Phía sau câu chuyện "Cậu bé xếp giày": Cách mà người làm từ thiện đã cùng chị Linh, bé Đạt vượt qua giai đoạn được "săn đón"!

KA |

Việc hỗ trợ cho những hoàn cảnh khó khăn như mẹ con cậu bé xếp giày, người cha cùng 2 đứa con bại não là hoàn toàn cần thiết để giảm bớt gánh nặng cuộc đời cho họ. Tuy nhiên, đôi khi lòng tốt đó dễ bị bóp méo nếu không được sử dụng đúng chỗ, đúng mục đích và thực tế.

Một ngày đầu tháng 7 năm ngoái, câu chuyện về hoàn cảnh gà trống nuôi con của người cha Đặng Hữu Nghị (SN 1977, quê ở tỉnh Thừa Thiên Huế) bên 2 người con bị teo não đã lấy đi nước mắt của không ít độc giả. Nhiều người thương, nhiều người xót cho cuộc sống cơ cực của 3 con người trong căn nhà tạm bợ được dựng bằng tôn.

Bẵng đi một thời gian, hình ảnh người cha gồng gánh hai đứa con tật nguyền bất ngờ xuất hiện trên sóng truyền hình. Đó là 1 tiết mục trong chương trình "Hát Mãi Ước Mơ", ở đó anh Nghị hát về chính số phận của mình...

Phía sau câu chuyện Cậu bé xếp giày: Cách mà người làm từ thiện đã cùng chị Linh, bé Đạt vượt qua giai đoạn được săn đón! - Ảnh 1.

Anh Nghị bên 2 đứa con tật nguyền của mình.

Sau cái đêm đó, gia đình anh Nghị nhận được sự quan tâm, ủng hộ từ đông đảo công chúng, nếu không muốn nói là một cách "ồ ạt".

Và rồi, người ta bắt đầu tranh cãi về việc có hay không việc anh Nghị lợi dụng chính bệnh tật con mình để xin lòng thương hại của xung quanh, có hay không việc anh có thể diễn và khóc lúc nào bất kì, khi cần phải thể hiện sự khốn khó túng quẫn...

Dư luận, từ những tranh cãi đó, bỗng chuyển từ yêu thương cảm thông sang nghi ngờ, hoang mang... Và tới giờ, người chịu nhiều mũi dùi phán xét nhất lại quay về chính người cha của hai đứa con bệnh tật.

Câu chuyện từ thiện thế nào cho đúng lại một lần nữa được đặt ra.

Nhân bàn về chuyện từ thiện, mới đây anh Nghĩa Phạm - người đã "ra tay" cứu giúp hoàn cảnh 2 mẹ con "cậu bé xếp giày" đã có những chia sẻ về cách mà anh làm cho chị Linh và bé Đạt, để vượt qua được giai đoạn đầu tiên khó khăn nhất - khi mà bất kì ai trong hoàn cảnh như chị Linh cũng có thể bị choáng ngợp bởi tiền và quà từ thiện đến quá ồ ạt, bởi bỗng dưng nhận được quá nhiều sự quan tâm từ mọi người.

Phía sau câu chuyện Cậu bé xếp giày: Cách mà người làm từ thiện đã cùng chị Linh, bé Đạt vượt qua giai đoạn được săn đón! - Ảnh 2.

Hình ảnh của cậu bé nhặt ve chai 4 tuổi xếp giày giúp các bạn từng gây xôn xao cộng đồng mạng.

Chúng tôi xin trích đăng bài viết trên trang cá nhân của anh Nghĩa như sau:

"Những hình ảnh đẹp, câu chuyện đẹp mà báo chí ca ngợi hành động của "cậu bé xếp giày" thì phía sau là nhiều câu chuyện phải giải quyết với mẹ bé.

Muốn giúp mẹ bé đi làm, nhưng ban đầu nghi ngại về việc có sử dụng ma túy hay không? Cũng đã phải tìm mọi cách khéo léo đưa mẹ bé đi khám, lấy máu và phải vào tận phòng y tá lấy máu để giám sát.

Chính mẹ bé cũng lo ngại việc lấy máu để xét nghiệm và cũng đã kể nhiều việc quá khứ cho tôi nghe khi bị hỏi tới lui đành phải khai thật.

Lo ngại mẹ bé sẽ sử dụng tiền mọi người hỗ trợ bé không đúng mục đích, tôi cũng đã tự liệt kê những khoản chi tiêu tối thiểu của mẹ và bé để lên kế hoạch những khoản ưu tiên.

Phía sau câu chuyện Cậu bé xếp giày: Cách mà người làm từ thiện đã cùng chị Linh, bé Đạt vượt qua giai đoạn được săn đón! - Ảnh 3.

Bé Đạt thoải mái nô đùa trên đường phố Sài Gòn.

1. Chỗ học cho bé, hai cô hiệu trưởng nhận lời tài trợ cho bé ăn học miễn phí.

2. Chỗ ăn ở cho hai mẹ con (phải thuận tiện cho việc đưa đón bé và thuận tiện cho mẹ đi làm).

3. Công ăn việc làm ổn định cho mẹ để có nguồn thu nhập hằng tháng. (May mắn mẹ bé đã được một công ty sữa lớn nhất Việt Nam nhận vào làm).

4. Chi phí nhà, điện, nước cũng được công ty lo tất tần tật.

Và tháng đầu tiên, do mẹ bé chưa có lương nên tôi cũng đã liệt kê chi phí vừa đủ để cho mẹ bé chi tiêu.

Vật dụng gia đình, sữa, quần áo, đồ chơi... được anh (chị) trên facebook gửi cho hai mẹ con theo những vật dụng tôi kêu gọi.

Sữa thì tôi tính toán vừa đủ để bé uống trong tuần chứ không đưa một lúc.

Đưa nhiều sẽ xảy ra:

1. Thấy nhiều quá sử dụng hoang phí

2. Thấy dư quá mang bán lấy tiền

Và một trong hai trường hợp đã xảy ra khi tôi và một bên chưa thống nhất đầu mối gửi sữa cho bé nên hai bên đều chưa gửi mẹ bé.

Tôi đã tính đến hai trường hợp trên nhưng người mẹ lại thông báo bên kia là tôi không đưa sữa nên xảy ra sự việc dù đã cố tránh.

Theo bạn, như vậy đã đủ chưa?

Mẹ bé không hề hay biết tôi vẫn thường xuyên 12h - 1h sáng âm thầm đến phòng trọ để kiểm tra việc sinh hoạt vì tôi không muốn những gì mọi người giúp bé Nguyễn Danh Thành Đạt trở thành công cốc.

Đúng như phán đoán có người thứ ba xuất hiện và bắt đầu lợi dụng qua mẹ bé để xin đồ này đồ nọ. Khi bị cảnh cáo, bạn vẫn không hề nhận mà chối tất tần tật.

Đến khi tôi đưa hình ảnh, tên tuổi người thứ ba và cả giờ giấc đi lại thì mới cúi đầu xin lỗi.

Vì những mối quan hệ xã hội không rõ ràng nên lại phát sinh câu chuyện đi mượn tiền bạc.

Và rất rất nhiều câu chuyện đằng sau mà chỉ những ai thật sự muốn Nguyễn Danh Thành Đạt sẽ có một tương lai như đúng cái tên của con mới có thể chấp nhận và giải quyết những việc làm không hay từ mẹ bé.

Phía sau câu chuyện Cậu bé xếp giày: Cách mà người làm từ thiện đã cùng chị Linh, bé Đạt vượt qua giai đoạn được săn đón! - Ảnh 4.

Từ cô hiệu trưởng, cô giáo chăm bé, đồng nghiệp mẹ bé và đến cả lãnh đạo công ty nơi mẹ bé làm việc phải mời tôi đến làm việc để có hướng giải quyết. Và tất cả họ bỏ qua cũng chỉ vì Nguyễn Danh Thành Đạt.

Và mọi người yêu quý bé đã tính đến câu chuyện sau này bé sẽ thành đạt và làm việc tại nơi mẹ bé đang làm...

...

Cuối cùng tôi thực sự muốn nói, nếu làm từ thiện hãy làm một cách thiết thực và có sự tìm hiểu nhu cầu thực sự. Vì cũng có thể chính vì những đồng tiền bạn quyên góp không đúng cách mà làm cuộc sống của họ không đẹp như hiện tại".

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại