Phóng "sát thủ diệt tàu sân bay" DF-21D trên Biển Đông, Trung Quốc cảnh báo Mỹ điều gì?

Minh Thu |

Giới phân tích nhận định, vụ phóng thử tên lửa đạn đạo chống hạm mà có thể là DF-21D của Trung Quốc trên Biển Đông cuối tuần qua là hành động phô trương sức mạnh quân sự cũng như tăng ưu thế mặc cả của Bắc Kinh trước các vòng đàm phán sắp tới với Mỹ.

"Sát thủ diệt tàu sân bay" DF-21D được cho là loại tên lửa mà Trung Quốc phóng thử nghiệm trên Biển Đông hồi tuần qua. Hành động của Trung Quốc được xem là đòn "dằn mặt" Mỹ trước khi hai nước chuẩn bị tiến hành các cuộc đàm phán làm hạ nhiệt tình hình căng thẳng trong thời gian qua.

“Khi bạn chuẩn bị ngồi vào bàn đàm phán, cái bạn cần là có thêm những lá bài trong tay và đây là chiến thuật để giành được điều đó”, Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP) dẫn lời chuyên gia quân sự tại Thượng Hải, ông Ni Lexiong.

Vào ngày 2/7, Lầu Năm Góc cho hay Trung Quốc đã cho phóng loạt tên lửa trên Biển Đông . Hành động của quân đội Trung Quốc đã “làm xáo trộn” tình hình và trái với cam kết của Bắc Kinh về việc không quân sự hóa trong khu vực.

Reuters dẫn lời phát ngôn viên Lầu Năm Góc Dave Eastburn nhấn mạnh, “Dĩ nhiên, Lầu Năm Góc biết được việc Trung Quốc phóng tên lửa từ đảo nhân tạo ở Biển Đông và gần quần đảo Trường Sa (thuộc chủ quyền của Việt Nam)”.

“Tuyên bố của tôi không đại diện cho bất cứ quốc gia nào có tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông. Nhưng chúng tôi chắc chắn một điều là hành động của Trung Quốc đã đi ngược lại với lời cam kết duy trì nền hòa bình trong khu vực và dĩ nhiên hành động này mang tính bắt nạt các nước có tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông ”, ông Eastburn nói.

Trước đó, chính phủ Trung Quốc thông báo quân đội nước này đang tiến hành các cuộc tập trận ở khu vực nằm giữa quần đảo Trường Sa và quần đảo Hoàng Sa (thuộc chủ quyền của Việt Nam).

Cuộc tập trận kéo dài 5 ngày của quân đội Trung Quốc từ ngày 29/6 - 3/7. Ngoài ra, hoạt động đi lại của các tàu thuyền trong khu vực quân đội Trung Quốc tập trận đều bị phong tỏa. Tuy nhiên, thông báo từ chính phủ Trung Quốc lại không nhắc tới các vụ phóng thử tên lửa trên Biển Đông.

SCMP cho hay, Lầu Năm Góc chưa lên tiếng công bố chính xác loại tên lửa mà Trung Quốc đã phóng thử trên Biển Đông hồi tuần qua.

Song theo giới quan sát, khả năng tên lửa Trung Quốc phóng ở Biển Đông là DF-21D. Đây là tên lửa được mệnh danh là “sát thủ diệt tàu sân bay” với tầm bắn 1.500 km và lần đầu tiên được Trung Quốc công khai vào năm 2015.

Nếu nhận định của giới quan sát đúng sự thật, đây sẽ là lần đầu tiên Trung Quốc cho phóng thử tên lửa DF-21D ở Biển Đông, khu vực mà lâu nay Bắc Kinh ngang nhiên tăng cường cải tạo, xây dựng hàng loạt hòn đảo nhân tạo ở quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa (thuộc chủ quyền của Việt Nam). Bắc Kinh còn tiến hành quân sự hóa Biển Đông bằng cách triển khai vũ khí ra một số đảo nhân tạo.

Đáp trả, Mỹ tuyên bố tiếp tục điều tàu thuyền tới Biển Đông để tiến hành hoạt động tuần tra đảm bảo tự do hàng hải trên tuyến biển chiến lược bất chấp sự phản đối mạnh mẽ của Trung Quốc.

Theo ông Ni, Trung Quốc đang cảm thấy áp lực từ Mỹ ngày càng lớn không chỉ ở lĩnh vực kinh tế liên quan tới cuộc chiến thương mại và công nghệ mà còn từ sự ủng hộ của Washington đối với vấn đề Đài Loan và Hong Kong.

“Yếu tố hỗ trợ tối đa cho nỗ lực ngoại giao chính là sức mạnh quân sự. Trong trường hợp của Mỹ, họ có tới 11 nhóm tác chiến tàu sân bay. Nhưng tên lửa DF-21D của Trung Quốc lại có thể trở thành mối đe dọa đối với tàu sân bay Mỹ”, ông Ni cho hay.

Điều đáng nói, vụ phóng thử tên lửa đạn đạo chống hạm của Trung Quốc hồi cuối tuần qua trùng với thời điểm diễn ra cuộc gặp giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Tập Cận Bình bên lề hội nghị thượng đỉnh G20 tại thành phố Osaka của Nhật Bản.

Tại sự kiện này, hai nhà lãnh đạo Mỹ - Trung đã đồng thuận nối lại các cuộc đàm phán nhằm chấm dứt cuộc chiến thương mại giữa hai nước kéo dài suốt một năm qua cũng như dừng tăng thêm thuế đối với các mặt hàng xuất khẩu của nhau.

Chuyên gia quân sự tại Bắc Kinh Zhou Chenming cho rằng, Trung Quốc luôn tuyên bố các cuộc tập trận đã được lên lịch sẵn và không nhằm vào bất cứ đối thủ cụ thể nào nhưng rõ ràng, tuyên bố từ Lầu Năm Góc lại cho thấy Mỹ cũng đang cảm thấy bị áp lực.

Theo ông Zhou, những bình luận được Mỹ đưa ra sau khi Trung Quốc phóng thử tên lửa đạn đạo chống hạm ở Biển Đông được xem là một phần lý do khiến chính quyền tỉnh Hải Nam cho gỡ bỏ lệnh phong tỏa biển sớm hơn so với kế hoạch.

Cụ thể, Cục Hải sự tỉnh Hải Nam ban đầu thông báo phong tỏa khu vực quân đội Trung Quốc tiến hành tập trận từ sáng sớm ngày 29/6 tới đêm ngày 3/7, nhưng lệnh cấm này đã được gỡ bỏ vào ngày 2/7.

“Trung Quốc chắc chắn không muốn khiêu khích Mỹ”, ông Zhou kết luận.

Thông tin Trung Quốc tiến hành phóng thử tên lửa đạn đạo chống hạm ở Biển Đông được NBC News đăng tải đầu tiên.

Giới chức Mỹ cũng cho hay các tàu chiến Mỹ có mặt trên Biển Đông không hoạt động gần khu vực Trung Quốc phóng thử tên lửa chống hạm hồi cuối tuần qua, nên không gặp nguy hiểm.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại