Cách bờ biển Tây Phi hơn 160 km, trong suốt một tuần của năm 2019, cảnh sát biển Gambia đã “bắt giữ” 15 tàu nước ngoài vì vi phạm lao động và đánh bắt trái phép. Tất cả các con tàu này, trừ một tàu, đều đến từ Trung Quốc, Ian Urbina, cựu phóng viên điều tra của New York Times chia sẻ với Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP).
Vào đầu năm đó, trong chuyến đi biển kéo dài một tháng trên con tàu bắt cá tuyết xuất phát từ Punta Arenas, Chile đến vùng biển Nam Cực, nhóm của Urbina chỉ nhìn thấy những con tàu chuyên đánh bắt cá tuyết gỉ sét của Trung Quốc có vẻ ngoài không phù hợp đi biển dài ngày.
Trên một con thuyền câu mực của Hàn Quốc vào tháng 5 năm ngoái, Urbina đã chứng kiến gần hai chục con tàu treo cờ Trung Quốc tiến vào vùng biển của Triều Tiên. Theo một cuộc điều tra gần đây của NBC, những con tàu này là một phần của hạm đội tàu bất hợp pháp lớn nhất thế giới: 800 tàu đánh cá Trung Quốc đánh bắt ở biển Hoa Đông.
Tháng 7 năm nay, hơn 340 tàu cá Trung Quốc đã xuất hiện ngay bên ngoài Khu bảo tồn biển Galapagos. Theo C4ADS, một công ty nghiên cứu về xung đột, nhiều tàu có quan hệ với các công ty liên quan đến hành vi đánh bắt cá bất hợp pháp. 3 năm trước, một đội tàu có số lượng tương tự của Trung Quốc đã đến vùng biển này và một tàu bị lực lượng chức năng bắt giữ với khoảng 300 tấn cá đánh bắt trái phép, bao gồm các loài cá nguy cấp, chẳng hạn như cá mập đầu búa mũi vỏ sò.
Ở bất kì địa điểm nào cũng luôn duy trì số lượng tàu đánh cá từ 200.000 đến 800.000 tàu, kể cả ở những khu vực xa xôi như Argentina, Trung Quốc hiện đứng đầu thế giới về quy mô đội tàu đánh cá và ngư trường đánh bắt.
Theo SCMP, do chủ yếu nhận trợ cấp của chính phủ, sự tăng trưởng và các hoạt động của đội tàu hầu như không được kiểm soát chặt chẽ, một phần vì Bắc Kinh từ trước đến nay ít áp dụng quy định quản lý hoạt động đánh bắt cá. Sự dàn trải và phổ biến trên toàn cầu của đội tàu này đặt ra những câu hỏi lớn hơn về việc làm thế nào, tại sao và với chi phí bao nhiêu mà quốc gia đông dân nhất thế giới có thể hỗ trợ cho sự hoạt động của một đội tàu đông đảo như vậy.
Cá đông lạnh trên một tàu Trung Quốc bị hải quân Ecuador tịch thu tại vùng biển thuộc Khu bảo tồn biển Galápagos năm 2017. Ảnh: AFP
Đội tàu hùng hậu
Lý do từ lâu đã rất rõ ràng: Sức mạnh địa chính trị và an ninh lương thực cho 1,4 tỷ dân của Trung Quốc. Khi Hải quân Mỹ rút lực lượng khỏi vùng biển Tây Phi và Trung Đông, Trung Quốc đã tăng cường sự hiện diện của lực lượng tàu đánh cá và hải quân.
Ông Gregory Poling, Giám đốc Sáng kiến Minh bạch hàng hải Châu Á tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế có trụ sở tại Washington, cho biết: “Quy mô và sự táo bạo của đội tàu cá giúp Trung Quốc giành quyền kiểm soát”.
Ông còn nói thêm rằng, không có nhiều nước triển khai các hành động đối phó đội tàu đánh cá Trung Quốc khi những tàu này được cho đi vào vùng biển các nước.
Đối với vấn đề an ninh lương thực, nhiều nguồn dự trữ hải sản gần bờ biển tại Trung Quốc đã bị cạn kiệt do tình trạng đánh bắt quá mức và quá trình công nghiệp hóa, vì vậy các tàu đánh cá buộc phải mạo hiểm ra khơi xa hơn để lấp đầy khoang thuyền.
Chính phủ Trung Quốc cho biết, họ có khoảng 2.600 tàu đánh cá xa bờ. Theo báo cáo gần đây của Trung tâm nghiên cứu an ninh Stimson, số lượng này nhiều gấp ba lần so với tổng số tàu Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc và Tây Ban Nha kếp hợp lại.
“Nếu không áp dụng các chương trình trợ cấp khổng lồ, hạm đội đánh bắt xa bờ của Trung Quốc sẽ chỉ chiếm một phần nhỏ so với quy mô hiện tại”, ông Poling nói.
Tabitha Grace Mallory, Giáo sư chuyên về các chính sách đánh bắt cá của Trung Quốc tại Đại học Washington (Mỹ), cho hay, Trung Quốc đã chi hàng tỷ USD để hỗ trợ ngành ngư nghiệp. Năm 2018, trợ cấp nghề cá toàn cầu ước tính là 35,4 tỷ USD, trong đó Trung Quốc chiếm tới 7,2 tỷ USD và Bắc Kinh cũng giúp trang trải chi phí mua động cơ tàu mới, vỏ thép bền hơn cho tàu đánh cá, trang bị vũ khí và tàu y tế phục vụ cho đội tàu tại các ngư trường, giúp cho các tàu có thể ở trên biển lâu hơn.
Ngư dân Trung Quốc được hưởng lợi hơn nữa từ thông tin tình báo đánh cá do chính phủ cung cấp, giúp họ tìm ra những vùng biển nhiều nguồn cá nhất. Đây là những gì bà Mallory gọi là trợ cấp "có hại", khiến cho quy mô đội tàu ngày càng phình to ra.
Daniel Pauly, nhà điều tra chính của Dự án Biển quanh ta tại Viện Đại dương và Thủy sản của Đại học British Columbia, giải thích rằng, các khoản trợ cấp của chính phủ không chỉ làm gia tăng căng thẳng địa chính trị khi cho phép các đội tàu đi vào các khu vực tranh chấp, mà “chúng cũng là nguyên nhân quan trọng khiến cho nguồn cá cạn kiệt vì các loại trợ cấp giúp các liên tục hoạt động thay vì nằm bờ”.
Các chuyên gia cho rằng, hoạt động đánh bắt cá không thể bền vững vì các đội tàu như vậy nhận được hỗ trợ tài chính để đánh bắt cá quá sản lượng cho phép. Hiện tại, 90% trữ lượng cá thương mại được Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc theo dõi đã bị đánh bắt quá mức hoặc đánh bắt hết - nghĩa là chúng đã hết khả năng tự tái tạo đàn, trong đó bao gồm 10 loài cá có giá trị thương mại quan trọng nhất thế giới.
Một nghiên cứu năm 2018 trên tạp chí Science Advances do nhà thám hiểm Enric Sala của Hiệp hội Địa lý Quốc gia Mỹ dẫn đầu đã kết luận rằng, hơn một nửa ngành đánh bắt cá toàn cầu sẽ không có lợi nhuận ở quy mô hiện tại nếu không có sự trợ giúp của chính phủ.
Nghiên cứu của Sala cho thấy, với 841 triệu USD và chiếm khoảng 20% trợ cấp ngư nghiệp toàn cầu, Nhật Bản hỗ trợ tài chính cho hoạt động đánh bắt cá trên các vùng biển chung, những phần của đại dương không thuộc quyền quản lý của bất kỳ chính phủ nào, nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào khác. Tây Ban Nha chiếm 14% trợ cấp đánh bắt cá toàn cầu, tiếp theo là Trung Quốc với 10%, sau đó là Hàn Quốc và Mỹ.
Nhưng nếu xét về quy mô, Trung Quốc vẫn là nước lớn nhất. Với hơn 800 tàu hoạt động trên vùng biển chung, các tàu Trung Quốc hiện chiếm hơn 35% sản lượng khai thác toàn cầu được ghi nhận ở vùng biển chung trong năm 2014 - nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào khác.
Một tàu gắn cờ Trung Quốc bị Hải quân Ecuador tịch thu trong vùng biển thuộc Khu bảo tồn biển Galápagos, ngày 25/8/2017. Ảnh: AFP
Chuyên gia: TQ cũng đã nghiêm túc về chính sách
Theo một chỉ số do Poseidon Aquatic Resource Management, một công ty tư vấn nghề cá và nuôi trồng thủy sản công bố năm ngoái, Trung Quốc được xếp hạng là quốc gia vi phạm quy định đánh bắt bất hợp pháp, không báo cáo và không kiểm soát nhiều nhất thế giới.
Tuy nhiên, quốc gia tỷ dân cũng đang thực thi những cải thiện nhỏ về việc này. Đối phó với áp lực quốc tế từ các nhóm bảo tồn đại dương và chính phủ nước ngoài, Bắc Kinh trong những năm gần đây đã bắt đầu thắt chặt kiểm soát hạm đội tàu của nước mình, mặc dù các nhà bảo tồn và chuyên gia nghề cá vẫn tỏ ra nghi ngờ về chính sách này.
Năm 2016, Bắc Kinh đưa ra kế hoạch 5 năm nhằm duy trì số lượng tàu đánh bắt xa bờ ở mức dưới 3.000 tàu vào năm 2021. Không rõ liệu Trung Quốc có đạt được tiến bộ nào trong việc giữ mức tăng trưởng theo kế hoạch không vượt qua giới hạn này không, bởi vì chính phủ hầu như không công bố dữ liệu về số tàu cá.
“Tôi tin rằng chính phủ Trung Quốc rất nghiêm túc khi họ đề nghị hạn chế đội tàu đi biển xa bờ của họ”, ông Pauly nói. “Liệu họ có thể thực tế triển khai những hạn chế này đối đội tàu cá hay không là một vấn đề khác. Thực tế, tôi tin rằng họ không kiểm soát các đội tàu đánh bắt xa bờ nhiều hơn mức chúng ta đang làm ở phương Tây đâu".
Vào tháng 6 vừa qua, cơ quan quản lý ngư nghiệp Trung Quốc thông báo họ sẽ đóng cửa các mùa đánh bắt mực của tàu thuyền nước này ở một số vùng biển Nam Mỹ từ tháng 7- tháng11, với lý do cho thời gian cần thiết để các quần thể mực sinh sản. Đây là lần đầu tiên Trung Quốc tự nguyện chấm dứt một mùa đánh bắt.
Với tầng lớp trung lưu đang tăng nhanh có khả năng mua được nhiều hải sản hơn, chính phủ Trung Quốc đã triển khai khoản trợ cấp hơn 250 triệu USD từ năm 2015 đến năm 2019 nhằm thúc đẩy ngành nuôi trồng thủy sản nội địa để giảm sự phụ thuộc vào lượng cá đánh bắt tự nhiên.
Tuy nhiên, quyết định này lại đặt ra một vấn đề mới: Để tăng đàn, hầu hết các trang trại cá đều dựa vào thức ăn cho cá, một loại bột thực phẩm giàu protein chủ yếu được làm từ cá đánh bắt tự nhiên từ các vùng biển nước ngoài hoặc quốc tế. Hơn nữa, nuôi trồng thủy sản đòi hỏi rất nhiều thức ăn cho cá. Ví dụ, trước khi một con cá ngừ nuôi được đưa ra thị trường, nó có thể ăn bột cá nhiều hơn 15 lần trọng lượng của cá tự nhiên.
Các nhà bảo tồn đại dương cảnh báo rằng bản chất của các hoạt động sản xuất thức ăn cho cá đang đẩy nhanh tình trạng suy giảm tại đại dương, góp phần vào việc đánh bắt bất hợp pháp, làm mất ổn định chuỗi thức ăn thủy sản và lấy đi nguồn thực phẩm cần thiết để sinh tồn tại các địa phương.
Để đáp ứng nhu cầu về thức ăn cho cá và dầu cá, các cơ quan quản lý ngư nghiệp Trung Quốc vào năm 2015 cho biết, họ có kế hoạch tăng lượng nhuyễn thể thu hoạch từ vùng biển Nam Cực từ 32.000 tấn lên 2 triệu tấn, mặc dù họ cam kết không ảnh hưởng tới tình trạng “sinh thái dễ bị biến đổi” trong khu vực.
Nhuyễn thể là nguồn thức ăn chính cho cá voi, và các nhà bảo tồn lo lắng đến những tác động tiên cực của việc thu hoạch số lượng lớn như vậy. “Đánh bắt một lượng lớn cá tự nhiên để đáp ứng nhu cầu cá nuôi đang tăng lên là một việc làm không có ý nghĩa”, ông Sala nói. “Thay vào đó, một phần nhỏ của những loài cá trong thiên nhiên đó có thể được sử dụng để cung cấp thức ăn trực tiếp cho con người. Việc này ít ảnh hưởng hơn đến cuộc sống trong đại dương”.
Một cuộc chạm trán tháng 11/2011 giữa tàu tuần duyên Hàn Quốc và tàu đánh cá Trung Quốc. Ảnh: AFP
Chuyến thực địa kịch tính
Vào tháng 11/2016, Cảnh sát biển Hàn Quốc đã nổ súng vào hai tàu cá Trung Quốc khi hai tàu này đe dọa đâm tàu tuần tra ở biển Hoàng Hải. Trước đó một tháng, ngư dân Trung Quốc đã đâm chìm một tàu cao tốc khác của Hàn Quốc gần đó.
Trước đó cùng năm, Argentina đã đánh chìm một chiếc thuyền của Trung Quốc mà nước này tuyên bố đang đánh bắt trái phép trong vùng biển của mình. Indonesia, Nam Phi và Philippines gần đây đều có những cuộc đụng độ với các đội tàu đánh cá của Trung Quốc. Trong hầu hết các trường hợp này, các tàu Trung Quốc đánh bắt mực, chiếm hơn một nửa sản lượng đánh bắt của hạm đội trên các vùng biển chung.
Theo SCMP, phát hiện gần đây về việc gần 800 tàu Trung Quốc đã đánh bắt trái phép trong vùng biển của Triều Tiên đem đến sự lý giải về hơn 70% trữ lượng mực ở biển Nhật Bản biến mất.
Khi được phỏng vấn về những phát hiện do Global Fishing Watch ghi lại bằng công nghệ vệ tinh, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết trong một tuyên bố với hãng NBC rằng họ “thực thi luật pháp rất tận tâm”.
Một trong những lý do khiến hạm đội tàu cá Trung Quốc ngày càng phát triển mạnh là do một số tàu đánh cá mang theo nhiệm vụ khác ngoài đánh bắt cá đơn thuần. Theo ông Poling, đó là một phần của cái gọi là lực lượng dân quân, những tàu cá này được điều động đến các khu vực xung đột trên biển để khảo sát vùng biển và đôi khi đe dọa và đâm chìm tàu đánh cá hoặc tàu chấp pháp từ các quốc gia khác.
Theo ông Urbina, một phần vì đi theo nhóm và đôi khi được trang bị vũ khi nên tàu cá Trung Quốc thường tỏ ra hung hăng đối với các đối thủ cạnh tranh hoặc nhận thấy các mối đe dọa tiềm tàng.
Ông kể: "Tôi đã chứng kiến điều này tận mắt sau khi trả tiền lên con tàu câu mực của Hàn Quốc vào năm ngoái. Ngay sau khi màn đêm buông xuống trong ngày đầu tiên đi biển của chúng tôi, đốm sáng của một chiếc thuyền xuất hiện trên radar của chúng tôi. Chúng tôi chạy đua để bắt kịp những gì hóa ra không chỉ là một con tàu mà là gần hai chục chiếc, tất cả đều đang di chuyển từ vùng biển Hàn Quốc sang vùng biển Triều Tiên. Tất cả các con tàu đều treo cờ Trung Quốc và không có thiết bị nào được bật bộ phát tín hiệu như yêu cầu tại vùng biển Hàn Quốc.
Chúng tôi đã đi theo các con tàu, quay phim, ghi lại số hiệu và sau khoảng 45 phút, chúng tôi đưa một máy bay không người lái lên không trung để có được cái nhìn rõ ràng hơn. Đáp lại, một trong những thuyền trưởng Trung Quốc bấm còi, nháy đèn rồi đột nhiên lao về phía chúng tôi như một lời cảnh báo. Chúng tôi vẫn tiếp tục hành trình, nhưng tàu Trung Quốc vẫn tiếp tục tiến về phía chúng tôi. Khi các con tàu đến cách chúng tôi 10 mét, chúng tôi buộc bẻ lái để tránh va chạm.
Đó là tất cả việc thuyền trưởng của chúng tôi đã làm. Nhận đình tình hình quá nguy hiểm, ông quay tàu trở lại và bắt đầu cuộc hành trình kéo dài tám giờ trở về cảng, trong lúc đó ông có vẻ im lặng một cách bất thường và biểu hiện chút lo lắng. Rõ ràng, các khoản trợ cấp không chỉ phát triển đội tàu đánh cá Trung Quốc thành một lực lượng toàn cầu với quy mô và tầm vóc chưa từng có. Đội ngũ đông đảo này cũng thấm nhuần tham vọng, động lực và sự táo bạo mà hầu như không có quốc gia nào muốn có hoặc có thể cạnh tranh".