New York.

Tuy nhiên, những nỗ lực của châu Âu có thể sẽ không mang lại nhiều kết quả, dưới áp lực tài chính của Washington, Javier Solana, cựu tổng thư ký NATO và đặc phái viên nước ngoài của EU, người từng thúc đẩy ngoại giao với Iran cho hay.

"Sức mạnh của Mỹ ngày nay không phải là quân sự, đó là đồng USD", ông Solana nói. 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại