Trong một cuộc phỏng vấn cho vị trí giám đốc bộ phận kinh doanh, câu hỏi được đưa ra cho toàn bộ ứng viên là: Một người đàn ông chi ra 8 đồng để mua một con gà. Vào hôm sau, anh ta đem con gà đi bán, thu về 9 đồng. Ngày hôm sau nữa, người đàn ông lại ra chợ và mua một con gà với giá 10 đồng. Rồi tới hôm tiếp theo, anh ta bán được con gà đi với giá 11 đồng. Hỏi cuối cùng, anh ấy đã kiếm được bao nhiêu tiền?
Câu hỏi khá dài dòng và có 5 đáp án được đưa ra trước mắt các ứng viên lần lượt là:
Đáp án A: Người đàn ông lời 2 đồng.
Đáp án B: Người đàn ông không lãi nhưng cũng không lỗ đồng nào.
Đáp án C: Người đàn ông bị lỗ mất 2 đồng.
Đáp án D: Người đàn ông lãi 38 đồng và 4 con gà.
Đáp án E: Người đàn ông lãi 1 đồng.
Các thí sinh nhận được câu hỏi đều vô cùng ngạc nhiên. Họ thì thầm với nhau, có phải đơn vị tuyển dụng đưa nhầm đề bài hay không, tại sao lại dùng một câu toán học đơn giản thế này để thi tuyển cho vị trí giám đốc được.
Nhưng ngạc nhiên thì ngạc nhiên, mọi người vẫn phải đưa ra đáp án của mình và có cách giải thích hợp lý nhất cho đáp án đưa ra. Thiếu một trong hai nhân tố thì đều bị tính là không đạt tiêu chuẩn của nhà tuyển dụng.
Vì đây là một câu hỏi dễ dàng, rất nhiều người tự tin rằng mình sẽ thông qua vòng kiểm tra đầu tiên một cách thuận lợi nhưng bất ngờ thay, nhà tuyển dụng thông báo, chỉ có duy nhất 2 thí sinh trong tổng số 20 người có mặt tại đây hôm nay đưa ra câu trả lời và lời giải thích phù hợp nhất với đáp án của họ.
Vậy là 90% đều đưa ra câu trả lời sai.
Nhận được quá nhiều thắc mắc, một quản lý nhân sự đã đứng ra giải thích:
"Hẳn là các bạn đều nhận ra, câu hỏi này không hề khó khăn gì, vì vậy những ai đưa ra đáp án A, "Người đàn ông lời 2 đồng", và đáp án B, "Người đàn ông không lãi nhưng cũng không lỗ đồng nào", vừa tệ cả toán học, vừa tệ cả logic, họ chỉ thích hợp để đi về học lại tiểu học chứ không phải ứng tuyển vào vị trí giám đốc kinh doanh của chúng tôi.
Với những ứng viên trả lời bằng đáp án D, tôi kiến nghị các bạn chuyển sang làm việc tại các công ty đa cấp, như vậy sẽ thăng tiến và kiếm tiền tỷ nhanh hơn tại đây rất nhiều.
Câu trả lời mà nhiều người đồng tình nhất tại đây là đáp án E "Người đàn ông lãi 1 đồng". Những ai đưa ra câu trả lời này chắc chắn sở hữu một trí tuệ tinh tường tỉnh táo, có khả năng đọc hiểu ngôn ngữ bình thường của con người, và có năng lực toán học và logic như bao người khác.
Nhưng cũng chỉ vậy mà thôi. Các bạn nên nhớ, chúng tôi không tìm kiếm một nhân viên bình thường, mà là một giám đốc kinh doanh, là người đóng vai trò quyết định trong doanh số và thu nhập mỗi tháng của cả công ty. Nếu bạn chỉ giỏi Toán, tôi đề nghị các bạn đăng ký ứng tuyển làm giáo viên.
Còn 2 người duy nhất có câu trả lời đúng là đáp án C "Người đàn ông bị lỗ mất 2 đồng". Đây mới là người có đầu óc kinh doanh thực sự.
Trong tình huống mà đề bài đưa ra, người đàn ông có thể mua một con gà với giá 8 đồng, và hoàn toàn có thể đợi đến 2 ngày sau để bán ra với giá 11 đồng, như vậy ông ta lãi hẳn 3 đồng cho mỗi con mà không cần mất công đi lại nhiều thay vì mua đi mua lại, bán ra bán vào 2 lần liên tiếp mà chỉ thu về duy nhất 1 đồng mà thôi.
Vậy tính ra, người đàn ông này đã lỗ mất 2 đồng chứ không hề lời lãi gì cả."
Nghe xong lời giải đáp rất tường tận này, các ứng viên của cuộc thi mới giật mình vỡ lẽ. Họ đã nghĩ câu hỏi quá đơn giản và lơ là, mất cảnh giác ngay từ những phút đầu tiên.
Do đó, họ cũng chỉ đưa ra câu trả lời một cách hấp tấp vội vàng, không đào sâu suy nghĩ, thử tiếp cận vấn đề từ một khía cạnh khác. Đó chính là lý do họ hoàn toàn thua cuộc, đánh mất cơ hội tiếp tục tiến vào vòng phỏng vấn tiếp theo.
Khi câu hỏi phỏng vấn này được đưa lên mạng Internet, rất nhiều người đã phạm phải sai lầm tương tự, trong đó có một cậu nhân viên tên Dương, là nhân viên của một đơn vị công ty chuyên lắp ráp máy móc.
Cậu ta nhớ lại trong các cuộc họp được tổ chức thường xuyên mỗi tháng trong đầu năm nay, giám đốc điều hành luôn nhắc nhở bộ phận tiêu thụ sản phẩm rằng công ty đã thiệt hại và lỗ mất bao nhiêu tiền trong tháng này.
Điều này khiến cậu nhân viên mới vô cùng khó hiểu. Rõ ràng các sản phẩm sản xuất ra mỗi ngày vẫn đều đặn rất nhiều. Cũng có đơn hàng làm ra mỗi tuần không ngừng không nghỉ. Vậy tại sao công ty vẫn chịu lỗ nhiều như vậy mỗi tháng?
Và bây giờ thì Dương đã hiểu ra rằng, cách họ quản trị kinh doanh và tính toán thu nhập hoàn toàn khác với tư duy của mình. Phương pháp tính thu nhập thực tế của cậu nhân viên mới chỉ đơn giản là lấy "Doanh thu" - "Phí tổn" = "Lợi nhuận".
Nhưng phương pháp tính toán của giám đốc lại là "Doanh thu" - "Phí tổn" = "Lợi nhuận của giai đoạn này", sau đó, lại lấy giá trị "Lợi nhuận của giai đoạn này" - "kỷ lục doanh thu cao nhất của công ty trong những năm qua". Nếu kết quả sau 2 phép tính này là dương, chứng tỏ đang phát triển và làm ăn có lãi.
Nếu kết quả sau đó chỉ là số âm, tức là lợi nhuận đang có sự sụt giảm so với những giai đoạn trước. Điều đó chứng minh rằng tình hình làm việc của công ty đang sụt giảm, tương đương với việc bị lỗ.
Trong suy nghĩ của loại lãnh đạo này, không có tiến bộ thì chính là thụt lùi. Trải qua thời gian, lợi nhuận không tăng lên là vẫn giậm chân tại chỗ, hoặc thậm chí là giảm sút, thì chứng tỏ công việc làm ăn đang phát triển không hiệu quả.
Do đó, cần phải tiến hành tổ chức các cuộc họp đánh giá hoặc điều chỉnh phúc lợi của nhân viên để đảm bảo cho sự tăng trưởng chung của công ty.