Mùa ổi và nỗi ám ảnh về căn nhà xưa cũ
Tôi sinh ra và lớn lên tại Hà Nội trong giai đoạn chuyển giao giữa thời bao cấp sang thời kỳ đổi mới. Ngôi nhà tuổi thơ của tôi nằm ở gần ga Hàng Cỏ. Cũng như nhiều ngôi nhà khác ở Hà Nội thời kỳ ấy, đó là nơi sinh sống của đại gia đình gần 20 người, với nhiều phòng thông nhau và dùng chung một nhà vệ sinh xí bệt.
Phía sau nhà là một khoảng sân mà ngay chính giữa là giếng nước, phía trên cầu thang của sân là một giàn nho trĩu quả nhưng lúc nào cũng chua loét. Mỗi gia đình khi ấy đều chỉ có không gian sinh hoạt trên dưới 10 mét vuông và hàng ngày, các nhà đều tấp nập, quây quần từ sáng sớm đến khuya.
Ký ức tuổi thơ của tôi là những tháng ngày rong chơi trong một ngôi nhà tưởng như rộng lớn nhưng lại rất chật hẹp với từng gia đình. Tôi và các anh chị em họ vẫn thường vua đùa ở khoảng sân chung, dưới giàn nho xanh.
Mỗi lần hái quả, chúng tôi đa phần chỉ cắn một miếng nếm thử xong nhắm mắt nhắm mũi vì quá chua. Phần còn lại được dùng để ném nhau. Thời gian cứ thế trôi đi với đầy ắp tiếng cười, những trò nghịch ngợm trẻ con, đối lập với những lo toan, thiếu thốn của người lớn thời kỳ ấy.
Đến năm tôi bốn tuổi, một ngày bố mẹ đưa đi chơi ở một ngôi nhà cách đó chừng hai cây số, là khoảng cách di chuyển khá xa so với ngày xưa. Tôi thích thú nghịch những món đồ chơi của người chủ nhà để rồi trước khi ra về, bố mẹ thì thầm bên tai: "Thích ở đây không con? Cả nhà mình chuyển về đây luôn nhé!".
Một đứa trẻ con sẽ chẳng bận tâm gì những lời nói đùa như thật, thật như đùa của người lớn. Chỉ vài tháng sau, tôi rời ngôi nhà tuổi thơ một cách đột ngột. Dọn nhà, chuyển đồ là việc của người lớn.
Trẻ con khi ấy chỉ việc chơi đùa, chờ tới lúc gọi lên xe để đi. Tôi cứ mải mê chơi đùa ở khoảng sân dưới giàn nho mà không biết rằng đó là những tháng ngày cuối cùng ở nhà cũ.
Ngày chuyển đi, tôi cứ ngỡ chỉ là được đi chơi như bao lần khác. Nhưng tối rồi, đến giờ ăn cơm rồi, sao bác chủ nhà vẫn chưa về để mình còn được về nhà?! Khi biết mình sẽ không còn được trở về nhà cũ nữa, tôi đã khóc như mưa, hay đúng hơn là kiểu ăn vạ của một đứa trẻ con.
Khóc cho mệt thì lại lăn ra ngủ, đói thì nín để mà ăn, lúc nhớ ra thì lại khóc trong suốt ba ngày. Ngôi nhà mới tổng thể chật hơn nhà cũ nhưng lại rất rộng lớn với một gia đình ba người và tương đối khép kín so với hàng xóm.
Ở đó chẳng có khoảng sân với giàn nho mà chỉ có những căn phòng nắng – mưa chẳng tới đầu. Trẻ con quên khá nhanh và cũng dễ thích nghi với điều kiện sống mới.
Chỉ sau một tuần, tôi bắt đầu quen với ngôi nhà mới. Ký ức về ngôi nhà cũ được tôi tạm "khóa lại" để đón nhận những món đồ chơi mới, những người bạn mới trong cùng khu phố.
Những năm đầu thập niên 2000, tôi trở thành học sinh trung học, bắt đầu ở lứa tuổi teen dở dở ương ương.
Một ngày, tôi tình cờ xem một bộ phim Việt Nam, trong đó câu chuyện kể về một người đàn ông trung niên có trí tuệ chậm phát triển thường hay say mê, thích thú tìm về căn nhà cũ, nhìn qua lỗ hổng và lặng thinh trước cây ổi gắn với tuổi thơ của ông.
Đó là lần đầu tiên tôi được xem bộ phim "Mùa ổi" của đạo diễn Đặng Nhật Minh, với hai diễn viên chính là Bùi Bài Bình và Lan Hương.
Ban đầu, thấy là phim Việt Nam, tôi còn khinh khỉnh không quan tâm nhưng càng xem, tôi càng bị hút vào và khi kết thúc phim, tôi cảm thấy bị ám ảnh thực sự.
Mùa ổi khiến tôi bỗng dưng nhớ về ngôi nhà tuổi thơ, nhớ về giàn nho xanh lét năm xưa. Ngôi nhà của tôi khi đó cũng đã được người chủ mua lại cho công ty này, công ty kia thuê để kinh doanh.
Tôi tự hỏi không biết bên trong, khoảng sân ngày trước có còn không hay người ta đã lấp đi để xây một không gian khép kín. Không biết cái nhà tắm xí bệt dùng chung từng là nỗi sợ hãi một thời với biết bao câu chuyện ma có còn không? Giàn nho trên sân người ta đã phá đi hay vẫn còn để lại?
Thời ấy xem xong phim, tôi chỉ nhớ về ngôi nhà tuổi thơ chứ chẳng nhớ được tên phim là "Mùa ổi", cũng chẳng quan tâm tới việc ai là người làm ra bộ phim ấy.
Năm 22 tuổi, ở cái tuổi bản lề của cuộc đời, mới tốt nghiệp đại học và còn đang mất phương hướng, chưa biết tương lai mình sẽ ra sao.
Trong giai đoạn tuổi trẻ bồng bột muốn rời khỏi nhà nhất để bay tới những phương trời mới, tôi đã có dịp xem lại Mùa ổi trong một lớp học do chính tác giả của bộ phim – đạo diễn Đặng Nhật Minh – làm giảng viên.
Lúc này, tôi mới biết tên bộ phim Việt Nam từng khiến mình ám ảnh năm xưa và biết được câu chuyện được lấy nguyên mẫu thực ngoài đời.
Ngôn ngữ điện ảnh cổ điển nhưng không cũ kỹ
Đạo diễn Đặng Nhật Minh là một trong những tên tuổi đi vào lịch sử của điện ảnh Việt Nam. Những tác phẩm của ông, từ Thị xã trong tầm tay, Cô gái trên sông, Bao giờ cho đến tháng Mười đến Thương nhớ đồng quê… vẫn vẹn nguyên giá trị sau bao nhiêu năm.
Mùa ổi cũng là một tác phẩm như vậy. Mỗi một lần xem lại là lại thấy như có điều gì đó mới mẻ.
Lần thứ hai tôi xem bộ phim này là cách lần thứ nhất gần 10 năm, khi cuộc sống đã có quá nhiều sự thay đổi, Smartphone đã xuất hiện, mạng xã hội đã phổ biến.
Phim lúc ấy lại gợi nhớ đến một Hà Nội cổ kính nhưng cũng đầy biến động trong quá khứ.
Ở đó có một người đàn ông trung niên hiền lành đến mức không thể lành hơn, có người em gái thương anh trai đến thắt lòng khi chứng kiến bi kịch cuộc sống của anh mà chẳng thể thay đổi được gì, có cô gái trẻ tốt bụng với hình tượng khác xa với thanh niên thời bấy giờ.
Và một lần nữa, bộ phim lại gợi nhớ cho tôi về ngôi nhà ấu thơ, đặc biệt là khi nhân vật Hòa nói câu thoại: "Nhớ cái lần dọn đi, tưởng đi đâu một vài ngày. Thế rồi… không về nữa" khi kể về ngôi nhà cũ, có cây ổi gắn với tuổi thơ ông.
Cách kể của đạo diễn Đặng Nhật Minh trong Mùa ổi dung dị, gần gũi và đi vào lòng người bằng những chi tiết rất nhỏ, như khi ông Hòa trèo vào nhà cũ chỉ để leo cây hái ổi như việc mẹ ông thưở sinh thời vẫn hay dặn dò khi đến mùa.
Ai cũng có trong mình một chiếc "ngăn kéo" chứa đựng ký ức tuổi thơ và chờ đến lúc được "mở khóa".
Và "Mùa ổi", bằng thứ ngôn ngữ hình ảnh tinh tế, đã khẽ chạm chiếc chìa khóa vào ổ, để mở ra những kỷ niệm của quá khứ, về lúc mỗi người bắt đầu có những nhận thức về cuộc sống, về nơi gọi là "nhà" và những thứ diễn ra quanh nó.
Vai diễn để đời của "bà mẹ chồng" Lan Hương
Mùa ổi quy tụ dàn diễn viên thời kỳ "ngày hôm qua" của điện ảnh Việt Nam, như Chiều Xuân trong vai bà mẹ hiền hậu với chiếc bóng trên tường, Trần Lực, Thu An, Văn Hiệp và đặc biệt là bộ đôi Bùi Bài Bình – Lan Hương.
NSND Bùi Bài Bình đã mang tới cho nhân vật Hòa một vẻ hồn nhiên của một ông lão trung niên miễn nhiễm với những xô bồ trong một xã hội hiện đại, đến mức sự ngây thơ ấy, giá trị con người ấy xứng đáng được cất giữ trong một bảo tàng vì đã hình thành nên một tính cách quá đặc biệt.
NSND Bùi Bài Bình trong phim Mùa ổi.
NSND Lan Hương giờ đây được biết tới nhiều hơn trong vai diễn bà mẹ chồng quái thai của phim truyền hình Sống chung với mẹ chồng.
Tuy nhiên, tôi vẫn ấn tượng nhất vai diễn của cô trong Mùa ổi. Đó là hình ảnh một nhân vật nữ có thật điển hình trong xã hội cũ của Việt Nam. Một người giáo viên khắc khổ, "nặng nợ" với người anh trai có vấn đề về mặt tâm lý nhưng chỉ có thể ở bên cạnh chăm sóc, bất lực trước những nghiệt ngã của cuộc đời xảy đến với người thân.
Bản thân NSND Lan Hương cũng từng tâm sự cô đã "mất ăn mất ngủ" với vai diễn này đến mức không dám xem lại vì bị ám ảnh bởi thân phận và cuộc đời nhân vật.
Xem lại Mùa ổi mới thấy có một thời kỳ, điện ảnh Việt Nam "ế" ở rạp chiếu phim, con số hàng trăm tỷ đồng như hiện nay là giấc mơ quá sức xa xỉ.
Nhưng ở thời kỳ đó, có những người diễn viên đã thực sự sống trong vai diễn của mình. Trước khi bộ phim bấm máy một tháng, Bùi Bài Bình gác lại toàn bộ công việc chỉ để ngắm ông Hoán - anh vợ của đạo diễn Đặng Nhật Minh và cũng là nguyên mẫu của nhân vật Hòa.
Nam diễn viên quan sát từ xa trong suốt một tháng để có thể bắt được từng chi tiết nhỏ của nguyên mẫu trong đời thực. NSND Lan Hương thì đều chọn chỗ khuất trong mỗi buổi chiếu Mùa ổi để không ai nhìn thấy chị khóc.
Xem lại những phim cũ để thấy sự thay đổi của thời gian và chính mình
Đôi khi ở những thời điểm nhất định trong cuộc đời, hãy xem lại những bộ phim cũ để thấy mình đã thay đổi thế nào.
Cảm xúc lúc xem phim là thứ không thể trùng lặp và những thước phim cũ sẽ khiến bạn thấy thời gian đã trôi qua thật nhanh.
Càng thêm tuổi, chúng ta sẽ càng dễ chấp nhận những cái cũ, những cái dường như ghét bỏ từ rất lâu nhưng đến một lúc nào đó nhận ra là mình đã thay đổi.
Gần 10 năm sau, tôi tiếp tục xem lại Mùa ổi thêm lần nữa, nhân một ngày đi ngang qua ngôi nhà tuổi thơ trong một buổi chiều giao mùa lãng đãng. Ngôi nhà năm xưa của tôi đã thay đổi theo thời gian, qua bao nhiêu chủ kinh doanh, từ nhà hàng, ngân hàng tới giáo dục…
Nhưng mỗi lần đi qua đó, tôi đều cảm thấy một cảm giác thật thân quen. Giàn nho chắc chắc chẳng còn nữa. Mọi thứ đều phải thay đổi theo quy luật của thời gian và ngay cả con người cũng vậy.
Năm nay tôi đã hơn 30 tuổi và khi xem lại Mùa ổi, tôi lại cảm nhận được thêm những thứ mới mẻ. Hà Nội trong phim đã quá xa so với Hà Nội của hiện tại.
Phân cảnh tiệc sinh nhật của thanh niên thời trước trong phim Mùa ổi.
Chạn bếp, tiền giấy cũ kỹ, tiệc sinh nhật của thanh niên ngày xưa đến nhà nhau mở nhạc Disco lên "quẩy" hay cả hình ảnh gánh hàng rong giờ xem lại thấy lạ lẫm biết bao. Cả những chiếc xe Cub, xe Dream lượn trên đường phố trong phim trông cũng thật hoài cổ.
Có những bộ phim, dù cũ, mỗi lần xem lại là một cảm xúc khác biệt. Nhiều phim tôi xem khi còn bé thì chẳng hiểu gì nhưng lúc bằng tuổi nhân vật, xem lại thì thấy "thấm".
Mùa ổi gợi nhớ về một thời kỳ điện ảnh Việt Nam "không có khách" nhưng lại tạo nên những tác phẩm đọng lại trong người xem những suy nghĩ, những dư âm mãnh liệt đến tận vài thập kỷ sau.
Với riêng tôi, Mùa ổi sẽ mãi là một bộ phim đặc biệt và tôi sẽ còn xem lại nó những năm về sau nữa để cảm nhận sự khác biệt trong cảm xúc của chính mình. Năm 22 tuổi khi xem lần hai tác phẩm này, tôi đã muốn trở lại căn nhà tuổi thơ và phải vào bên trong để thấy lúc bấy giờ nó thế nào.
Nhưng qua 30 tuổi, xem Mùa ổi lần thứ ba và đi ngang ngôi nhà năm xưa, tôi lại chỉ muốn đứng ngoài, đơn giản là để cảm nhận "thần thái" của những thứ gọi là "quá khứ" mà thôi.
Một bộ phim cũ sẽ trở nên giá trị khi nó gợi nhớ được những ký ức nhưng vẫn cho thấy sự thay đổi của thời gian.