1. Hơn hai năm rưỡi trước, sau trận ra mắt thành công với chiến thắng 4-1 trước đội tuyển Đài Loan, HLV Hữu Thắng đã biến buổi họp báo sau trận thành một buổi nói chuyện đậm chất ngôn tình, mà ở đấy nhà cầm quân xứ Nghệ này sắm vai "soái ca" chuẩn không phải chỉnh.
Ngày ấy, HLV Hữu Thắng nói: "Trước trận đấu, khi tình nghe nghe bài thơ 'Niềm tin đứt gãy', tôi cảm nhận rằng niềm tin của họ lớn lao đến từng nào, khi cận kề cái chết mà người ta còn như thế. Tôi đã đọc bài thơ này cho toàn đội và nói với các cầu thủ rằng hãy chơi hết mình, chơi thoải mái, chơi với niềm tin của mình. Nếu đội tuyển không thắng, các bạn hãy cứ ngủ ngon để chuẩn bị cho hành trình sang Iran, tôi sẽ chịu hoàn toàn trách nhiệm".
"Niềm tin đứt gãy" là bài thơ mà người hâm mộ dành tặng cố nhạc sỹ Trần Lập. Bài hát ấy đã lấy đi nước mắt của không ít người, và có lẽ, không ít tuyển thủ Việt Nam khi nghe Hữu Thắng đọc.
Ảnh: Báo Lao Động.
Không chỉ thế, HLV gốc Hà Tĩnh này chẳng ngần ngại tuyên bố hùng hồn: "Tận đáy lòng tôi, chưa bao giờ tôi để tư tưởng cá nhân lấn át. Tôi không bao giờ thiên vị người thân, ưu tiên học trò để sắp xếp vào đội hình chính. Nếu họ chơi không tốt, tôi là người đầu tiên phải gạt bỏ họ.
Tôi cam đoan 100% rằng các bạn có thể giới thiệu những cầu thủ tốt nhất của Việt Nam và tôi sẽ triệu tập họ. Xin nói lại rằng tôi có toàn quyền sắp xếp nhân sự phù hợp và phải chịu hoàn toàn trách nhiệm với thất bại".
Ngày ấy, với chiếc áo khoác dài quá gối khoác ngoài bộ vest lịch lãm, hình ảnh Hữu Thắng sừng sững dẫn đầu các học trò đi chào khán giả, rất nhiều người hâm mộ bóng đá nước nhà đã nghĩ đến tương lai tươi sáng của bóng đá Việt Nam, với một Hữu Thắng "công tư phân minh", là "ông chủ" đích thực của đội tuyển Việt Nam.
Song ở đời, mấy ai mà học được chữ ngờ. Từ Anh Đức ở ĐTQG đến Quang Hải, rồi Hà Đức Chinh ở U22 Việt Nam, sự thiên vị, độc đoán của Hữu Thắng đã "giết" mất 2 năm của bóng đá Việt Nam, dù nắm trong tay "thế hệ vàng", để rồi ĐTQG thua đau đớn ở AFF Cup 2016, và U22 Việt Nam chạm đáy thất vọng ở SEA Games 2017. Hữu Thắng ra đi, nhưng nỗi đau của người hâm mộ thì ở lại.
2. Từ giải vô địch U23 châu Á, giải đấu mà Công Phượng chấp nhận làm "bệ phóng" cho Quang Hải vụt sáng, đến AFF Cup 2018, giải đấu mà đội tuyển Việt Nam đang thể hiện một phong độ mà giới chuyên môn phải trầm trồ, có một điều rõ ràng là càng ngày, các tuyển thủ Việt Nam càng gắn kết nhau thành một khối thống nhất, không chỉ trong sân cỏ, mà còn cả ở ngoài.
Giờ đây, chẳng có ai ngạc nhiên với hình ảnh Quang Hải và Công Phượng "quấn quýt" bên nhau, hay như Xuân Trường, Đức Chinh trêu đùa "đàn anh" Quế Ngọc Hải. Có cảm giác chẳng còn ranh giới HAGL hay Hà Nội, "lính cũ" hay ma mới trên tuyển nữa. Ở đấy, người hâm mộ nước nhà thấy dáng dấp một gia đình, với toàn những "người thân".
Chính cái dáng dấp "gia đình" ấy đã làm nên sự chặt chẽ, gắn kết với nhau giữa các cầu thủ trên sân, tạo nên một hàng thủ mạnh mẽ, vẫn giữ sạch lưới ở giải đấu này. Ở đấy, dù là Đặng Văn Lâm hay Bùi Tiến Dũng đứng trong khung gỗ, người hâm mộ đều cảm thấy yên tâm, và Quế Ngọc Hải chơi cực tốt dù được "ghép" vào hàng thủ U23 Việt Nam từng chơi cực kỳ ăn ý.
Bởi khi bước chân vào "gia đình" ấy, tất cả đều muốn cống hiến hết mình, không chỉ là vì sự tranh đua suất đá đính trên ĐTQG, mà còn đá vì người thầy Hàn Quốc đặt hết niềm tin vào mình.
Trong cuốn tự truyện của mình, Lê Công Vinh vạch ra không ít "điểm đen" ở ĐTQG Việt Nam, từ việc các đồng đội không chịu chuyền bóng cho mình, đến Huỳnh Đức ghét mình "như xúc đất đổ đi", rồi HLV không bao giờ cho cầu thủ dự bị như anh cơ hội... Giờ đây, những điều tưởng như "rất bình thường" ở đội tuyển, kể cả dưới thời Hữu Thắng đã không còn có cơ hội mảy may hiện diện, không chỉ ở AFF Cup lần này.
Chính niềm tin, sự đoàn kết, tình cảm ở ĐTQG dưới thời HLV Park Hang-seo đã giúp các tuyển thủ, cùng bản thân ông thầy người Hàn vượt qua không ít "cú sốc" từ người hâm mộ, cũng như từ các chuyên gia bóng đá nước nhà.
Bản thân không dùng mạng xã hội, thậm chí còn chẳng dùng email, nhưng với sự hỗ trợ của công ty quản lý, HLV Park Hang-seo luôn đo đếm được phản ứng của dư luận, người hâm mộ, để sẵn sàng đứng ra các học trò, như Xuân Trường, như Quang Hải, Công Phượng... khi cảm giác họ phải chịu áp lực từ bên ngoài.
Mới đây, chấn thương của Văn Toàn là mất mát khá đau đớn với HLV Park Hang-seo, cũng như các đồng đội, nhưng đau hơn là không ít những thông tin "mượn gió bẻ măng", lấp lửng rằng chấn thương ấy là do Văn Quyết vô-tình-trong-ngoặc-kép gây ra cho tiền đạo HAGL, hòng chĩa mũi dùi về cầu thủ đội trưởng - vốn đang nhận nhiều chỉ trích vì phong độ không tốt.
Trên sân Hàng Đẫy, hình ảnh chiếc áo số 9 của Văn Toàn được cái đồng đội giơ cao trong màn ăn mừng bàn thắng đầu tiên vào lưới Campuchia đã xóa tan những giọng điệu gây chia rẽ đầy ác ý ấy. Nhưng có vẻ đấy mới chỉ là sự khởi đầu...
Phía trước HLV Park Hang-seo và các tuyển thủ đang là những thử thách thực sự, khởi đi từ trận đấu ở Bacolod - địa danh gợi nên ký ức chẳng hề hay ho với bóng đá Việt Nam. Dĩ nhiên, hàng triệu cổ động viên Việt Nam sẽ ủng hộ và sát cánh cùng thầy trò họ, thắp lên niềm tin về con đường vinh quang mà bóng đá Việt Nam từng đi trên đó tròn 10 năm về trước.
Và bất chấp tất cả, "phép thuật" mang tên tình yêu của HLV người Hàn Quốc sẽ chắp cánh cho các học trò hoàn thành con đường ấy - cùng nhau, sát cạnh nhau và vì nhau.
Vòng bảng AFF Cup 2018: Việt Nam 3-0 Campuchia (nguồn: Next Media)