Phó thủ tướng Vương Đình Huệ: Muốn tăng trưởng thì phải thành lập doanh nghiệp

Quang Huy |

Khẳng định rằng cộng đồng doanh nghiệp các địa phương đang nhìn vào hành động của lãnh đạo các cấp, Phó Thủ Tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh việc hỗ trợ thành lập và duy trì hoạt động hiệu quả của doanh nghiệp là nền móng quan trọng cho tăng trưởng, tái cơ cấu kinh tế.

Xuất hiện vào chiều muộn trong Lễ ký cam kết về tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp của VCCI và 21 địa phương phía Bắc, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ khẳng định rõ quyết tâm của Chính phủ trong việc đưa những cam kết hỗ trợ doanh nghiệp đi vào thực chất, bởi cộng động doanh nghiệp đang nhìn vào hành động của các lãnh đạo địa phương.

"Quyết tâm của Chính phủ đã thể hiện rất rõ ràng. Chúng ta không mất bao công sức, thời gian, chi phí để chứng kiến lễ ký này này chỉ là hình thức. Cộng đồng doanh nghiệp sẽ nhìn vào động thái này của lãnh đạo các tỉnh, tạo nên niềm tin rằng Trung ương và địa phương đang rất nỗ lực.

Ta ký hôm nay nhưng quan trọng là tổ chức thực hiện như thế nào, để những cam kết trở thành hiện thực", Phó Thủ tướng khẳng định.

Phó thủ tướng Vương Đình Huệ: Muốn tăng trưởng thì phải thành lập doanh nghiệp - Ảnh 1.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ: "Đăng ký mới doanh nghiệp không phải chạy theo thành tích". Ảnh: Thành Đạt.

Theo Phó Thủ tướng, sau 30 năm đổi mới, doanh nghiệp và doanh nhân luôn là lực lượng xung kích đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Vì vậy, nhiều nghị quyết đưa ra chỉ sau cuộc gặp của Thủ tướng với cộng đồng doanh nghiệp vào ngày 30/4 cho thấy tinh thần, quyết tâm của Chính phủ, cụ thể hóa chủ trương của Đảng.

Nêu lên con số cam kết về số lượng doanh nghiệp của Hà Nội và TP HCM đến năm 2020 (khoảng 900.000 doanh nghiệp), Phó Thủ tướng yêu cầu tỉnh nào chưa cam kết thì phải có số liệu cụ thể. Không những thế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Tổng cục Thống kê, cùng VCCI được yêu cầu xây dựng bộ chỉ số công bố công khai định kỳ hàng năm về hỗ trợ doanh nghiệp, .

Nói tới phát triển số lượng, nhưng Phó Thủ Tướng cũng không quên nhắn nhủ các địa phương phải hỗ trợ tốt cho doanh nghiệp tồn tại hiệu quả, bởi "đăng ký mới doanh nghiệp không phải chạy theo thành tích".

Tính thực chất của hoạt động doanh nghiệp, theo đó, sẽ phải được theo dõi thông qua những thống kê cụ thể về lợi nhuận các doanh nghiệp tạo ra trên địa bàn cộng với tổng thu nhập của người lao động được hưởng."Đây sẽ là chỉ số để kiểm tra, giám sát xem các tỉnh có làm hay không, và làm như thế nào".

Ngoài việc ban hành và cụ thể hóa các nghị quyết số 19 về đổi mới vĩ mô môi trường kinh doanh hàng năm, ban hành nghị định về hệ sinh thái khởi nghiệp quốc gia, Chính phủ cũng tích cực chuẩn bị trình Quốc hội một Luật để sửa đổi nhiều luật liên quan đến môi trường đầu tư.

Theo thông tin từ Phó Thủ tướng, cập nhật cho đến chiều tối hôm qua, luật này sẽ sửa đổi đến 15 luật, trong đó có 3 luật mới bổ sung liên quan đến các thủ tục kiểm tra chuyên ngành về hải quan để tháo gỡ vướng mắc cho lĩnh vực thông quan xuất nhập khẩu hàng hóa.

"Những thủ tục này thì ít, nhưng tác động lại cực lớn, nên Chính phủ thống nhất trình Quốc hội sửa một Luật liên quan 15 Luật".

Phó Thủ tướng cũng cho hay, Chính phủ hôm qua cũng thông qua dự thảo dự án luật hỗ trợ DNNVV, tập trung hỗ trợ các doanh nghiệp loại này cũng doanh nghiệp khởi nghiệp, đồng thời tác động chuyển các hộ kinh doanh lên thành lập doanh nghiệp.

Phó thủ tướng Vương Đình Huệ: Muốn tăng trưởng thì phải thành lập doanh nghiệp - Ảnh 2.

"Muốn tăng trưởng, giải quyết việc làm, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, chuyển dịch cơ cấu lao động, hút lao động từ nông nghiệp sang dịch vụ, công nghiệp thì không còn cách nào khác phải thành lập doanh nghiệp". Phó Thủ tướng nhắn nhủ. Ảnh: Thành Đạt.

"Chính quyền địa phương phải bám lấy việc này. Trước tiên cần thực hiện tốt nghị quyết 19, cải thiện chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh. Đấy là mảnh đất nuôi dưỡng cho những doanh nghiệp đang hoạt động tốt và tạo niềm cảm hứng cho những doanh nghiệp sắp sửa tham gia thị trường.

Cùng với hiệu ứng của các hiệp định FTA thế hệ mới, luật doanh nghiệp và luật đầu tư thế hệ mới, việc cải thiện môi trường kinh doanh sẽ góp vai trò quan trọng tạo nên mảnh đất này.

Thứ hai là làm tốt việc thu hút, kêu gọi doanh nghiệp FDI, bao gồm tập đoàn lớn lẫn DNNVV ở nước ngoài và cả các doanh nghiệp lớn của Việt Nam đầu tư vào các tỉnh. Điều này không chỉ tạo nên xung lực rất tốt cho phát triển toàn tỉnh mà còn là môi trường tốt cho phát triển doanh nghiệp vệ tinh cho các nhà đầu tư chiến lược này".

Chưa dừng lại ở đó, theo Phó thủ tướng Vương Đình Huệ, luật mới này sẽ hỗ trợ tăng cường năng lực quỹ bảo lãnh tín dụng DNNVV, cho phép thành lập quỹ đầu tư mạo hiểm của Trung ương và chính quyền địa phương để tài trợ vốn ban đầu cho các doanh nghiệp khởi nghiệp, nhất là khi họ khó khăn trong tiếp cận vốn ngân hàng.

Phó Thủ tướng cũng yêu cầu các lãnh đạo tỉnh rà soát, thống kê số hộ kinh doanh trên từng địa bàn. Hiện tại, cả nước ước tính có khoảng 5,6 triệu hộ kinh doanh, mà theo luật mới, hộ có 10 lao động trở lên sẽ phải đăng ký thành lập doanh nghiệp.

"Chúng ta phải đi vào những cách tiếp cận cụ thể như vậy thì mới hi vọng cam kết sẽ trở thành sự thật... Muốn tăng trưởng, giải quyết việc làm, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, chuyển dịch cơ cấu lao động, hút lao động từ nông nghiệp sang dịch vụ, công nghiệp thì không còn cách nào khác phải thành lập doanh nghiệp", Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại