Một trong những “ngôi đền mặt trời” bị thất lạc có niên đại từ giữa thế kỷ thứ 25 trước Công nguyên đã được tìm thấy tại Abu Ghurab – cách Cairo khoảng 12 dặm về phía Nam. Massimiliano Nuzzolo – giáo sư Ai Cập học, thành viên của nhóm nghiên cứu cho biết tàn tích của công trình kiến trúc ấn tượng và in đậm ý nghĩa lịch sử này đã thành công được khai quật dưới một ngôi đền khác.
Thực chất, công trình đã được phát hiện lần đầu tiên vào năm 1898 nhưng bị lầm tưởng thành một phần của đền thờ Nyuserra – người trị vì Ai Cập từ năm 2400 đến 2370 trước Công nguyên. Về vấn đề này, Nuzzolo chia sẻ: “Các nhà khảo cổ học của thế kỷ 19 chỉ khai quật được một phần rất nhỏ của tòa kiến trúc ở dưới ngôi đền thờ Nyuserra và kết luận rằng đó là một phần của ngôi đền. Giờ đây, từ những bằng chứng thu thập được, chúng tôi đã chứng minh rằng đây là một công trình hoàn toàn khác, được xây dựng trước cả đền thờ Nyuserra”.
Các vật thể tiêu biểu được phát hiện trong ngôi đền bao gồm những con dấu khắc tên nhiều vị vua trị vì trước Nyuserra, chân đế của hai cột đá vôi – một phần của cổng vào… Nuzzolo cho biết công trình này ban đầu được làm hoàn toàn bằng gạch bùn, một số chiếc bình gốm trong đó cũng được đổ đầy bùn – loại chỉ được sử dụng trong các nghi lễ tôn giáo và đã có tuổi đời cách 1 đến 2 thế hệ trước thời cai trị của Nyuserra.
(Ảnh: CNN)
Theo Nuzzolo, các nguồn tư liệu lịch sử cho chúng ta biết rằng có tổng cộng 6 ngôi đền mặt trời như vậy đã được xây dựng, tuy nhiên cho đến nay mới chỉ khai quật được 2 trong số đó. Từ phát hiện mới đây, nhóm khảo cổ đã xác định được rằng những ngôi đền còn thất lạc có thể nằm đâu đó xung quanh Abu Ghurab.
Được biết, sử dụng nguyên liệu gạch bùn làm chủ đạo có thể chính là lý do khiến các ngôi đền mặt trời bị thất lạc bởi đây là loại nguyên liệu khá dễ bị phá hủy vì nhiều nguyên nhân, sau đó bị chôn vùi dưới các công trình kiến trúc khác.
Tiếp theo, mục tiêu của nhóm nghiên cứu là tìm ra vị vua đã tiến hành xây dựng nên ngôi đền mới được tìm thấy thông qua nhiều cuộc khai quật khác, đồng thời tìm hiểu thêm về các thói quen sinh hoạt, đồ ăn thức uống và văn hóa tín ngưỡng vào thời điểm bấy giờ. Công trình nghiên cứu này là một phần trong sứ mệnh chung của Đại học Naples L’Orientale và Viện Hàn lâm Khoa học Ba Lan.