Sự thật đằng sau mối quan hệ chị em
Bị cáo là người chị họ Thạch, 26 tuổi, sống tại huyện Thanh Điền (Lệ Thủy, Chiết Giang, Trung Quốc). Theo thông tin được các lực lượng chức năng cung cấp, bị cáo và nạn nhân Tiểu Minh mặc dù trên danh nghĩa là chị em, nhưng lại không có quen hệ huyết thống.
Chị Thạch là con gái của của một gia đình tại thị trấn Thuyền Liêu. Sau khi cha ruột qua đời, chị và mẹ là bà Trần sống tại một căn nhà 4 tầng trong thị trấn. Vào năm 2012, bà Trần quen biết với ông Hoàng (42 tuổi), người huyện Thanh Điền.
Hơn 10 năm trước, ông Hoàng cưới một cô gái vùng khác và sinh ra Tiểu Minh. Nhưng khi Tiểu Minh chưa đầy 1 tuổi, mẹ của cậu bé đã ra đi không lời từ biệt, để lại ông Hoàng trong cảnh "gà trống nuôi con".
Sau một thời gian tìm hiểu, ông Hoàng và cậu con trai Tiểu Minh đã chuyển tới chung sống trong căn nhà của bà Trần cùng chị Thạch. Từ đó, chị Thạch và Tiểu Minh trở thành chị em dưới cùng một mái nhà.
Mâu thuẫn gia đình và nguyên nhân bi kịch
Trước đây, nhà bà Trần có kinh doanh siêu thị ở tầng 1 của căn nhà. Do bà Trần thường xuyên đau ốm, mọi việc trong nhà hầu hết đều do ông Hoàng và chị Thạch quán xuyến.
Tuy nhiên, cậu bé Tiểu Minh thường xuyên ăn trộm một số món đồ từ siêu thị ở nhà để mang đi đổi lấy tiền chơi điện tử.
Ông Hoàng vốn là một người nóng nảy, mỗi lần phát hiện đều đánh mắng con trai. Thiếu đi tình thương của mẹ, lại sống cùng người cha nóng tính, Tiểu Minh dần trở nên lì lợm, khó dạy.
Bởi vậy, đối mặt với đòn roi của cha mỗi lần trộm đồ, cậu bé 10 tuổi này tuy không đánh trả, nhưng cũng không nhận lỗi mà còn thường xuyên tái phạm.
Trưởng thành trong một gia đình thiếu tình thương, lại thêm những trận đòn roi của cha đã khiến Tiểu Minh có tính cách cực đoan, khó dạy. (Tranh minh họa).
Vào trưa ngày 21 tháng 8 năm 2016, chị Thạch phát hiện siêu thị của nhà đã mất vài bao thuốc lá.
Ngay lúc đó, ông Hoàng lớn tiếng quát Tiểu Minh, liên tục hỏi cậu bé giấu mấy bao thuốc ở đâu. Nhưng cậu bé không hề lên tiếng trả lời.
Tức giận trước thái độ của con, ông Hoàng liên tục cầm cành trúc quật vào người Tiểu Minh. Cậu bé chỉ khóc mà không nói nửa lời.
Ông Hoàng liền trói Tiểu Minh vào hành lang tầng 4, tới giữa trưa mới cởi trói cho cậu ăn cơm. Sau khi ăn xong, ông lại tiếp tục hỏi về vụ việc thuốc lá, nhưng Tiểu Minh kiên quyết không nói.
Bức xúc trước thái độ và hành vi của Tiểu Minh, chị Thạch cũng lớn tiếng:
"Em không nói, chị sẽ lại trói em!"
Trước lời dọa nạt này, Tiểu Minh vẫn không hề đáp trả. Chị Thạch liền dùng cách thức trói tay như cảnh sát thường làm, đem Tiểu Minh trói vào ban công bên ngoài cửa sổ tầng 4, buộc tay cậu bé cố định vào thành ban công. Trong suốt quá trình này, Tiểu Minh không hề chống cự.
Tiểu Minh bị phạt trói bên ngoài ban công tầng 4 dưới tiết trời nắng nóng 38 độ. (Tranh minh họa).
Sau khi trói Tiểu Minh, chị Thạch trở lại phòng để trả lời điện thoại của người quen và giải quyết một số công việc khác. Ba tiếng sau, khi nhớ ra mình đang phạt Tiểu Minh, chị vội vàng lên ban công tầng 4 để cởi trói thì phát hiện cậu bé đã trong trạng thái ngừng thở.
Ngay lập tức, Tiểu Minh được người nhà đưa tới bệnh viện cấp cứu. Nhưng trước mọi nỗ lực từ phía bác sĩ, cơ thể của cậu cũng không có dấu hiệu phục hồi.
Theo nhận định từ các bác sĩ, trói tay không phải là nguyên nhân chủ yếu khiến Tiểu Minh qua đời, mà là do thời tiết nắng nóng tới 38 độ giữa mùa hè đã khiến cậu bé bị cảm.
Nửa năm trôi qua kể từ khi Tiểu Minh qua đời, nhưng chị Thạch và người nhà của cậu bé vẫn chưa bao giờ nguôi ngoai nỗi hối hận và đau lòng.
Bài học cảnh tỉnh đối về giáo dục trẻ em trong gia đình
Câu chuyện về bi kịch gia đình trên khiến nhiều người không khỏi đau xót, nhưng cũng là một minh chứng cho thấy phương pháp giáo dục của gia đình ảnh hưởng rất lớn tới việc hình thành nhân cách con trẻ.
Phân tích từ góc độ tâm lý học, có thể thấy Tiểu Minh lớn lên trong hoàn cảnh không mấy tốt đẹp. Mẹ ruột dứt áo ra đi từ khi còn nhỉ, những áp lực từ cuộc sống nghèo khó đã khiến cha cậu trở nên cục cằn, thường xuyên dùng phương thức bạo lực để phạt con.
Chính thái độ và hành động của cha đã khiến quá trình hình thành nhân cách của Tiểu Minh chịu nhiều áp lực, hình thành tâm lý nơm nớp lo sợ, nuôi lớn tính cách cực đoan, lì đòn… ở cậu bé 10 tuổi này.
Bi kịch của gia đình Tiểu Minh xuất phát từ phương thức giáo dục sai lầm của những người lớn trong nhà. (Ảnh minh họa).
Nếu ông Hoàng có thể dùng phương thức nhã nhặn, mềm mỏng hơn để đối xử với con trai, chắc chắn Tiểu Minh sẽ không có những tính cách và hành vi lệch lạc như vậy. Hơn nữa, nếu cậu bé chịu nhận sai hoặc nói ra sự thật, bi kịch gia đình đáng buồn trên chắc chắn sẽ không xảy ra.
Vậy mới thấy, đối với mọi gia đình, yếu tố quan trọng nhất trong việc dạy con chính là lựa chọn được phương thức giáo dục đúng đắn.
Dù sinh ra trong gia đình nghèo khó hay giàu có, đầy đủ hay thiếu thốn, mọi trẻ em đều cần được che chở. Bắt con trẻ hiểu được nỗi khổ của gia đình quá sớm là sự bất công bằng đối với các em.
Bởi vậy, bi kịch trên chính là bài học sâu sắc về việc cách thức giáo dục của các bậc làm cha, làm mẹ đối với con cái.
*Tên nhân vật đã được thay đổi.