Diệt mọi mục tiêu trong vùng hỏa lực
Tổ hợp tên lửa phòng không Tor-M2KM mới nhất của Nga do Tập đoàn Almaz- Antey phát triển và kế thừa toàn bộ những ưu điểm của các phiên bản nền tảng Tor-M1, Tor-M2E trước đó - vốn đang bán rất chạy trên thị trường quốc tế.
Hiện đã có ít nhất 12 quốc gia đặt mua hoặc đang sử dụng các phiên bản tên lửa phòng không tầm gần tiên tiến nhất thế giới này.
Tor-M2KM chính thức được giới thiệu tới công chúng tại Triển lãm MAKS-2013 ở Moscow (Nga) và được đặt trên khung gầm xe tải việt dã TATA do Ấn Độ chế tạo. Ngay khi xuất hiện, tổ hợp tên lửa phòng không mới này đã thu hút được sự quan tâm đặc biệt của giới chuyên môn và đích ngắm chính là Bộ Quốc phòng Ấn Độ.
Tor-M2KM chính thức được giới thiệu tới công chúng tại Triển lãm MAKS-2013 ở Moscow. Ảnh: Vitaly Kuzmin.
So với phiên bản gần nhất là Tor-M2E, Tor-M2KM vượt trội hơn hẳn nhờ có vùng hỏa lực diệt mục tiêu lớn hơn đối phó hữu hiệu với các loại nhiễu tiêu cực và tích cực, cũng như khả năng tác chiến độc lập trong mọi điều kiện thời tiết.
Nhờ có thiết kế dạng module nên Tor-M2KM dễ dàng lắp lên nhiều loại khung gầm khác nhau tùy theo yêu cầu của khách hàng.
Tổ hợp này chuyên dùng cho nhiệm vụ bảo vệ các lực lượng chiến đấu và mục tiêu mặt đất trước các cuộc tiến công đường không bằng các loại vũ khí có điều khiển chính xác cùng các phương tiên mang phóng chúng như máy bay chiến đấu, trực thăng vũ trang, tên lửa hành trình và phương tiện bay không người lái của đối phương.
Chế tạo phiên bản đặc biệt cho Việt Nam?
Khoang điều khiển chiến đấu của tổ hợp tên lửa Tor-M2KM.
Một bất ngờ thú vị là trong lần tái xuất mới đây của Tor-M2KM ở Triển lãm Quốc phòng KADEX 2016 tại Kazakhstan, tổ hợp tên lửa phòng không hiện đại này lại sử dụng khung gầm xe tải việt dã 4 cầu chủ động Kamaz-63501.
Mặc dù Tor-M2KM có thể đặt lên nhiều loại khung gầm khác nhau từ xe thiết giáp bánh xích - bánh hơi tới xe tải việt dã TATA, nhưng đây là lần đầu tiên nó được gắn lên xe Kamaz. Chắc chắn Almaz- Antey chế tạo phiên bản mới này dành cho một khách hàng cụ thể nào đó.
Hiện nay chưa có thông tin cụ thể về quốc gia nào sẽ hoặc đang quan tâm tới việc đặt mua phiên bản Tor-M2KM hoàn toàn mới này. Phải chăng đó là Việt Nam?
Cách đây vài năm, truyền thông Nga đã đưa tin Việt Nam bày tỏ sự quan tâm đặc biệt tới các tổ hợp tên lửa phòng không thế hệ mới của Nga như Tor-M2E và Buk-M2E để thay thể các loại tên lửa cũ sắp hết niên hạn sử dụng. Tuy nhiên, sau đó các thông tin "nhạt dần" và hầu như không mấy ai nhắc đến nữa.
Sự kiện Tor-M2KM xuất hiện trọng bộ cánh mới trên xe KAMAZ lại khiến không ít bạn đọc quan tâm cho rằng có thể đích ngắm lần này chính là Việt Nam và để thuyết phục khách hàng tương đối "khó tính", phía Nga đã quyết định chế tạo một nguyên mẫu đầy đủ để thử nghiệm và chào hàng.
Trong bối cảnh khung gầm xe tải quân sự việt dã KAMAZ đang ngày càng được Quân đội Việt Nam ưa chuộng dùng cho các tổ hợp pháo phòng không, radar cảnh giới nhìn vòng và radar bắt thấp chế tạo trong nước thì phiên bản Tor-M2KM kể trên cũng rất có thể đã được "Việt Nam" đưa vào tầm ngắm.
Tor-M2KM xuất hiện trọng bộ cánh mới trên xe KAMAZ 8x8.
Tuy vậy, nếu Việt Nam quyết định đặt mua Tor-M2KM sẽ là bất ngờ lớn vì trước đó, Quân chủng PK-KQ đã chuẩn bị tiếp nhận các tổ hợp tên lửa phòng không SPYDER của Israel, trong đó có thể bao gồm cả phiên bản SPYDER-SR tầm ngắn rất hiện đại.
Việc trang bị cả 2 loại tên lửa tầm ngắn có xuất xứ khác nhau mặc dù sẽ gia tăng đáng kể uy lực phòng thủ và chúng có thể bổ trợ lẫn nhau, nhưng việc đảm bảo kỹ thuật sẽ trở nên tốn kém và khó khăn hơn rất nhiều.
Chắc chắn các nhà hoạch định quân sự Việt Nam đã tính rất kỹ mọi yếu tố cả về cách đánh, nghệ thuật quân sự, điều kiện kinh tế, trình độ làm chủ vũ khí trang bị của Bộ đội Tên lửa phòng không.
Do vậy, quả thực nếu Tor-M2KM có mặt trong biên chế các đơn vị phòng không cơ động của Việt Nam sẽ là một bất ngờ thú vị bởi nó sở hữu quá nhiều ưu điểm vượt trội như:
Thứ nhất, các xe chiến đấu được trang bị khí tài trinh sát và điều khiển tên lửa bằng radar, quang học cùng máy tính phần tử, thùng phóng kèm đạn tên lửa sẵn sàng phóng, hệ thống phát nguồn cơ hữu, cho phép xe hoạt động chiến đấu độc lập với khả năng phóng đạn khi dừng ngắn trong hành tiến.
Thứ hai, việc đồng bộ hoá cao độ giữa máy tính phần tử kỹ thuật số với hệ thống ống phóng đạn thẳng đứng kèm đạn tên lửa có tính năng hướng về mục tiêu nhờ lái hướng bằng liều phụ sau khi rời thùng phóng cho phép hệ thống giảm tới mức thấp nhất thời gian chuẩn bị xạ kích.
Đặc biệt, tổ hợp tên lửa này có khả năng tiêu diệt các loại tên lửa hành trình, tên lửa chống radar bay bám địa hình siêu thấp ở độ cao chỉ 5m. Phiên bản mới này có khả năng bắt bám và thực hành xạ kích tiêu diệt cùng lúc 4 mục tiêu, gấp đôi so với Tor-M1.
Gần như không một loại mục tiêu nào có thể vượt qua được vùng hỏa lực mà nó giăng sẵn.
Xe cẩu nạp đạn cho tổ hợp tên lửa Tỏ-M2KM sử dụng khung gầm xe tải TATA của Ấn Độ.
Thứ ba, tổ hợp Tor-M2KM còn được trang bị đồng bộ các khí tài bảo đảm và phục vụ chiến đấu, bao gồm cả khí tài chiến đấu mô phỏng để huấn luyện kíp trắc thủ. Tất nhiên, các xe đều được trang bị dụng cụ phục vụ sinh hoạt, thiết bị dẫn đường và nhật ký công tác.