Phó chủ tịch Quân ủy TQ ra lệnh "sẵn sàng chiến đấu" ở biển Đông

Thủy Thu |

Bất chấp kết quả phán quyết PCA và thái độ từ xã hội quốc tế, Trung Quốc mới đây đã cử 3 tướng lĩnh cấp cao xuống phía Nam để trực tiếp chỉ thị về vấn đề biển Đông.

Ngày 17/7, các phương tiện truyền thông Trung Quốc đồng loạt đưa tin Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương Trung Quốc, Thượng tướng Phạm Trường Long bắt đầu chuyến đi thị sát Chiến khu phía Nam.

Đặc biệt, cùng tham gia chuyến thị sát này còn có Ủy viên Quân ủy Trung ương, Tư lệnh Không quân, Thượng tướng Mã Hiểu Thiên và Ủy viên Quân ủy Trung ương, Tư lệnh Pháo binh,Thượng tướng Ngụy Phụng Hòa.

Theo Tân Hoa Xã ngày 21/7, tướng Phạm ra lệnh chiến khu phía Nam "đẩy mạnh công tác chuẩn bị đấu tranh quân sự, tập trung tăng cường huấn luyện quân sự thực chiến hóa", nhằm "phát huy sức mạnh tinh nhuệ để phục vụ trong thời khắc quan trọng".

Chuyên gia quân sự Trung Quốc Dương Hy Vũ trả lời phỏng vấn đài CCTV của nước này chỉ ra, đây là lần đầu tiên kể từ khi "nước Trung Quốc mới" thành lập (1949), các lãnh đạo cấp cao quân đội mới ra chỉ thị "sẵn sàng chiến đấu" ở mức độ cụ thể như vậy đối với hướng biển Đông.

Ông Dương lý giải, động thái này đến giờ mới xuất hiện bởi từ trước đến nay ở biển Đông, Trung Quốc "chưa từng phải đối mặt với cục diện như hiện tại".

Phó chủ tịch Quân ủy TQ ra lệnh sẵn sàng chiến đấu ở biển Đông - Ảnh 1.

Tên lửa Dongfeng-16 được Trung Quốc cho là có khả năng đánh bại hệ thống phòng không Patriot của Mỹ - Nhật. (Ảnh: Sina)

Bên cạnh đó, Phạm Trường Long nhắc nhở quân đội tuân theo sự chỉ huy của đảng Cộng sản Trung Quốc, Quân ủy Trung ương và Chủ tịch Tập Cận Bình để bảo vệ cái mà Bắc Kinh tuyên bố là "chủ quyền, an ninh và lợi ích phát triển của quốc gia".

Trong quá trình thị sát, nhân vật số 2 của quân đội Trung Quốc (PLA) cũng nhấn mạnh yêu cầu chiến lược "có thể đánh trận, đánh trận tất thắng" mà ông Tập nêu ra hồi tháng 2.

Theo giới phân tích, chiến khu phía Nam có nhiệm vụ quan trọng là bảo vệ "quyền và lợi ích của Trung Quốc ở biển Đông", cho nên có tới 5 thượng tướng của PLA đã được bổ nhiệm công tác tại đây.

Ngoài ra, báo chí Trung Quốc tiết lộ, một số khí tài quân sự hiện đại như máy bay ném bom H-K6, máy bay vận tải Y-8, tên lửa Dongfeng-16, tên lửa hành trình chống hạm YJ-83 hay tiêm kích ném bom JH-7 cũng xuất hiện tại khu vực này.

Do đó có thể nói, sau thời điểm công bố phán quyết về vụ kiện biển Đông của Tòa trọng tài thường trực (PCA) mà Trung Quốc vẫn luôn phủ nhận thì việc 3 tướng cao cấp trong quân đội nước này cùng dàn vũ khí tối tân đổ bộ đến Chiến khu phía Nam là động thái hết sức đáng chú ý.

Theo Mingpao (Hồng Kông), trước đó, trong cuộc tiếp xúc với Cục trưởng Tác chiến hải quân Mỹ, Đô đốc John Richardson, Tư lệnh Hải quân Trung Quốc, Đô đốc Ngô Thắng Lợi ngụy biện, gọi quyền lợi ở biển Đông là "lợi ích cốt lõi" và ảnh hưởng đến "nền tảng quản lý đất nước" của ĐCSTQ.

Ngô trắng trợn nêu 5 "tuyệt đối không": Tuyệt đối không hi sinh (cái gọi là) quyền lợi chủ quyền biển Đông; tuyệt đối không sợ hãi trước bất cứ thách thức quân sự nào; tuyệt đối không để việc xây dựng, bồi đắp đảo đá (trái phép-PV) bỏ dở giữa chừng; tuyệt đối không lơ là cảnh giác phòng vệ; và tuyệt đối không từ bỏ nỗ lực giải quyết vấn đề biển Đông bằng phương thức "hòa bình".

Đồng thời, tướng "diều hâu" này cảnh cáo, nếu Mỹ nhúng tay thì [Trung Quốc] sẽ quân sự hóa biển Đông.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại