Ông Nguyễn Văn Linh, bố của Phi Thanh Vân vừa qua đời ngày 3/6/2019 tại bệnh viện Công an 30-4 vì bệnh viêm phổi.
"Tôi an lòng khi bố ra đi nhẹ nhàng..."
Trong gia đình, Phi Thanh Vân là con gái út. Gần 50 tuổi, ông Nguyễn Văn Linh mới sinh Phi Thanh Vân, bởi vậy mà ông vô cùng cưng chiều con gái.
Hai cha con lại rất hợp tính, thường hay tâm sự, sẻ chia nên sự ra đi đột ngột của bố khiến Phi Thanh Vân bị sốc và suy sụp. Chị khóc rất nhiều. Chỉ trong vài ngày diễn ra tang lễ, Phi Thanh Vân đã gầy đi trông thấy.
Phi Thanh Vân chia sẻ: "Tội bố lắm, bố thương tôi vô bờ bến. Trước ngày bố nhập viện vài hôm, bố đi thể dục qua nhà tôi, cầm theo 1 bịch nylon, bên trong có vài tờ báo gói 10 con cá khô và 1 hộp bánh ngọt để cho con gái.
Bố biết tôi thích bánh ngọt, mà công việc thì cứ đi biền biệt, hay đói bụng nên đem qua để lúc nào đói thì có cái ăn ngay, kẻo bị đau dạ dày. Thế mà mấy hôm sau, bố đổ bệnh phải nhập viện. Chỉ 1 tuần là bố đi.
Sự ra đi của bố ở thời điểm này khiến cả gia đình tôi tiếc nuối. Nhưng nhìn ở góc độ khác, đó là định mệnh. Và tôi an lòng khi bố được ra đi nhẹ nhàng. Nếu như vài năm nữa, rất có thể, tất cả các bệnh trong người bố phát ra thì bố sẽ vô cùng đau đớn. Đó mới là điều tôi thực sự không cam tâm.
Phi Thanh Vân trong đêm cuối cùng với bố tại nhà tang lễ Bệnh viện Nguyễn Tri Phương.
Trên giấy tờ, bố sinh năm 1939 nhưng năm sinh thật của bố là 1934, nghĩa là bố hưởng thọ 86 tuổi chứ không phải 80. Và bố ra đi nhẹ nhàng dù trong người mang rất nhiều vết thương chiến tranh cùng nhiều căn bệnh khác như suy thận, cao huyết áp, tim mạch, viêm phổi.
Dù vậy, sinh thời bố luôn giữ tính kỷ luật và chất nhà lính, luôn tự chăm sóc bản thân. Tôi mua cho bố cái máy đo huyết áp điện tử, đi đâu bố cũng đem máy theo và thuốc.
Bố tự làm bác sĩ cho chính mình. Giờ nào phải đi tái khám, gặp bác sĩ, bố luôn tự đi, chứ không phiền người khác".
Phi Thanh Vân chia sẻ thêm: "Bố tôi hiền lắm, hiếm khi la mắng con cái, đặc biệt không bao giờ đánh con. Người ta bảo, thành công của bố mẹ chính là sự thành đạt của những đứa con. Nếu vậy thì bố tôi đã quá thành công.
5 đứa con của bố, đứa nào cũng thành đạt. Một anh làm công an thành phố Hà Nội. Một anh làm công an Thái Bình. Vợ chồng chị gái có xưởng may, anh làm chủ tịch 2 công ty. Và tôi là người của công chúng".
"Ông bà nội quá nghèo, phải đem con đi cho bớt, bố tôi ở đợ từ nhỏ"
Theo lời kể của Phi Thanh Vân, bố chị – ông Nguyễn Văn Linh là con áp út trong một gia đình có 5 người con. Vì nhà quá nghèo nên ông bà buộc lòng phải đem con đi cho bớt. Đó là người con đầu và cậu con trai áp út – Nguyễn Văn Linh.
Bố của Phi Thanh Vân được đem cho một gia đình nhà kia. Họ cũng nghèo nên từ nhỏ, ông đã phải đi ở đợ cho một quan Ba người Pháp.
Hai mẹ con Phi Thanh Vân trong đám tang.
Phi Thanh Vân và mẹ đã khóc cạn nước mắt trong ngày tiễn đưa chồng, cha về nơi cuối cùng.
Năm 13 tuổi, ông được giác ngộ cách mạng. Phi Thanh Vân nhớ lại: "Tham gia quân Việt Minh một thời gian, bố được cho đi học lái xe ở Trung Quốc. Về, bố được làm tới Trung đoàn trưởng Trung đoàn 308, dưới bố có hơn 100 quân, chuyên chở đạn pháo ra chiến trường A.
Trong đoàn xe chở đạn pháo ấy, bố luôn là người lái đầu tiên, phía sau là xe của anh em trong trung đoàn. Lịch hành quân thế nào đều do bố quyết.
Bình thường, cứ ăn trưa xong, bố cho anh em ngủ. Bố nói, anh em lái xe là phải nghỉ trưa, dù 10 phút hay 15 phút cũng được, để lấy lại sức khỏe.
Hôm đó, không biết linh tính thế nào, bố cho anh em trong đoàn nghỉ sớm và đi sớm hơn thường ngày.
Vừa đi được 1,2 tiếng thì khu mọi người vừa nghỉ bị dội bom. Bố nói, nếu hôm đó vẫn nghỉ trưa như bình thường thì mọi người chết hết rồi.
Sau đó lại có đợt càn khác. Xe của bố bị đổ xuống vực. May là vực có nhiều cây nên giữ được xe và giữ được cả pháo. Bố bị một mảnh bom văng trúng tim. Xé áo ra cột lại để cầm máu chứ không có thuốc.
Đợi yên ắng, bố và các anh em kéo xe kéo pháo lên, mất cả buổi, bố bị mất máu rất nhiều. Vừa trải qua vụ tai nạn thập tử nhất sinh như thế mà bố vẫn lái xe.
Hồi đó các trạm dừng chân cách nhau tới 4, 5 ngày đi đường. May sao, cái trạm kế tiếp còn cách có hơn 1 ngày là tới. Nhưng vì không có thuốc, không có nước rửa vết thương nên thịt bị loét thối. Bố đau lắm nhưng vẫn cắn răng chịu đựng.
Tới trạm, cả đoàn nghỉ 4 ngày. Trong thời gian đó, bố được tiêm thuốc và điều trị, sau đó lại tiếp tục lên đường.
Nụ cười hạnh phúc của cả gia đình 3 thế hệ, trước khi bố của Phi Thanh Vân từ bỏ trần thế.
Ngoài vết thương ở tim, bố còn bị một mảnh bom văng trúng ống đồng ở chân trong một trận càn lớn, anh em trong đoàn chết rất nhiều.
Bố chữa vết thương đó gần 2 năm trời, chuyển từ trạm xá tới bệnh viện. Sau đó bố phải xuất ngũ và được chuyển công tác sang tổ đường sắt, chuyên lái xe chở lương thực thực phẩm.
Hết thời gian quân ngũ, bố về cộng tác ở phường xã rồi vào hội cựu chiến binh nhưng vết thương đó vẫn theo bố đến tận lúc chết, cứ trái gió trở trời là đau nhức.
Bố rất kiên cường. Bố vượt qua nỗi đau đó bằng cách chạy bộ. Khoảng 8 năm trước, 1 ngày, bố vẫn chạy 16, 17km cả đi và về. Ở hội cựu chiến binh, thi chạy năm nào bố cũng giải nhất. Chỉ 3 năm gần đây, bố mới chuyển qua đi bộ nhưng một ngày cũng đi 7km".