LTS: Đợt nắng nóng gay gắt vừa rồi (diễn ra trong 6 ngày (từ 1/6 – 6/6)) có tác động không hề nhỏ đến đời sống xã hội của chúng ta. Đã đến lúc chúng ta tự hỏi, tại sao thời tiết ngày càng trở nên khắc nghiệt và bất tuân quy luật đến như thế. Liệu, những hoạt động của con người có khiến thời tiết trở nên dữ dội (khi thì quá nóng, khi thì quá lạnh) như vậy không?
Bài phỏng vấn trực tiếp ông Lê Thanh Hải, Phó Tổng giám đốc Trung tâm Khí tượng Thủy văn Quốc gia, sẽ cung cấp cái nhìn toàn cảnh vể thời tiết nước ta và những dự báo trong các tháng tới.
- Vào tháng 4/2017, trên tờ Sức khỏe và Đời sống (Cơ quan ngôn luận của Bộ Y tế), ông từng nói: "Tất cả các yếu tố khó lường đang diễn ra, chúng ta sắp phải chịu những hiện tượng thời tiết cực đoan như nắng nóng, cơn bão mạnh hoặc siêu bão…", điều này có đồng nghĩa với việc trong năm nay (2017) chúng ta sắp phải đối mặt với các loại hiện tượng thời tiết cực đoan nhiều hơn hẳn năm 2016 và trong lịch sử phải không, thưa ông Lê Thanh Hải?
Ông Lê Thanh Hải: Hiện tượng thời tiết cực đoan không chỉ thiên về việc ấm lên toàn cầu, nắng nóng mà có bằng chứng cực đoan về rét, mưa lớn, bão…
Nói về nắng nóng, 2017 là một năm tương đối đặc biệt, năm có một đợt nắng nóng đặc biệt gay gắt khiến một số nơi ở đồng bằng trung du Bắc bộ có nền nhiệt từ 37 độ C - 40 độ C, riêng Hà Nội và các tỉnh lân cận đạt ngưỡng 41 - 42 độ C.
Đợt nắng nóng này đã phá vỡ một số kỷ lục trong chuỗi số liệu quan trắc. Ví dụ như: Tại khu vực Láng (Hà Nội) đạt mức nhiệt 41,8 độ C (kỷ lục cũ là 40,8 độ C vào ngày 3/7/2015); Tại Phủ Lý (Hà Nam) đạt mức nhiệt 41,0 độ C (kỷ lục cũ là 39,7 độ C ngày 15/5/2013; Tại thành phố Bắc Giang (Bắc Giang) đạt 40,5 độ C (kỷ lục cũ là 39,1 độ ngày 18/6/1983).
Với thời gian nắng nóng diễn ra trong 6 ngày (từ 1/6 – 6/6), đây được xem là hiện tượng thời tiết cực đoan về nắng nóng. Nắng nóng đặc biệt gay gắt đầu tháng 6 năm 2017 nằm trong bối cảnh tác động của biến đổi khí hậu, làm xuất hiện hiện tượng cực đoan.
Ngược lại, trong tháng 1/2016, chúng ta đã chứng kiến một hiện tượng cực đoan khác, theo hướng ngược lại, đó là một đợt rét kỷ lục chưa từng thấy xuất hiện băng tuyết ở 40 vị trí khác nhau ở phía Bắc.
Thậm chí, có những nơi chưa bao giờ ghi nhận có tuyết cũng xuất hiện tuyết như đỉnh Ba Vì (Hà Nội), Kỳ Sơn (Nghệ An), Rừng quốc gia Vũ Quang (Hà Tĩnh).
Trở về các năm trước, cụ thể vào các năm 2016, 2015, thành phố Đồng Hới (Quảng Bình) và Quảng Ninh liên tiếp hứng chịu những trận mưa kỷ lục.
Cụ thể: Năm 2016 trận mưa kéo dài trong vòng 24 giờ với lượng mưa lên đến 747mm tại Đồng Hới (Quảng Bình); Trong khi, vào tháng 7/2015, mưa lớn kỷ lục tại Quảng Ninh trong vòng 7 đến 8 ngày khiến nơi này có lượng mưa đến 1.500mm, lượng mưa này bằng 2/3 tổng lượng mưa trung bình của cả năm của nước ta.
Các tính toán về khía cạnh tần suất, hiện tượng mưa lớn ở Quảng Ninh vạn năm mới xảy ra một lần. Trên thực tế, xác suất xảy ra rất hiếm, nhưng vì biến đổi khí hậu nên các hiện tượng cực đoan không còn hiếm nữa.
Tôi bổ sung thêm về biến đổi khí hậu. Sau khi bỏ ra 30 năm dài tranh cãi xem biến đổi khí hậu là do tự nhiên hay con người, các nhà khoa học xác định, biến đổi khí hậu là hiện tượng có nguyên nhân chủ yếu từ con người thông qua các hoạt động sản xuất công nghiệp, sử dụng nhiên liệu hóa thạch gây phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính, giao thông, xây dựng…
Ảnh gốc: Electronic Products Magazine.
Do đó, khuynh hướng nhiệt độ Trái Đất tăng dần lên theo thời gian từ các hoạt động của con người. Kết quả là, biến đổi khí hậu đang phá vỡ nhiều quy luật tự nhiên của bão. Nó không làm cho số lượng các cơn bão tăng lên nhưng lại khiến cho những cơn bão mạnh hơn, xuất hiện nhiều siêu bão hơn và làm cho quỹ đạo (đường đi) của bão cũng "quái chiêu" hơn.
- Về dự báo xa, xin ông cho biết liệu có thể ước đoán từ nay cho đến hết tháng 8, có bao nhiêu đợt nắng nóng có khả năng xuất hiện? Và các đợt nắng nóng này có dữ dội và khủng khiếp tương tự đợt nóng đầu tiên vừa trải qua không, thưa Phó Tổng giám đốc Trung tâm KTTV Quốc gia?
Ông Lê Thanh Hải: Mọi người có cảm giác năm nay nóng hơn, thực tế không phải vậy, mặc dù có đợt nắng nóng đầu tháng 6 vừa rồi nhưng mùa Xuân năm 2017 rất mát. Mùa Đông ấm, còn mùa Hè thì sau đợt nắng nóng gay gắt vừa rồi cũng chưa có đợt nắng nóng nào bổ sung.
Trung bình một năm có khoảng 10 đến 12 đợt nắng nóng. Những vùng nắng nóng nhất là khu vực Trung bộ (bao gồm Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên – Huế) thường xuất hiện đầu tiên vào tháng 4 và kết thúc vào tháng 8 với tính chất gay gắt khác nhau.
Như vậy, tính cho đến thời điểm nửa cuối tháng 6/2017, đã có khoảng 6 đợt nắng nóng diễn ra. Do đó, chúng ta sẽ chịu khoảng 5 đến 6 đợt nắng nóng nữa, diễn ra chủ yếu vào các tháng 7 và tháng 8.
Nếu như tháng 6 nắng nóng có phần gay gắt thì tháng 7 nắng sẽ dịu đi vì lúc này cũng là thời điểm cuối mùa mưa. Nhờ mưa nhiều nên nắng nóng sẽ giảm đi.
Ảnh gốc: Doanh nhân.
Chúng tôi dự báo, vào cuối tuần này sẽ có một đợt nắng nóng tiếp theo, nhưng nhiệt độ không chạm mức gay gắt như đợt nắng nóng vừa rồi (từ 1/6 – 6/6), mà nhiệt độ cao nhất dự báo đạt 35 đến 37 độ C ở thủ đô Hà Nội, và 38 – 39 độ C ở ven biển miền Trung.
- Tiếp tục với vấn đề nắng nóng, ông từng nhận định nguyên nhân gây ra đợt nắng nóng thứ nhất là do ảnh hưởng của hoàn lưu vùng áp thấp nóng phía Tây kết hợp với hiệu ứng gió phơn hoạt động mạnh từ Tứ Xuyên (Trung Quốc). Đợt nóng này được các chuyên gia nhận định là dữ dội và bất thường.
Vậy bên cạnh các nguyên nhân khách quan (từ tự nhiên), có khi nào các hoạt động của chính con người khiến cho thời tiết trở nên tồi tệ như vậy không, thưa ông? Nếu có, xin ông cung cấp một số dẫn chứng cho điều này?
Ông Lê Thanh Hải: Đợt nắng nóng vừa rồi (từ 6/1 – 6/6) tôi đánh giá là nắng nóng đặc biệt gay gắt, chưa từng xảy ra trong lịch sử, trong bối cảnh của biến đổi khí hậu và tốc độ đô thị hóa ngày một gia tăng.
Theo phân tích của Trung tâm Khí tượng Thủy văn Quốc gia, ngoài áp thấp nóng phía Tây (có trung tâm tại Tứ Xuyên (Trung Quốc), Myanmar mở rộng sang các tỉnh phía bắc Việt Nam) thì có thêm áp thấp phụ nữa ở đồng bằng và trung du Bắc Bộ khiến cho Bắc Giang, Lạng Sơn… hứng chịu nắng nóng kỷ lục.
Tại Hà Nội, nhiệt độ chúng tôi ghi nhận được là 41,5 độ. Tuy nhiên mức nhiệt này tại Hà Nội vẫn chưa cao kỷ lục trong đợt nắng nóng vừa rồi. Trị số cao nhất được ghi nhận là ở Chí Linh (Hải Dương), còn nóng hơn.
Như vậy, ảnh hưởng đô thị tại Chí Linh không lớn. Trạm Chí Linh đặt ở trên đồi, ở khu vực xa dân cư mà vẫn có mức nhiệt như vậy. Do đó, việc nắng nóng ở Hà Nội, các yếu tố thiếu cây xanh, thiếu hồ nước không góp phần nhiều vào việc tăng nhiệt cho đợt nóng.
- Nguyên nhân nắng nóng có đến từ con người không, thưa ông?
Thực ra có nhiều nguyên nhân tạo nên đợt nắng nóng vừa rồi. Tuy nhiên, nguyên nhân chính vẫn là ảnh hưởng của rãnh áp thấp phía Tây.
Còn lại, các nguyên nhân khác lại đóng góp thêm một chút. Ví dụ, hiệu ứng đô thị trong đợt nắng nóng đầu tháng 6 vừa rồi chỉ khiến cho nền nhiệt tăng lên khoảng 0,5 độ C. Còn 41 độ C là ảnh hưởng của áp thấp phía Tây như đã phân tích. Ngoài ra còn có hiệu ứng gió phơn Tây Nam (hay gió Lào) gây nắng nóng, chiếm 0,5 độ C.
- Cuối tháng 4/2017, Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) dự báo, có khoảng 50-60% đợt El Nino tiếp theo (bất tuân quy luật 5 năm năm xuất hiện một lần, thay vì xuất hiện vào năm 2020) sẽ xuất hiện vào cuối năm 2017.
Dự báo này có đáng sợ với Việt Nam không và nếu có thì nó ở khía cạnh nào? Theo ông, việc El Nino xảy ra với tần suất dày hơn và nắng nóng diễn ra với cường độ mạnh hơn có phải là dấu hiệu cho thấy khí hậu Trái Đất đang diễn biến ngoài sự kiểm soát của con người không?
Ông Lê Thanh Hải: El Nino là một cách nói. Chúng tôi gọi chung El Nino (pha nóng), La Nina (pha lạnh) và giai đoạn trung tính giữa El Nino và La Nina là ENSO. Chỉ số ENSO được các chuyên gia khí tượng cập nhật liên tục.
Vào tháng 4/2017, chúng tôi dự đoán có 60% El Nino xuất hiện vào cuối năm nay. Sau đó, vào tháng 5, cơ hội El Nino xuất hiện chỉ còn 50% và xuống đến 40% trong lần dự báo cập nhất mới nhất của các chuyên gia khí tượng.
Như vậy, cuối năm 2017, El Nino không xuất hiện mà sẽ ở giai đoạn trung tính (ôn hòa). Nguy cơ hạn hán, xâm nhập mặn vào cuối năm sẽ giảm đi.
Điều quan trọng nhất là, Trung tâm luôn theo dõi và cập nhật thường xuyên diễn biến của ENSO.
- Đứng trước ENSO như vậy, xin ông cho biết, theo dự báo trong năm 2017, chúng ta phải hứng chịu bao nhiêu cơn bão, với cường độ như thế nào?
Ông Lê Thanh Hải: Nhìn chung, dự báo số lượng các cơn bão trong một năm là nhiệm vụ không hề dễ dàng. Ví dụ, năm 1976 trên toàn bộ Biển Đông không có một cơn bão nào, trong khi năm 2013 có 19 cơn bão.
Chính vì thế, trong một năm, con số xuất hiện các cơn bão xuất hiện dao động từ 0 đến 19 cơn. Do đó, việc đưa ra số lượng chính xác cơn bão trong một năm rất thách thức, chúng tôi chỉ đưa ra con số trung bình từ 10 đến 12 cơn bão áp thấp nhiệt đới, trong đó, số cơn bão ảnh hưởng đến Việt Nam năm nay là 5 đến 6 cơn.
Trong năm 2017 này, số cơn bão ảnh hưởng đến Việt Nam sẽ ít hơn một chút, khoảng 4 đến 5 cơn bão. Tuy nhiên, trên thực tế, với những dự báo này chúng tôi luôn nói là có tính chất tham khảo để lập kế hoạch phòng tránh.
Điều quan trọng nhất là tùy từng cơn bão hay đợt mưa, chúng tôi tiến hành theo dõi chặt chẽ và cập nhật thường xuyên để cung cấp đến người dân theo từng giờ, 3 giờ đồng hồ… Nếu có diễn biến mới nhất cũng được chúng tôi cập nhật liên tục.
Ngoài ra, mưa giông, sấm sét thường xảy ra vào các tháng nhất định, chủ yếu vào tháng 5, 6, 7. Nó nằm trong các quy luật thông thường theo tự nhiên.
Ảnh gốc minh họa: Contents.es.
Năm 2017 có khả năng xuất hiện siêu bão không, thưa ông?
Quay về thời điểm vài năm trước, vào năm 2013, xuất hiện siêu bão Haiyan, gây thảm họa kinh hoàng cho Philippines, sau đó tiến vào Biển Đông.
Một năm sau, vào thàng 7/2014, cũng có một siêu bão đổ bộ vào Quảng Đông, Quảng Tây Trung Quốc, rất may nó không gây ảnh hưởng nhiều đến Việt Nam.
Sau 2 năm có siêu bão liên tục, thì năm 2015 và 2016 siêu bão lại không xuất hiện, chính vì thế, không loại trừ khả năng siêu bão xuất hiện trong năm nay hoặc các năm tiếp theo.
Theo thông tin chúng tôi được biết, các phương án phòng chống siêu bão đã được Chính phủ ban hành đầy đủ từng tỉnh thành một trong cả nước nhằm đối phó với bão, lũ bất cứ lúc nào.
Hình ảnh siêu bão Haiyan (2013) với tâm bão có sức gió lên tới hơn 370km/h. Ảnh: Reuters.
- Mỗi năm, nắng nóng và sốc nhiệt khiến hàng nghìn người dân ở Ấn Độ và Pakistan thiệt mạng. Riêng năm 2015, nắng nóng đã khiến 1.200 người Pakistan thiệt mạng, trong khi đó ở Ấn Độ là 2.500 người.
Ông có lo ngại, trong tương lai có thể Việt Nam sẽ phải đối mặt với nguy cơ này hay không? Nếu có thì vì sao, và không thì vì sao?
Ông Lê Thanh Hải: Như chúng ta đã biết, sóng nhiệt di chuyển thường xuất hiện ở Bắc bắc bán cầu, và di chuyên từ Tây Á sang Pakistan, Ấn độ. Những nước như Pakistan, Ấn Độ chính vì thế phải hứng chịu những đợt nắng nóng và sóng nhiệt đáng sợ. Thậm chí, cách đây vài năm tại Moscow (Nga) có nắng nóng gây cháy rừng diện rộng.
Số người chết tại hai nước Ấn Độ và Pakistan nhiều là do chế độ khí hậu đặc thù của mỗi quốc gia. Ở các nước này có nhiều sa mạc, khu dân cư ít cây xanh. Ngoài ra, số người nghèo, vô gia cư cũng nhiều hơn.
Hầu hết những người thiệt mạng đều là người nghèo, vô gia cư. Họ không có đủ điều kiện nhà ở, nước sinh hoạt để chống chọi với những đợt nắng nóng gây chết người. Đó chính là lý do số người chết vì chịu ảnh hưởng trực tiếp từ nắng nóng, sóng nhiệt tại Ấn Độ và Pakistan chiếm số lượng nhiều đến vậy.
Ngược lại ở Việt Nam, mặc dù có nắng nóng xuất hiện nhưng với các điều kiện nước và nơi tránh nắng đầy đủ, nguy cơ này chắc chắn là không có.
- Nắng nóng hay mưa bão luôn ảnh hưởng trực tiếp và tức thì đến đời sống người dân, có thể thấy như trong đợt nắng vừa qua thì nhiều bờ biển người đông kẹt cứng; hoặc mưa một trận biến Hà Nội thành sông theo cách nói vui.
Vậy, xin hỏi ông Phó Tổng giám đốc Trung tâm KTTV QG một câu tư vấn riêng dành cho những người thích đi du lịch biển - nhất là khi từ nay đến hết tháng 8 đang là mùa cao điểm: Đi du lịch biển cần chú ý điều gì để đảm bảo an toàn cho bản thân và người thân – nhất là trẻ nhỏ, từ việc đi lại, ăn uống, đến tắm biển?
Tương tự như vậy, trong khoảng thời tiết mùa mưa bão thường xảy ra từ tháng tháng 6 đến tháng 8, người dân cần chú ý điều gì để đảm bảo an toàn cho bản thân và gia đình?
Ông Lê Thanh Hải: Tháng 6 đến tháng 8 là mùa du lịch nhộn nhịp nhất trong năm. Để đáp ưng nhu cầu thông tin thời tiết đến người dân, chúng tôi có những dự báo thời tiết hàng ngày, 3 ngày, hàng tuần, 10 ngày và hàng tháng đều được cập nhật liên tục trên website của Trung tâm.
Nếu bạn và gia đình có kế hoạch đi du lịch thì nên tham khảo các bản tin thời tiết ngắn ngày và dài ngày để có kế hoạch vui chơi an toàn, hiệu quả.
Thông thường, tháng 6 có một cơn bão ảnh hưởng đến Việt Nam, tháng 7 có 2 cơn bão xuất hiện hầu hết ở Bắc Bộ, còn tháng 8 có khoảng 1, 2 cơn bão ảnh hưởng đến Bắc Bộ và Thanh Hóa, Nghệ An. Còn lại, các tháng 9, 10, 11 ảnh hưởng chủ yếu tại các khu vực miền Nam.
Đặc biệt, tháng 8 là tháng xuất hiện bão gây ảnh hưởng đến Việt Nam nhiều nhất. Do đó, tháng 6 và tháng 7 phù hợp nhất cho việc du lịch của gia đình.
Tuy nhiên, nếu xuất hiện bão bất ngờ ở nơi du lịch, bạn và người thân nên nhanh chóng tìm nơi tránh trú an toàn.
Ví dụ, nếu xuất hiện bão trên Biển Đông, việc cập nhật thông tin bão đổ bộ vào khu vực nào thì bạn nên tránh du lịch khu vực đó. Chưa kể những cơn bão trái với quy luật, thì cần theo dõi chặt chẽ.
- Xin hỏi ông một câu hỏi vui như thế này, thời tiết ngày càng khó đoán, khó lường như vậy có "làm khó" cho công tác dự đoán của Trung tâm không, thưa ông?
Ông Lê Thanh Hải: Trung tâm chúng tôi thực hiện những công tác dự báo chặt chẽ theo Luật Khí tượng thủy văn do nhà nước quy định. Việc cập nhật thường xuyên các thông tin thời tiết, dự báo bão, nắng nóng hay các hiện tượng cực đoan khác luôn được Trung tâm chú trọng.
Chính vì thế, chúng tôi cho rằng việc thời tiết khó đoán, khó lường không "làm khó" nhưng mà làm vất vả hơn cho công tác dự đoán của Trung tâm.
Điều mà chúng tôi lo lắng là thấy "ngại" cho những hiện tượng cực đoan, đang gây ảnh hưởng lớn đến đời sống xã hội.
Chúng tôi hy vọng các phương tiện truyền thông, đặc biệt là báo mạng, đồng hành cùng chúng tôi trong việc phổ biến thông tin dự báo thời tiết đến người dân nhanh chóng và kịp thời nhất.
Xin trân trọng cảm ơn ông!