Phi công Liên Xô sợ chết khiến MiG-15 “rụng như sung” trong chiến tranh Triều Tiên?

Trung Phạm |

Phi công kỳ cựu người Mỹ Chuck Yeager đã nhận xét rất xác đáng: "Trong chiến đấu, phi công mới là người giữ vai trò quan trọng chứ không phải máy bay".

Theo nhà nghiên cứu lịch sử hàng không Joe Baugher, trong cuộc chiến tranh Triều Tiên (1950 – 1953), ít nhất 792 chiếc tiêm kích phản lực MiG-15 do Liên Xô chế tạo đã bị các phi công lái máy bay F-86 Sabre của Mỹ bắn rơi.

Trong khi đó, số tiêm kích F-86 bị thiệt hại trong các cuộc không chiến với MiG-15 chỉ là 78 chiếc. Nếu so sánh, tỷ lệ này xấp xỉ 10-1, nghĩa là cứ 1 chiếc F-86 thì bắn rơi được 10 chiếc MiG-15.

Vậy đâu là nguyên nhân chính? Theo chuyên gia Harold Hutchison của Tạp chí We Are The Mighty, có 3 lý do chủ yếu sau:

Thứ nhất, vũ khí mà F-86 mang theo tốt hơn cho các sứ mệnh không chiến. F-86 được trang bị 6 súng máy AN M3 12,7mm, loại có tốc độ bắn nhanh hơn các khẩu M2 biên chế cho tiêm kích P-51 Mustang, còn MiG-15 trang bị 2 pháo NR-23 23mm và 1 pháo N-37 37mm.

Tuy nhiên, những vũ khí trên của MiG-15 được sử dụng để tiêu diệt các máy bay ném bom tốc độ chậm tốt hơn là để đối phó với những tiêm kích có khả năng cơ động tốc độ cao.

Thứ hai, F-86 khi đó đã được trang bị radar ngắm bắn AN/APG-30 giúp cho các phi công dễ dàng hơn trong việc tiêu diệt mục tiêu. Tất cả những gì một phi công cần làm là chỉ cần đưa máy bay đối phương vào tâm kính ngắm, bóp cò và kết thúc phát bắn.

Phi công Liên Xô sợ chết khiến MiG-15 “rụng như sung” trong chiến tranh Triều Tiên? - Ảnh 1.

Các máy bay F-86 Sabre của KQ Mỹ tuần tra tại Triều Tiên

Nhìn vào số máy bay MiG-15 bị thiệt hại nêu trên, nhiều người có thể kết luận rằng F-86 là loại tiêm kích uy lực hơn. Tuy nhiên, chuyên gia Harold Hutchison còn chỉ ra một nguyên nhân nữa, có lẽ quan trọng nhất, đó là trình độ phi công.

Theo Hutchison, rất nhiều phi công lái F-86 của Mỹ là những cựu binh từng tham gia chiến tranh Thế giới thứ Hai. Trong số đó có những phi công kỳ cựu như Francis Gabreski (tiêu diệt 6 máy bay trong chiến tranh Triều Tiên, 28,5 chiếc trong Thế chiến II) hay John W. Mitchell (bắn hạ 11 máy bay trong Thế chiến II và 4 chiếc trong chiến tranh Triều Tiên).

Chia sẻ qua điểm này, nhà sử học hàng không Joe Baugher cũng cho rằng, gần như tất cả các phi công Mỹ lái máy bay tiêm kích Sabre đều được đào tạo bài bản, chuyên nghiệp và nhiều người trong số họ đã tích lũy được những kinh nghiệm tác chiến dày dặn ở chiến tranh Thế giới thứ Hai.

Trong khi đó, phía Triều Tiên, ngoại trừ một vài phi công Nga lái MiG-15 có kinh nghiệm tham gia Thế chiến II thì đa phần đều rất ít kinh nghiệm thực chiến. Hơn nữa, các phi công điều khiển MiG-15 của Triều Tiên thường thiếu kỷ luật trong luyện tập nên tham chiến họ thường hoảng loạn, bắn bừa bãi.

Khi gặp phải vấn đề, họ thường chọn cách nhảy dù khỏi máy bay trước khi thực sự bị tấn công. Nhiều phi công lái MiG-15 phía Triều Tiên thiếu kinh nghiệm tới mức bị rơi vào tình trạng nhào lộn mất kiểm soát rồi rơi xuống. Nhiều khi, các phi công lái MiG-15 chọn cách bắn bớt đạn nhằm giảm tải vũ khí mang theo mà không thực sự ngắm bắn vào đâu cả.

Theo Baugher, phần lớn các phi công lái MiG-15 phía Triều Tiên đều cực kỳ sợ chiến đấu và thường không cố gắng tham gia trừ phi họ nhận thấy mình đang có lợi thế. Ngược lại, các phi công Sabre lại cực kỳ thiện chiến, hào hứng chiến đấu và luôn muốn ghi điểm.

Joe Baugher cho rằng, rất khó kết luận MiG-15 và F-86, cái nào tốt hơn cái nào, nhưng lại đồng tình với nhận xét của cựu phi công Mỹ Chuck Yeager: "Trong chiến đấu, phi công mới là người giữ vai trò quan trọng chứ không phải máy bay".

Đoạn phim tài liệu ghi lại những đánh giá của KQ Mỹ về MiG-15

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại