Theo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP), Trung tâm nghiên cứu và phát triển khí động học Trung Quốc (CARDC) mới đây đã tiến hành thử nghiệm một trận không chiến “một đấu một” mang tính bước ngoặt giữa máy bay không người lái do trí tuệ nhân tạo điều khiển và con người.
Các nhà khoa học của CARDC cho biết toàn bộ quá trình thử nghiệm diễn ra trong điều kiện thực tế.
Máy bay không người lái với phi công AI (màu đỏ) trong trận không chiến với máy bay do con người điều khiển trong thử nghiệm của CARDC. (Ảnh: CARDC)
Phi công AI đánh bại con người
Báo cáo của CARDC về thử nghiệm này cho biết, máy bay không người lái (UAV) được điều khiển bởi trí tuệ nhân tạo (AI) cho thấy hiệu suất hoạt động vượt trội hơn so với con người trong không chiến tầm gần và luôn lấn át đối thủ (máy bay do con người điều khiển).
Thử nghiệm trên được CARDC thực hiện chỉ một tháng sau khi không quân Mỹ tiến hành trình diễn phi công AI trong nhiều loại nhiệm vụ khác nhau trên không, bao gồm cả diễn tập đối kháng (trong huấn luyện) trên các chiến đấu cơ F-16 cải tiến.
Trận không chiến “giả định” của CARDC được thực hiện bằng hai máy bay cánh bằng không người lái. Một chiếc do phi công AI điều khiển, chiếc còn lại được điều khiển từ xa bởi một phi công con người dưới mặt đất.
Báo cáo của CARDC nói thêm rằng, ngay khi “trận chiến” bắt đầu phi công con người đã ra tay trước để hạ gục AI. Tuy nhiên AI dường như đã dự đoán trước được hành động này và né tránh thành công, không những thế nó còn tiến hành phản công ngay sau đó để chiếm ưu thế trước đối thủ.
Phi công con người dù đã thực hiện nhiều động tác bay khó nhằm qua mặt AI và có cơ hội để hạ gục đối thủ thế nhưng nó không dễ bị đánh lừa, báo cáo của CARDC cho biết.
Sau cùng nhóm nghiên cứu của CARDC đã buộc phải dừng thử nghiệm khi phi công con người không thể giành được ưu thế trước AI trong 90 giây thử nghiệm.
Thử nghiệm của CARDC sau đó cũng được đăng tải trên tạp chí công nghệ hàng không Acta Aeronautica et Astronautica Sinica (AAAS) của Trung Quốc.
Chiến đấu cơ F-16 với phi công AI mang mã hiệu 'X-62A' (VISTA) trong thử nghiệm của không quân Mỹ vào cuối năm 2022. VISTA thực hiện cất cánh, hạ cánh và diễn tập chiến đấu mà không có sự can thiệp của con người trong tổng thời gian hơn 17 giờ. (Ảnh: Daily Mail)
Kỷ nguyên AI thống trị bầu trời
Theo SCMP, thử nghiệm trên do giáo sư Huang Juntao đứng đầu, bản thân CARDC cũng là một viện nghiên cứu của quân đội Trung Quốc ở tỉnh Tứ Xuyên - chuyên phát triển và thử nghiệm các công nghệ vũ khí tương lai.
Bài viết về thử nghiệm phi công AI của CARDC trên tạp chí AAAS cho biết, máy bay không người lái do AI điều khiển hoàn toàn có thể tự ra quyết định và có tốc độ phản ứng trong các tình huống đặc biệt nhanh hơn nhiều so với con người.
Theo các nhà nghiên cứu, khi thực hiện những cú bay ngoặt gấp, AI không mang tâm lý lo lắng như con người, chúng cũng không chịu tác động vật lý.
“Với khả năng tính toán vượt trội, nó có thể dự đoán chính xác hơn diễn biến trận chiến để giành thế chủ động trong thế đối đầu”, bài viết của nhóm nghiên cứu CARDC cho biết.
“Sự tiến bộ của công nghệ tàng hình và áp chế điện tử, 25-40% các cuộc không chiến sẽ được thực hiện ở cự ly gần trong tương lai. Nghiên cứu về không chiến tầm gần có giá trị đáng kể trong áp dụng thực tế” , CARDC nói thêm.
Nghiên cứu về công nghệ AI cho hàng không đã bắt đầu khoảng 60 năm trước ở Mỹ, nhưng Trung Quốc đã nhanh chóng bắt kịp, theo nhóm nghiên cứu CARDC.
Vào năm 2020, một hệ thống AI học sâu do công ty Heron Systems có trụ sở tại Maryland phát triển đã đánh bại một số phi công F-16 giàu kinh nghiệm nhất của không quân Mỹ trong cả năm trận không chiến trên một thiết bị mô phỏng trên mặt đất.
Trong vòng chưa đầy một năm, nhóm nghiên cứu của Giáo sư Huang đã đạt được những bước tiến tương tự trong các mô phỏng với AI gần như tương tự Heron Systems.
Theo nhóm nghiên cứu CARDC, việc đưa AI lên bầu trời khó hơn nhiều so với điều hành nó trên mặt đất. Những giới hạn về không gian lẫn phần cứng trên một máy bay chiến đấu có thể làm giảm hiệu suất của phi công AI trong hoạt động.
Ngoài ra môi trường thực tế phức tạp và khó đoán hơn so với môi trường được tạo bởi các thuật toán. Trong điều kiện thực tế các kỹ sư phải xem xét nghiêm túc về các rủi ro đối với một phương tiện bay không người lái.
“Để một chiến đấu cơ với phi công AI tham gia chiến đấu rất phức tạp với các yêu cầu tính động cao, dữ liệu theo thời gian thực và không gian lớn hơn nhiều so với các bài kiểm tra mô phỏng” , nhóm nghiên cứu CARDC viết.
Điều này đặt ra một thách thức lớn đối với việc hiện thực hóa một phi công AI trong một nhiệm vụ phức tạp cho đến nay chỉ có con người mới thực hiện được.
Nhóm nghiên cứu CARDC cho biết họ đã chế tạo phi công không chiến AI với mục đích giúp quân đội Trung Quốc dễ dàng sử dụng và nó có thể được tích hợp trên hầu hết mọi máy bay chiến đấu mô phỏng của Trung Quốc.