Theo thuật lại của báo Tuổi trẻ, buổi đối thoại diễn ra tại trụ sở UBND huyện Phù Cừ, tỉnh Hưng Yên vào chiều 19/10, với mục đích giải quyết đề nghị tạm dừng việc phá dỡ nhà trên đất đã chuyển đổi cơ cấu cây trồng.
Ông Trần Minh Hải (Chủ tịch UBND huyện Phù Cừ) chủ trì buổi đối thoại này.
Báo Tuổi trẻ thông tin, mở đầu buổi làm việc, Chánh Văn phòng UBND huyện đọc những quy định làm việc, nói rõ người dân tham dự không được ghi âm, ghi hình, ghi chép khi chưa được đồng ý.
Chủ tịch huyện Phù Cừ Trần Minh Hải sau đó nói có "phát hiện" phóng viên có mặt ở buổi đối thoại nên đề nghị phóng viên ra ngoài, sẽ có buổi làm việc riêng khác. Các phóng viên đã đặt nhiều câu hỏi với ông Hải và vị này rời khỏi buổi đối thoại sau 40 phút tranh luận.
Theo đó, buổi đối thoại không được tiếp tục. Nguồn trên cho hay, đây là buổi đối thoại thứ hai giữa huyện và bà con trước sự việc "người và vật nuôi hoán đổi chỗ ở cho nhau" ở xã Quang Hưng.
Báo Vietnamnet cho hay, nhiều hộ dân tại xã Quang Hưng (huyện Phù Cừ, Hưng Yên) đã chuyển lợn, gà lên ở những gian nhà khang trang, thoáng mát, còn người dân thì chuyển xuống ở khu nhà xập xệ, thậm chí là chuồng lợn cũ được cải tạo.
Nguyên do của sự ngược đời đó là người dân muốn được giữ lại các công trình sai phạm xây trên đất nông nghiệp.
"Chúng tôi cũng biết xây dựng công trình kiên cố trên đất nông nghiệp là sai phạm. Tuy nhiên, hàng chục năm qua, nhu cầu của gia đình là phải có người quán xuyến hàng ngày hàng giờ trông coi vườn cây, ao cá.
Nếu chính quyền không cho phép, chúng tôi sẽ xuống ở nhà tạm theo quy định, còn công trình thì xin được giữ lại, hoán đổi thành khu chăn nuôi", đây là lý giải của anh Phạm Văn Tâm (xã Quang Hưng) về chuyện nhường chỗ ở cho vật nuôi.
Ông Quách Giang Hán (thôn Viên Quang) thả gà, tập kết thức ăn chăn nuôi trong nhà ở để phản ứng lại quyết định tháo dỡ nhà của chính quyền. Ảnh: Nông nghiệp Việt Nam
Từ năm 2004, nhiều hộ dân thôn Viên Quang (xã Quang Hưng) đã chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp sang đất chuồng trại theo chủ trương dồn điền đổi thửa. Có khoảng 70 hộ thực hiện mô hình kinh tế vườn ao chuồng và nhiều hộ đã dựng nhà trái với quy định.
Theo báo Nông nghiệp Việt Nam, 112 ngôi nhà ở, nhà tạm được dựng lên trên đất nông nghiệp tính từ năm 2004 tới nay.
Chủ tịch UBND xã Quang Hưng Lê Hồng Sơn khẳng định trên báo Nông nghiệp Việt Nam: "Chúng tôi không thể cả nể thêm được nữa. Dù với nguyên do gì thì hành vi biến thổ canh thành thổ cư là trái pháp luật".
Phó Chủ tịch UBND huyện Phù Cừ Nguyễn Hồng Chuyên cho biết, một số hộ có biểu hiện đối phó việc xử lý của chính quyền khi hoán đổi nhà ở, nhà tạm thành nơi chăn nuôi, nhà kho.
Ông Lê Trí Viễn, Bí thư Huyện ủy Phù Cừ thông tin với báo Vietnamnet, theo quy định, mức làm nhà tạm được phép là 10m2 nhưng có trường hợp người dân làm nhà lên tới 40m2.
Ông Viễn khẳng định: "1m2 đất nông nghiệp khi chuyển đổi mục đích cũng phải xin ý kiến của tỉnh chứ không địa phương nào tự ý làm. Do đó, không thể để việc sử dụng đất sai mục đích được tồn tại".
Bí thư huyện Phù Cừ hồi tháng 9 khẳng định sẽ kỷ luật cán bộ xã để xảy ra sai phạm và xử lý nghiêm việc xây dựng trái phép.
(Tổng hợp)