Sáng 13/7, kỳ họp thứ 15 HĐND TPHCM khóa IX đã diễn ra phiên chất vấn và trả lời chất vấn.
Người đăng đàn đầu tiên là Giám đốc Sở Xây dựng Lê Hòa Bình.
Tại phiên chất vấn, nhiều đại biểu bức xúc cho biết hiện nay, TPHCM khuyến khích nông dân thực hiện nông nghiệp công nghệ cao (nông nghiệp 4.0) và nông dân phải xây dựng nhiều công trình hỗ trợ.
Tuy nhiên, việc xem xét, cho xây dựng công trình phục vụ thì người dân gặp nhiều khó khăn vì các quận huyện lo ngại người dân chuyển sang mục đích khác như làm nhà trọ, nhà kho.
Đại biểu Trần Thanh Trí chất vấn: khi xin phép xây dựng, trên bản vẽ thể hiện cửa bên phải, nhưng xây thấy đưa qua trái mới phù hợp thì lại không làm được. Xin xây cao 10 m, làm 7-8 m thì hết tiền không làm được nữa và dù xây đúng diện tích thì không hoàn công được.
Đại biểu Trần Thanh Trí
“Xin phép thế nào thì hoàn công đúng như thế. Có cứng nhắc quá không và giám đốc sở có giải pháp gì để gỡ khó cho dân”, ông Trí chất vấn?
Theo Giám đốc Sở XD Lê Hòa Bình, những vấn đề đại biểu lo lắng, Sở XD cũng …lo bởi công trình phục vụ nông nghiệp biến thành nhà ở thì sau này công tác quản lý gặp rất nhiều khó khăn.
Đối với cấp phép nhà ở riêng lẻ, người dân chỉ tuân thủ các chỉ tiêu quy hoạch, được phép điều chỉ thay đổi thiết kế bên trong, Tuy nhiên, ông Bình thừa nhận quá trình theo dõi, cấp phép hoàn công còn “trục trặc” do thiếu sự liên thông giữa các cơ quan chức năng .
Lãnh đạo Sở XD thẳng thắn chỉ ra vấn đề trên dễ phát sinh vấn nạn xây dựng sai phép như xin phép xây một căn nhà nhưng thực tế xây nhiều căn và việc quản lý, khắc phục sau này sẽ gặp rất nhiều khó khăn.
Đại biểu Lê Hòa Bình, Giám đốc Sở Xây dựng
Đại biểu Thi Thị Tuyết Nhung, Trưởng Ban Văn hóa xã hội chất vấn: Vì sao các quận huyện vùng ven xây dựng không phép, sai phép tăng?
Tham gia đăng đàn trả lời chất vấn, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan đặt vấn đề: Nhận diện thế nào về xây dựng sai phép, trái phép?
Ông Hoan tự trả lời: Báo cáo nói rất rõ. Có trách nhiệm cơ quan quản lý nhà nước, người dân. Thực tế, đại bộ phận người dân chấp hành tốt. Chỉ có 2 nhóm cố tình vi phạm. Một là không có giấy tờ, không thể ra xin phép. Thứ hai là không có dự án nên không làm quy trình như dự án. Có thể gọi đó là môi giới, cò đất.
Ông Võ Văn Hoan cho hay nhiều tổ chức cá nhân không có chức năng kinh doanh nhà đất cũng tìm mua những miếng đất rẻ trong các khu quy hoạch và làm một số khâu không đòi hỏi xin phép. Trong khi đó công tác kiểm tra xử lý chưa được làm đến nơi đến chốn và có tình trạng nhiều nơi chỉ quan tâm kiểm tra những công trình do mình cấp phép, còn nơi khác cấp thì … mặc kệ.
“Nhiều khi phát hiện công trình xây dựng trái phép, không phép rồi nhưng phối hợp xử lý chưa tốt, mà xử lý chậm 1 ngày thôi đã có sự thay đổi”, ông Hoan bức xúc.
Phó Chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan
Đề cập đến các đối tượng đầu nậu, cò đất, ông Võ Văn Hoan bức xúc: Người nghèo mua nhà xây trái phép để ở và có nguy cơ bị cưỡng chế chỉ là nạn nhân. Chính những đối tượng cò mồi, đầu nậu vi phạm pháp luật nhưng lại chưa bị nêu đích danh.
“Xây trái phép ào ào, phân lô, quảng cáo ầm ầm, thậm chí lôi kéo người chống lại cơ quan chức năng khi bị kiểm tra, xử lý. Những đầu nậu đó phải xử lý nghiêm minh thì mới mong giải quyết được. Chính quyền phường xã có biết các đầu nậu không? Tôi xin lỗi. Các đồng chí biết hết nhưng vì lý do gì đó mà xử lý không kiên quyết, không nghiêm… TPHCM sẳn sàng xử lý hình sự các đầu nậu vi phạm pháp luật nếu đủ căn cứ”, ông Hoan nói thẳng.
Về xây dựng các công trình phục vụ sản xuất trên đất nông nghiệp, Phó Chủ tịch Võ Văn Hoan nói thẳng: Chúng ta quá lo lắng sợ bà con làm “biến tướng”. Lo là đúng nhưng không được hạn chế quyền chính đáng của người dân. Phải thể chế hóa các quy định, nghị định và quản lý chặt chẽ các công trình phục vụ nông nghiệp như đề nghị bà con ký cam kết khi làm thủ tục xin cấp phép.
Cưỡng chế tháo dỡ những căn nhà do đầu nậu xây dựng trái phép ở huyện Bình Chánh
Nguyên Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Quyết Tâm bức xúc: Vì sao dân xây trái phép nhiều đến thế ở các vùng giám ranh? Tôi xin nói thêm là vì người nghèo, người dân nhập cư về TPHCM không có điều kiện mua nhà ở hợp pháp nên phải mua những căn nhà xây trái phép trên đất phân lô bán nền.
“Tôi đồng ý xử lý nghiêm cò đất, đầu cơ trục lợi, còn đối với dân nghèo thì như thế nào? Xây không phép, không đúng quy hoạch, buộc tháo dỡ là đúng rồi nhưng vấn đề là chính quyền xã phường biết xây không phép, tại sao không ngăn chặn từ đầu. Trách nhiệm của cán bộ ở đâu?
Dân nghèo ki cóp cả đời mới mua nổi cái nhà nhỏ, bây giờ bắt tháo dỡ thì người dân sẽ ra sao? Việc xử lý cán bộ không nghiêm đã dẫn đến hậu quả mà người dân phải gánh chịu”, bà Tâm lưu ý