Trực thăng tấn công T129 ATAK. Nguồn: Sina.
Theo Middleeasteye ngày 20/5, Mỹ đã “bật đèn xanh” cho Thổ Nhĩ Kỳ bán trực thăng tấn công T129 ATAK cho Philippines. Theo các báo cáo trước đó, sau khi mua hệ thống tên lửa phòng không S-400 từ Nga, việc bán trực thăng tấn công T129 cho nước ngoài của Thổ Nhĩ Kỳ đã bị Mỹ ngăn chặn.
Trực thăng tấn công T129 do Thổ Nhĩ Kỳ phát triển sử dụng động cơ trục cánh quạt LHTEC T800-4A do liên doanh giữa Rolls-Royce của Anh và Honeywell của Mỹ sản xuất, nên việc xuất khẩu trực thăng tấn công này cần phải nhận được sự đồng ý của Mỹ.
Tờ Daily Sabah của Thổ Nhĩ Kỳ dẫn lời Serdar Demir, chủ tịch truyền thông của công ty sản xuất T129 Turkish Aerospace Industries, được gọi là TAI, cho biết, Washington đã cấp giấy tờ cần thiết cho việc bán 6 chiếc trực thăng tấn công T129 ATAK.
Có thông tin cho rằng Thổ Nhĩ Kỳ đã tiếp thị trực thăng tấn công T129 cho Philippines vào năm 2018. Bộ trưởng Quốc phòng Philippines khi đó là Delfin Lorenzana đã thông báo mua 6 máy bay và ký biên bản ghi nhớ, nhưng do những hạn chế về giấy phép xuất khẩu của Mỹ nên thương vụ này cho đến nay vẫn chưa đạt được.
Điều đáng chú ý là Thổ Nhĩ Kỳ vẫn đang chờ đợi sự chấp thuận của Mỹ để bán trực thăng vũ trang cùng loại cho Pakistan. Thổ Nhĩ Kỳ đã ký hợp đồng trị giá 3 tỉ USD với Pakistan để bán 30 trực thăng tấn công T129. Cho đến nay, TAI đã chuyển giao hơn 60 máy bay cho trụ sở của Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ và Lực lượng hiến binh.
Theo các chuyên gia quân sự, mặc dù Bộ Ngoại giao Mỹ đã cho phép cung cấp 6 máy bay trực thăng T129 ATAK cho Philippines, nhưng hợp đồng với Pakistan khó có thể được thực hiện vì nó phải được Quốc hội Mỹ thông qua.
T129 do TAI và AgustaWestland phát triển dựa trên trực thăng vũ trang AW129 Mangusta của Ý được phát triển vào những năm 1980. T129 ATAK được trang bị 2 động cơ LHTEC CTS800-4A, có tốc độ tối đa 270 km/h, bán kính phạm vi chiến đấu là 561 km. Độ cao hoạt động tối đa là 6 km.
T129 sử dụng hệ thống điện tử và vũ khí do Thổ Nhĩ Kỳ phát triển, đồng thời đã sửa đổi khung máy bay và nâng cấp động cơ. Đầu mũi máy bay được trang bị một ụ pháo nòng xoay 3 nòng cỡ 20 mm với 500 viên đạn. Cùng với đó, trực thăng cũng được trang bị các pháo hỏa tiễn, có thể sử dụng tên lửa dẫn đường bằng laser, tên lửa chống tăng tầm xa và tên lửa không đối không để đáp ứng yêu cầu của nhiều nhiệm vụ chiến đấu.
Cách bố trí hỏa lực trên T-129 khá giống với các mẫu trực thăng tấn công AH-64 Apache (Mỹ) hay Mi-24, Mi-28 (Nga). Ngoài ra, buồng lái của T-129 được thiết kế với 2 chỗ ngồi (phi công và sĩ quan điều khiển vũ khí - hoa tiêu).
Trực thăng T-129 có chiều dài 12,2 m; chiều cao 11,9 m; trọng lượng cất cánh tối đa của T-129 là 5.000 kg; tải trọng vũ khí: 1.150 kg; vận tốc cực đại của trực thăng T-129 là 278 km/h; vận tốc hành trình: 269 km/h; tầm bay 1.000 km và trần bay là 6.096 m.
Cuối năm 2019, Công ty TAI đã thử nghiệm phiên bản nâng cấp hiện đại T129 với bộ thu cảnh báo sớm bằng laser và hệ thống tác chiến điện tử. Thổ Nhĩ Kỳ hiện đang phát triển máy bay trực thăng tấn công hạng nặng ATAK-2 được nội địa hóa hoàn toàn, trọng lượng cất cánh sẽ gấp đôi T129 và dự kiến sẽ thực hiện chuyến bay đầu tiên vào năm 2024.
Do sử dụng động cơ công nghệ của Mỹ, nên Washington có quyền phủ quyết bất kỳ hoạt động xuất khẩu trực thăng T129 tiềm năng nào. Chính vì vậy, Thổ Nhĩ Kỳ đang phát triển động cơ trục turbo TEI TS1400 của riêng mình để khắc phục hạn chế này.