Trang TASS đưa tin, trong cuộc phỏng vấn được phát sóng ngày 5/10 trên đài truyền hình Rossiya-24, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Tài chính Nga Anton Siluanov đã thừa nhận rằng đòn trừng phạt mới của Mỹ nhằm vào Nga sẽ gây thiệt hại thực sự đối với nền kinh tế nước này.
Tổng thống Nga Vladimir Putin luôn phản pháo Mỹ rằng các lệnh trừng phạt của Washington là "con dao hai lưỡi" làm tổn hại đến cả hai bên, nhưng theo ông, điều bất ngờ là phía Nga lại được hưởng lợi ít nhiều từ những đòn "tấn công" này.
Theo đó, những 'lợi ích' được ông Putin đề cập đến trong sự kiện giao lưu trực tuyến hồi năm ngoái là việc nguồn lực và nguồn tài nguyên của nước Nga đã được tập trung vào những lĩnh vực chính yếu, và nước Nga không chỉ dựa vào mỗi nguồn thu từ dầu mỏ và khí đốt như trước đây.
"Chúng ta đã chứng kiến sự tăng trưởng thực sự trong lĩnh vực sản xuất của các ngành kinh tế trọng điểm", ông Putin nói.
Tuy nhiên, ông Siluanov cho biết, nếu như Mỹ áp đặt vòng trừng phạt mới, thì "các nhà đầu tư nước ngoài sẽ không dám tham gia vào thị trường tài chính của [Nga] nữa".
Trong thực tế, "thành phần đầu tư nước ngoài [tại Nga] cũng đã giảm đi trông thấy. Trước đây họ chiếm đến 33% tổng số đầu tư trong tổng cơ cấu nợ, nhưng hiện nay con số ấy đã giảm còn 27%", Bộ trưởng Tài chính Nga giải thích. Ông cho biết các tổ chức tài chính của Nga đã phải lấp đầy khoảng trống của các nhà đầu tư nước ngoài.
Tổng thống Putin luôn nhấn mạnh rằng các đòn trừng phạt của Mỹ không thể cản trở các chính sách của ông. Tuy nhiên ông Siluanov đã tiết lộ gót chân Archilles của Nga: đó là khoản nợ công của nước này.
"Tôi hy vọng rằng đó sẽ là phương sách cuối cùng [của Mỹ], dù tôi biết chắc hẳn các quan chức Mỹ đang cân nhắc điều này", ông Siluanov nói. Theo lời ông này, mỗi năm khoản nợ công của Nga đều tăng thêm, và Moskva thậm chí còn đang lên kế hoạch vay một khoản lớn hơn nữa để chi trả cho Quỹ Phát triển - nguồn kinh phí của các dự án quốc gia.
Chính phủ Mỹ đã từ chối lệnh cấm mua nợ từ Nga sau khi Bộ Tài chính Mỹ cảnh báo rằng lệnh cấm này có thể gây hại đến các nền kinh tế khác trên thế giới, do "tác động tiêu cực mà nó đem lại cho các thị trường tài chính và doanh nghiệp trên toàn cầu".