Theo Space.com, X-37B dự kiến cất cánh vào ngày 16/5 tới đây và sẽ bay liên tục trên quỹ đạo cho tới tận giữa năm 2022. Được biết, nhiệm vụ mới nhất của X-37B được đặt tên OTV-6 (nhằm chỉ phóng thử nghiệm thứ 6), cất cánh từ Trạm không quân Cape Canaveral (Florida) trên lưng tên lửa đẩy hạng nặng United Launch Alliance Atlas V do Boeing và Lockheed Martin đồng phát triển.
X-37, hay còn được biết đến với tên Phương tiện Thử nghiệm Quỹ đạo (Orbital Test Vehicle - OTV), là máy bay không gian không người lái có thể tái sử dụng. Khởi điểm, X-37 là một dự án của Cơ quan vũ trụ Mỹ (NASA) được triển khai vào năm 1999. Tuy nhiên, sau thảm họa tàu con thoi Challenger diễn ra vào năm 2004, dự án tối mật này được chuyển sang Bộ Quốc phòng Mỹ quản lý.
Vào tháng 11/2006, Không quân Mỹ quyết định phát triển phiên bản X-37B dưới mật danh Future-X dựa trên nền tảng phiên bản X-37A của NASA. Với tổng cộng 3 biến thể A/B/C đã được phát triển, các phiên bản sau của dự án X-37 có kích thước lớn hơn, hiện đại hơn phiên bản trước.
Về mặt thông số kĩ thuật, biến thể X-37B có chiều dài 8,9m, sải cánh 4,5 m, cao 2,9 m, trọng lượng có tải 4.990kg, khoang chứa hàng (2,1x1,2m), sử dụng động cơ Aerojet AR2-3, năng lượng mặt trời và nguồn pin Lithium ion. Đáng chú ý, X-37B có vận tốc quỹ đạo cực lớn, lên tới 28.044 km/h.
Giống như tàu con thoi trước đây của Mỹ, X-37B được đưa lên quỹ đạo Trái Đất bằng tên lửa đẩy Atlas V, sau đó quay trở lại bầu khí quyển của Trái Đất và hạ cánh theo kiểu truyền thống trên đường băng
Kể từ chuyến bay đầu tiên năm 2010 đến nay, toàn bộ thông tin về chương trình X-37B như đặc điểm kỹ thuật, công dụng và mục đích của tàu, ngân sách chương trình đều được giữ tuyệt mật. Đặc biệt, không quân Mỹ không bao giờ chia sẻ vị trí của các tàu X-37B khi chúng ở trên quỹ đạo, chức năng, nhiệm vụ của nó luôn là điều bí ẩn và là chủ đề đồn đoán, thêu dệt.
Lầu Năm Góc nhiều lần khẳng định X-37B chỉ là "công cụ thí nghiệm những công nghệ mới cho tương lai chinh phục không gian của Mỹ" nhưng không công bố bất kỳ kết quả thử nghiệm nào.
Trong khi đó, NASA lại khẳng định việc phát triển X-37 nhằm phục vụ cho việc "thiết kế chế tạo máy bay vũ trụ để làm nhiệm vụ cứu hộ trong không gian và đưa các phi hành gia cùng thiết bị lên và rời Trạm vũ trụ quốc tế ISS". Theo một số nguồn tin khác, một trong những nhiệm vụ của X-37 là tiếp cận các vệ tinh trên quỹ đạo để nạp nhiên liệu và thay thế các tấm pin Mặt Trời bị hư hỏng.
Do bay quanh trái đất theo những quỹ đạo khác nhau cho nên X-37B rất khó bị phát hiện đồng thời hầu như không thể bị bắn hạ. X-37B được coi là sự kết hợp hoàn hảo của máy bay quân sự và tàu vũ trụ cho phép nó thực hiện nhiều chức năng.
Tính đến hiện tại, X-37B đã có năm chuyến bay lên quỹ đạo, lập kỷ lục bay dài ngày ở độ cao gần 320km. Nhiệm vụ gần nhất của X-37B mang tên OTV-5 diễn ra vào ngày 7/9/2017. Sau khi trải qua tổng cộng 780 ngày trong vũ trụ, X-37B quay trở lại Trái Đất vào ngày 27/10/2019, vượt qua thời gian của nhiệm vụ OTV-4 là 717 ngày.
Nếu chuyến bay sắp tới của X-37B thành công, nó sẽ vượt qua kỷ lục của nhiệm vụ bay thứ 5 trước đó, với 780 ngày bay liên tục trên quỹ đạo Trái Đất trước khi hạ cánh vào năm 2019.
Tham khảo Wikipedia / Space.com