Phó thủ tướng Trương Hòa Bình: Việc truy tố, xét xử Vũ Nhôm, Út Trọc… củng cố niềm tin của nhân dân

Hoàng Đan |

Theo Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình, thời gian tới Chính phủ cam kết sẽ đẩy nhanh tiến độ điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng lớn, thu hồi triệt để tài sản thất thoát.

Tại phiên khai mạc kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa 14 sáng nay, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đã báo cáo với QH về bổ sung kết quả phát triển kinh tế xã hội năm 2018, tình hình những tháng đầu năm 2019 và nhiệm vụ giải pháp trọng tâm thời gian tới.

Theo Phó Thủ tướng, 12 chỉ tiêu chủ yếu của năm 2018 đạt và vượt, trong đó 3 chỉ tiêu đạt, 9 chỉ tiêu vượt và nhiều chỉ tiêu đạt cao hơn số đã báo cáo Quốc hội.

Cụ thể, tốc độ tăng trưởng GDP đạt 7,08%, cao nhất kể từ năm 2008, thuộc nhóm các nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng cao nhất khu vực và thế giới.

GDP bình quân đầu người đạt 2.590 USD; kim ngạch xuất khẩu tăng 13,2%, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt trên 480 tỷ USD và xuất siêu 6,8 tỷ USD, cao nhất từ trước tới nay; thu ngân sách Nhà nước vượt 8% so với dự toán…

Bên cạnh đó, đẩy nhanh tiến độ điều tra, truy tố, xét xử nhiều vụ án tham nhũng nghiêm trọng như vụ "Vũ Nhôm", "Út Trọc" mở rộng, Gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2, cảng Quy Nhơn… được dư luận đồng tình ủng hộ, góp phần củng cố niềm tin của nhân dân.

Còn tình trạng né tránh, đùn đẩy trách nhiệm

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ cũng thẳng thắn chỉ ra một số tồn tại, hạn chế như kinh tế vĩ mô chưa thực sự ổn định vững chắc do giá dầu thô, xử lý dự án yếu kém, thua lỗ còn khó khăn; quản lý tài sản công, đất đai, tài nguyên còn bất cập…

"Còn những hành vi, vi phạm về đạo đức nhà giáo, bạo lực học đường, dâm ô trẻ em và biểu hiện suy thoái về đạo đức, lối sống, văn hóa ứng xử, gian lận thi cử, lợi dụng tôn giáo, tín ngưỡng… gây bức xúc xã hội.

Xảy ra nhiều vụ trẻ em bị tai nạn, thương tích, đuối nước thương tâm. Xảy ra nhiều vụ việc vi phạm quy định về an toàn thực phẩm, sử dụng rượu, bia, ma túy gây tai nạn giao thông, tội phạm nghiêm trọng...", Phó Thủ tướng nêu rõ.

Ông chỉ rõ thêm về việc kỷ luật, kỷ cương thực thi công vụ ở nhiều cơ quan, đơn vị chưa nghiêm; phối hợp công tác hiệu quả chưa cao; còn tình trạng né tránh, đùn đẩy trách nhiệm.

Tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà, tham nhũng vặt của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức chưa được ngăn chặn hiệu quả. Tình hình an ninh trật tự diễn biến phức tạp ở một số địa phương; còn nhiều vụ tai nạn giao thông, cháy nổ nghiêm trọng.

Xử lý nghiêm mọi hình thức chạy chức, chạy quyền

Theo Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, từ nay đến cuối năm và trong thời gian còn lại của nhiệm kỳ là rất nặng nề. Do đó, Chính phủ đưa ra 7 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm cần tập trung trong thời gian tới.

Trong đó, Chính phủ nhấn mạnh đến việc đẩy mạnh cải cách hành chính, thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo; tăng cường phòng, chống tham nhũng, lãng phí.

Phó thủ tướng Trương Hòa Bình: Việc truy tố, xét xử Vũ Nhôm, Út Trọc… củng cố niềm tin của nhân dân - Ảnh 1.

Từ trái qua: Phó Chủ tịch TT Quốc hội Tòng Thị Phóng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ bên hành lang Quốc hội, sáng 20/5. Ảnh: Tiến Tuấn.

Cụ thể là tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống hành chính nhà nước tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả và tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.

Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền gắn với tăng cường kiểm tra, giám sát, bảo đảm hiệu quả cơ chế kiểm soát quyền lực và trách nhiệm giải trình. Siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính; tăng cường thanh tra, kiểm tra công vụ.

Đồng thời, Phó Thủ tướng nêu rõ, sẽ tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, tập trung vào các lĩnh vực dễ phát sinh tiêu cực; xử lý nghiêm vi phạm. Đẩy nhanh tiến độ, sớm ban hành các kết luận thanh tra đối với các vụ việc phức tạp, dư luận xã hội quan tâm.

Thực hiện tốt công tác tiếp công dân; giải quyết dứt điểm các vụ việc khiếu nại, tố cáo đông người, phức tạp, kéo dài.

Triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng chống lợi ích nhóm, tiêu cực, tham nhũng, lãng phí, nhất là trong các lĩnh vực đất đai, tài nguyên, đầu tư công, các dự án BT, BOT, cổ phần hóa DNNN, công tác quy hoạch, bổ nhiệm cán bộ... và tình trạng "tham nhũng vặt" trong thực thi công vụ.

"Kiên quyết phòng chống, xử lý nghiêm mọi hình thức chạy chức, chạy quyền", Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Phó thủ tướng Trương Hòa Bình: Việc truy tố, xét xử Vũ Nhôm, Út Trọc… củng cố niềm tin của nhân dân - Ảnh 3.

Ảnh: Tiến Tuấn.

Bên cạnh đó, đẩy nhanh tiến độ điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng lớn, thu hồi triệt để tài sản bị thất thoát; có cơ chế xử lý kịp thời tài sản liên quan đến các vụ án kinh tế, tham nhũng, không để tài sản xuống cấp, đóng băng, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của Nhà nước và các tổ chức, cá nhân liên quan.

Ngoài ra, Chính phủ chỉ rõ việc kiên định mục tiêu củng cố nền tảng vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, thúc đẩy tăng trưởng; thực hiện quyết liệt cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh.

Trong đó, chú trọng phát triển văn hóa, xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân. Chính phủ nêu rõ có biện pháp ngăn chặn, xử lý nghiêm các trường hợp xâm hại trẻ em; hoàn thiện pháp luật để xử lý các bất cập trong công tác quản lý cai nghiện ma túy...

Thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng chống tội phạm; kiên quyết trấn áp, triệt phá tội phạm ma túy, tội phạm hình sự nghiêm trọng, tội phạm có tổ chức hoạt động theo kiểu "xã hội đen", các loại tội phạm gây bức xúc xã hội...

Sớm hoàn thiện quy định pháp luật theo hướng tăng nặng chế tài xử phạt, xử lý nghiêm, kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật về trật tự, an toàn giao thông, nhất là sử dụng ma túy, rượu bia, vi phạm nồng độ cồn khi lái xe.

Trước đó, trong phần phát biểu khai mạc kỳ họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nêu rõ, Quốc hội sẽ tiến hành giám sát tối cao việc thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch, quản lý đất đai tại các đô thị từ khi Luật Đất đai năm 2013 có hiệu lực đến hết năm 2018.

Đồng thời, xem xét các báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 7 và kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 6; tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội; xem xét, thông qua các Nghị quyết về một số vấn đề quan trọng khác...

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại