Phi công B-52 Mỹ "thốt lên" trong 12 ngày đêm: Thật là khủng khiếp!

PV - Tổng hợp từ hồi ký của Trung tướng Hoàng Văn Khánh |

"Thật là khủng khiếp! Một chuyến bay đầy lo lắng, sợ hãi. Trong máy bay thỉnh thoảng lại một tiếng thét bật lên "Chú ý! MiG!". Chưa thấy MiG đâu, đã lại nghe "Chú ý! SAM!".

LTS: Trong chiến dịch Linebacker-2 tháng 12/1972, Không quân Mỹ đã thực hiện cuộc ném bom bằng máy bay chiến lược B-52 tàn bạo nhất trong lịch sử vào Hà Nội và Hải Phòng. Nhưng không có tội ác nào mà không bị trừng phạt!

Các chiến sỹ QĐNDVN, trong đó chủ công là bộ đội PK-KQ quả cảm đã vượt muôn trùng gian khó và hy sinh để làm nên chiến thắng "Điện Biên Phủ trên không" lịch sử, chấn động địa cầu, buộc Không quân Mỹ hùng mạnh phải khuất phục.

Nhân dịp kỷ niệm 45 năm chiến thắng Điện Biên Phủ trên không, xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc loạt bài viết của nhiều tác giả nhằm ôn lại những kỷ niệm hào hùng trong 12 ngày đêm khốc liệt đó.

-----

PHI CÔNG B-52 MỸ BẬT "THỐT LÊN" TRONG 12 NGÀY ĐÊM:

THẬT LÀ KHỦNG KHIẾP!

Đêm đầu tiên không thể nào quên

Trận đánh hồi 20 giớ 16 phút ngày 18 tháng 12 thực sự là trận đánh kết thúc đợt một của đêm mở đầu chiến dịch.

Anh Lê Văn Tri trực tiếp gọi điện cho tôi, biểu dương trận đánh phối hợp "rất đẹp" - theo lời anh Tri - của bộ đội tiền phương. Anh Tri cũng phấn khởi báo cho tôi biết, hồi 20 giờ 13 phút, tiểu đoàn 59, trung đoàn 261 tại trận địa Cổ Loa đã bắn rơi tại chỗ chiếc B-52 đầu tiên trân bầu trời Hà Nội. Chiếc máy bay này mang nhãn hiệu B-52G, cất cánh từ Gu-am...

Được tin này, tôi như hình dung thấy nụ cười rất tươi trên khuôn mặt đầy đặn của đồng chí trung đoàn trưởng trung đoàn 261 Trần Hữu Tạo. Nếu ở Hà Nội, thế nào tôi cũng sẽ tìm đến siết chặt tay anh, chúc mừng chiến thắng của đơn vị và của riêng anh.

Chúng tôi quen nhau từ năm 1957, khi cùng được cử đi học ở Liên Xô. Trận thắng này sẽ được ghi vào lịch sử như là trận thắng mở đầu của một chiến dịch vĩ đại.

Tôi nhớ ở Hội nghị tên lửa tháng 10, trong lúc có đồng chí còn phát biểu đánh B-52 trong nhiễu chẳng khác gì "xẩm sờ đường" thì Trần Hữu Tạo đã khẳng định: "Nếu chúng ta luyện tập tốt như tài liệu hướng dẫn thì nhất định sẽ bắn rơi được B-52".

Phi công B-52 Mỹ thốt lên trong 12 ngày đêm: Thật là khủng khiếp! - Ảnh 1.

Máy bay B-52 Mỹ thả bom. Ảnh minh họa.

Về trận thắng lịch sử, cuốn dự thảo "Sơ lược lịch sử sư đoàn phòng không Hà Nội" viết:

"20 giờ, tiểu đoàn 59 hai lần, phóng bốn quả đạn vào tốp sáu chiếc B-52 đang men theo sườn Tam Đảo vào đánh Đông Anh. Cùng lúc các tiểu đoàn 57, 93, 94 cũng nổ súng nhưng chưa có chiếc B-52 nào bị hạ. Địch đánh Đông Anh, Uy Nỗ, bom cày đất quanh trận địa tiểu đoàn 59, các xe bị chấn động.

Lửa tạt vào ca-bin xe điều khiển nóng bỏng. Mặc, tiểu đoàn trưởng Nguyễn Thăng mắt vẫn không rời tín hiệu tốp mục tiêu đang từ Tam Đảo bay xuống... Thấy dải nhiễu trên màn hiện sóng tách làm ba, sĩ quan điều khiển Dương Văn Thuận lệnh cho trắc thủ góc tà Lê Xuân Linh bắt dải cao, trắc thủ phương vị Nguyễn Văn Độ bám đúng dải giữa, rồi bình tĩnh ấn nút.

Hai quả đạn vừa có điều khiển thì anh phát sóng. Kíp chiến đấu bám sát giữa dải nhiễu đã chọn, kiên quyết tiêu diệt địch bằng phương pháp T (Phương pháp bám sát khi không nhìn thấy mục tiêu trên màn hiện sóng vì nhiễu quá nặng).

uả một vừa nổ, trắc thủ phương vị báo mất một dải thì trắc thủ góc tà cũng nhận thấy dải nhiễu hạ nhanh độ cao. Bên ngoài tiếng hò reo bỗng nổi lên vang động, át cả tiếng bom đạn:

- B-52 rơi tại chỗ rồi!

Các đài quan sát của các đơn vị dồn dập báo cáo về sư đoàn. Ban chỉ huy huyện đội Đông Anh vào tận trung đoàn 261 nói chắc chắn có B-52 rơi"...

Sau chiến thắng của Trung đoàn 267, trong đêm địch còn tổ chức hai đợt đánh lớn vào Hà Nội bằng B-52. Nhưng đường bay của chúng lúc vào cũng như lúc ra đều không qua khu vực của bộ đội tiền phương bảo vệ. Chúng đã ngửi hơi thấy lực lượng tên lửa ở phía Nam Hà Nội là một lực lượng đáng gờm.

Căm giận

Ngồi ở Sở chỉ huy nhìn những đường bay của B-52 cứ từng đàn, từng lũ kéo nhau vào Hà Nội, lòng chúng tôi sôi lên căm giận. Nhất là vào lúc rạng sáng ngày 19 tháng 12, sau đợt đánh cuối cùng của địch, thấy đài phát thanh ngừng mất mấy phút, tất cả chúng tôi có mặt trong Sở chỉ huy lặng đi hồi lâu.

Sau khi lại nghe giọng cô phát thanh viên vang lên báo tin chiến thắng, chúng tôi đã reo lên, làm cho căn hầm chật chội như muốn vỡ ra.

Khoảng 8 giờ sáng ngày 19 tháng 12, chúng tôi được thông báo cụ thể về trận thắng đầu tiên đêm 18 tháng 12: bắt đầu từ 19 giờ 40 phút đến 4 giớ 35 phút địch đã huy động một lực lượng lớn máy bay gồm 295 lần chiếc, có 90 máy bay B-52, tổ chức thành ba trận, đánh phá một loạt mục tiêu ở khu vực Hà Nội, Hải Phòng, tập trung chủ yếu vào Hà Nội và xung quanh Hà Nội với toàn bộ lực lượng B-52 sử dụng trong đêm.

Về phía ta, bộ đội được chuyển vào cấp một sớm nên rất chủ động, đàng hoàng. Bộ đội tên lửa, cao xạ và các trận địa bắn máy bay của dân quân tự vệ trên thế trận đã bố trí sẵn kịp thời nổ súng, phát huy hỏa lực các tầng, đánh đúng đối tượng chủ yếu là B-52, giành thắng lợi giòn giã ngay đợt đầu, được Bộ Chính trị nhiệt liệt biểu dương.

Phi công B-52 Mỹ thốt lên trong 12 ngày đêm: Thật là khủng khiếp! - Ảnh 2.

Tên lửa SAM-2 (S-75) rời bệ phóng. Ảnh minh họa.

Tên lửa Hà Nội đã phóng tất cả 64 quả đạn, bắn rơi tại chỗ hai B-52. Một số chiếc khác bị thương phải về hạ cánh ở Thái Lan. Đặc biệt trong đợt ba từ 4 giờ đến 5 giờ 30 phút, tiểu đoàn 77 trung đoàn 257 đã đánh thắng một trận xuất sắc, bắn rơi tại chỗ một chiếc B-52D tại Thanh Oai, Hà Tây bằng chế độ bám sát tự động.

Tiểu đoàn trưởng Đinh Thế Văn và kíp chiến đấu gồm sĩ quan điều khiển Nguyễn Văn Đức, trắc thủ cự ly Phạm Hồng Hà, trắc thủ góc tà Lưu Văn Mộc, trắc thủ phương vị Đỗ Văn Tân đã nêu một tấm gương táo bạo, linh hoạt trong cách đánh, góp một kinh nghiệm hết sức quý báu vào thắng lợi chung của chiến dịch.

Được tin này, tôi nói với các đồng chí xung quanh:

- Thế là "con chủ bài" hết thiêng rồi!

Thế mới biết, sự sáng tạo trên thực tế chiến trường quan trọng biết chừng nào. Từ trước đến nay khi tiến hành biên soạn tài liệu đánh B-52, hầu như chưa bao giờ chúng tôi nghĩ đến việc đánh B-52 bằng chế độ tự động. Bởi vì muốn áp dụng chế độ tự động, điều quan trọng trước tiên là phải nhìn thấy rõ được mục tiêu trên màn hiện sóng.

Điều này đối với các loại F lâu nay đã là chuyện khó khăn, huống gì đối với B-52 được bao bọc bởi 17 chiếc máy gây nhiễu hết sức tinh vi, hiện đại. Ấy vậy mà bây giờ, chỉ mới trong trận đọ sức đầu tiên, "con ngoáo ộp" B-52 đã bị lộ nguyên hình trước mắt các chiến sĩ tài giỏi của chúng ta, giống như tân phù thủy đã bị tước hết phép màu.

Kinh nghiệm này có giá trị rất lớn cả về lý luận và thực tiễn. Tài liệu "Cách đánh B-52" được thông qua trong hội nghị tháng 10 năm 1972 chủ yếu lấy từ kinh nghiệm đánh B-52 của các đơn vị ở tuyến trong. Đó là một tài liệu quý, có tính chất cơ bản. Nhưng những chiến trường khác nhau có những đặc điểm khác nhau.

Tôi nhớ, trong một buổi họp, đồng chí Trần Xanh, nguyên Phó tư lệnh sư đoàn 361 (sau này là Phó tư lệnh Quân chủng) có nói: "Tên lửa Hà Nội phải có cách đánh của Hà Nội". Câu nói này làm cho một số trợ lý ở Quân chủng lúc đó không vừa ý lắm.

Bây giờ thì đã rõ. Nhưng để cho hoàn chỉnh hơn, nên nói thêm: Cách đánh của Hà Nội phải dựa trên những kinh nghiệm đã được đúc rút từ các chiến trường. Và để chặt chẽ hơn, cần thêm một ý nữa: không có kinh nghiệm đánh B-52 ở các chiến trường thì sẽ không có cách đánh B-52 ở Hà Nội. Vấn đề này tôi sẽ có dịp trở lại với bạn đọc ở phần dưới của hồi ký này.

Thế là trong đêm chiến đấu đầu tiên, chúng ta đã giành thắng lợi giòn giã. Chỉ một đêm chiến đấu thôi, mà là đêm đầu tiên, điều này quan trọng lắm, chúng ta đã bắn rơi ba B-52, trong đó có hai chiếc rơi tại chỗ. Và nếu chỉ tính riêng đợt tập kích đầu tiên diễn ra từ 19 giờ 40 phút đến 20 giờ 30 phút của đêm 18 tháng 12 thì hiệu suất còn đáng kinh ngạc hơn nhiều.

Trong đợt này, địch huy động 21 lần chiếc B-52, ta đã bắn rơi hai chiếc, đạt tỷ lệ gần 10 phần trăm. Đây là một tỷ lệ hết sức cao trong việc đánh trả một cuộc tập kích đường không trong thời đại ngày nay.

Kẻ gây ra cuộc tập kích lại là một cường quốc quân sự có lực lượng không quân hiện đại nhất, những phương tiện kỹ thuật tinh vi vào bậc nhất thế giới, khiến cho dư luận thế giới càng bất ngờ và kinh ngạc.

Trong cuốn sách "Chiến tranh Việt Nam" xuất bản ở Luân Đôn năm 1979, Uchu. T.Creeuwd, một nhà sử học đã từng phục vụ trong bộ chỉ huy không quân chiến lược Mỹ viết về trận tập kích đầu tiên như sau:

"Trước khi tốp máy bay B-52 đầu tiên của cụm máy bay lớn gồm 129 chiếc bay tới vùng mục tiêu, các máy bay F-111 đã tấn công vào bốn sân bay địch trước 30 phút. Tiếp đó, các máy bay F-4 thả các bó nhiễu kim loại, tạo thành hai dải nhiễu bao bọc đội hình tấn công vào Kim Nỗ (Đông Anh) và Yên Viên ở phía Bắc Hà Nội...

Đội hình máy bay B-52 này đã bị hai dàn tên lửa ở tây-bắc Hà Nội bắn lên, một chiếc B-52 bị bắn rơi..." Đây là chiếc đầu tiên bị hạ trong cuộc hành quân "Lai-nơ Bếch-cơ 2". Vào giữa đêm, 30 chiếc B-52 cất cánh từ Gu-am đến ném bom vào khu vực Hà Nội. Một số máy bay B-52 khác bị tên lửa bắn bị thương đã phải quay về hạ cánh ở Thái Lan...

Máy bay B-52 đồng loạt cất cánhĐối phương đã bắn lên khoảng 200 tên lửa và hàng nghìn viên đạn pháo, ba máy bay B-52 bị bắn rơi và hai chiếc khác bị thương".

Ở đây phải nói ngay là con số 200 tên lửa đã được thổi phồng quá đáng. Có lẽ đây là con số do những tên phi công thần hồn nát thần tính, thoát chết trở về báo cáo. Mỗi lần nhắc đến đêm 18 tháng 12, phi công B-52 thường thốt lên:

"Thật là khủng khiếp! Một chuyến bay đầy lo lắng, sợ hãi. Trong máy bay thỉnh thoảng lại một tiếng thét bật lên "Chú ý! Míc!". Chưa thấy MiG đâu, đã lại nghe "Chú ý! SAM!". Sĩ quan điện tử phát hiện, lái phụ cũng phát hiện. Nhìn đâu cũng thấy MiG, nhìn đâu cũng thấy SAM".


Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại