Philippines nhắm ‘quái vật bầu trời’ Chinook của Mỹ sau khi hủy mua trực thăng Nga

Thu Hằng |

Các quan chức Philippines đang xem xét đề nghị của Mỹ về cung cấp máy bay trực thăng hạng nặng như Chinook sau khi Manila hủy bỏ thỏa thuận mua trực thăng quân sự từ Nga.

Các binh sĩ Mỹ giữ hàng hóa trong một cuộc huấn luyện tải hàng lên trực thăng Chinook. Ảnh: US Army

Các binh sĩ Mỹ giữ hàng hóa trong một cuộc huấn luyện tải hàng lên trực thăng Chinook. Ảnh: US Army

Đại sứ Philippines tại Washington D.C (Mỹ), Jose Romualdez ngày 15/8 (theo giờ địa phương) cho biết Philippines đang xem xét đề nghị của Mỹ về việc cung cấp trực thăng quân sự hạng nặng như Chinook sau khi Manila hủy bỏ thỏa thuận mua 16 chiếc trực thăng Mi-17 của Nga.

Trước khi kết thúc nhiệm kỳ vào ngày 30/6, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Philipines, Delphine Lorenzana tiết lộ ông đã hủy bỏ thỏa thuận trị giá 322,3 triệu USD với Nga. Quyết định này được phê duyệt bởi Tổng thống khi đó là Rodrigo Duterte, cũng là người đã thông qua hợp đồng mua máy bay trực thăng Nga vào tháng 11/2021.

Theo giải thích của Đại sứ Romualdez, lý do ông Duterte thông qua việc hủy bỏ thỏa thuận mua lô trực thăng Mi-17 của Nga là do lo ngại về các lệnh trừng phạt của phương Tây có thể cản trở viêc chuyển tiền qua ngân hàng đối với nguồn thu nhập mà người lao động Philippines ở Mỹ và các nước phương Tây khác gửi về cho người thân.

Philippines nhắm ‘quái vật bầu trời’ Chinook của Mỹ sau khi hủy mua trực thăng Nga - Ảnh 1.

Boeing CH-47 Chinook được xem là máy bay vận tải chuyển quân, vũ khí và hậu cần chủ lực của quân đội Mỹ.

Đại sứ Romualdez khẳng định Washington không gây áp lực nào buộc Philippines phải từ bỏ thỏa thuận trị giá 12,7 tỉ peso với Nga. Nhưng sau khi Nga mở chiến dịch quân sự tại Ukraine vào tháng 2, các quốc gia mua thiết bị của Nga có thể đối mặt với các lệnh trừng phạt của phương Tây.

“Tôi nghĩ rằng việc chấp thuận hủy bỏ hợp đồng đó là điều thực sự thận trọng vì nó có thể giúp chúng tôi đỡ khó khăn hơn rất nhiều”, ông Romualdez phát biểu trong một cuộc họp báo trực tuyến do các phóng viên nước ngoài hoạt động tại Manila tổ chức.

Theo vị Đại sứ, lời đề nghị của Mỹ về việc bán trực thăng CH-47 Chinook, mệnh danh là “quái vật bầu trời”, do Boeing sản xuất, đã được thảo luận lần đầu vào năm ngoái tại Washington, ngay cả trước khi cựu Tổng thống Duterte quyết định hủy bỏ thỏa thuận với Moskva theo đề nghị của các thành viên nội các.

Một trong những thành viên nội các của ông Duterte, Bộ trưởng Tài chính Sonny Dominguez, khi đó cảnh báo Tổng thống rằng các nước phương Tây có thể ngừng các hỗ trợ giúp Philippines đối phó và phục hồi sau đại dịch COVID-19. Thông tin này được hai quan chức Philippines đề nghị giấu tên cung cấp cho hãng tin AP.

Bộ trưởng Quốc phòng Philippines, Lorenzana lần đầu tiên xác nhận việc hủy bỏ hợp đồng mua máy bay trực thăng của Nga trong một cuộc trả lời phỏng vấn của AP vào tháng trước.

Sau khi giữ vị trí Bộ trưởng Quốc phòng trong chính quyền cựu Tổng thống Duterte, ông Lorenzana được tân Tổng thống Marcos Jr. bổ nhiệm đứng đầu cơ quan chính phủ phụ trách chuyển đổi các căn cứ quân sự cũ thành các trung tâm kinh doanh.

Đại sứ Romualdez cho biết chính phủ của cựu Tổng thống Duterte đã chuyển giao cho phía Nga một khoản thanh toán trước vào khoảng 38 triệu USD để đảm bảo hợp đồng, và ông đề xuất Tổng thống Marcos Jr. và giới chức thử đề nghị phía Nga cung cấp các vũ khí, thiết bị khác bù cho khoản thanh toán đó.

“Chắc chắn chúng tôi sẽ không chỉ nói tạm biệt khoản tiền đó. Như chúng ta lo ngại, đó là một số tiền lớn”, Đại sứ Romualdez nói về số tiền đã thanh toán trước cho hợp đồng Mi-17.

Philippines nhắm ‘quái vật bầu trời’ Chinook của Mỹ sau khi hủy mua trực thăng Nga - Ảnh 2.

Khả năng vận tải của CH-47 Chinook phụ thuộc vào các phiên bản khác nhau, cũng như các yếu tố nhiên liệu, phương pháp treo và điều kiện áp suất. Ảnh: Getty Images

Một quan chức quân đội Philippines cho biết, hợp đồng mua trực thăng Nga sẽ phải trải qua một “thủ tục chấm dứt”. Theo quan chức này, phía Nga có thể phản đối quyết định của Manila nhưng có rất ít khả năng chính phủ Philippines sẽ xem xét lại.

Theo thỏa thuận mua máy bay trực thăng được ký vào tháng 11/2021, lô máy bay trực thăng đa năng đầu tiên sẽ được tập đoàn Sovtechnoexport của Nga giao hàng trong khoảng hai năm.

Các quan chức Philippines cho biết trực thăng Mi-17 do Nga sản xuất có thể được sử dụng cho các hoạt động chiến đấu, tìm kiếm cứu nạn và sơ tán y tế ở đảo quốc gồm hàng nghìn đảo nhỏ, thường bị ảnh hưởng bởi bão và các thảm họa thiên nhiên này.

Vào tháng 3 năm nay, Philippines đã bỏ phiếu "đồng ý" đối với một nghị quyết của Đại hội đồng Liên hợp quốc yêu cầu ngừng ngay lập tức chiến dịch quân sự của Moskva tại Ukraine và rút toàn bộ quân đội Nga.

Cựu Tổng thống Duterte khi đó bày tỏ lo ngại về tác động toàn cầu của chiến dịch mà Moskva phát động nhưng không lên án cá nhân. Khi còn đương nhiệm, ông đã xây dựng mối quan hệ khá thân thiết với Tổng thống Nga Vladimir Putin, người mà ông từng gọi là “thần tượng” của mình trong khi thường xuyên chỉ trích các chính sách an ninh của Mỹ.

Philippines là đồng minh đã ký kết hiệp ước với M – quốc gia đã áp đặt các biện pháp trừng phạt nặng nề đối với Nga nhằm gây sức ép dừng chiến dịch quân sự tại Ukraine.

Do những khó khăn về tài chính, Philippines đã chật vật nhiều năm nay với nỗ lực hiện đại hóa quân đội. Nước này đang cần tăng cường phi đội trực thăng vận tải để phục vụ cho các hoạt động quân sự, tìm kiếm cứu nạn, cứu trợ do địa hình đất nước gồm nhiều đảo và thường xuyên hứng chịu bão.

CH-47 Chinook là máy bay trực thăng vận tải hạng nặng đa năng 2 động cơ cánh quạt do Boeing Integrated Defense Systems thiết kế và chế tạo dùng để chuyển quân,vũ khí hạng nặng hỗ trợ đường không cho chiến trường. Với trọng tải 22.680 kg, chiều dài 15,5 m, sải cánh 18,3 m và vận tốc tối đa lên tới 315 km/h, CH-47 Chinook hiện là trực thăng quân sự nhanh nhất thế giới.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại