Các nhà nghiên cứu mới phát hiện ra hóa thạch loài khủng long mới sống cách đây 125 triệu năm ở bang Victoria, Australia.
Theo các nhà nghiên cứu từ Đại học New England ở bang New South Wales, loài khủng long mới này sống ở trong thung lũng Australia – Nam Cực đã tách ra. Nó chỉ nhỏ như con chuột túi.
Nó được gọi bằng cái tên Galleonosaurus Dorisae dựa vào hàm răng và là loài khủng long thứ hai để lại hóa thạch trên đá 125 triệu năm tuổi nằm ở phía đông nam Melbourne. Ngày xưa, khu vực này là thung lũng rậm rạp với dãy núi lửa dài 4.000 km về phía đông.
Hóa thạch xương hàm của khủng long mới.
Nhưng các đĩa kiến tạo Trái Đất dịch chuyển và các lục địa bị tách ra, môi trường hoàn toàn thay đổi. Vùng đất ngày xưa đã biến mất, dấu tích thời gian chỉ còn lại trên những tảng đá và hóa thạch lộ ra dọc bờ biển Victoria.
Bản đồ biểu diễn Australia và Nam Cực tách nhau ra.
Tiến sĩ Matthew Herne – tác giả chính của nghiên cứu, nói rằng sự hiện diện của khủng long Galleonosaurus Dorisae ở khu vực Victoria cho thấy sự đa dạng của kích thước các loài khủng long trên toàn cầu.
Hình mô phỏng hàm trong đầu khủng long nhỏ như con chuột túi.
Mặc dù tầm vóc nhỏ bé nhưng khủng long Galleonosaurus Dorisae lại có đôi chân sau mạnh mẽ, chạy rất nhanh. Có thể xác định độ tuổi của khủng long Galleonosaurus Dorisae dựa vào hàm răng vì hàm nó lớn dần từ khi mới sinh đến tuổi trưởng thành.
Trước khi tìm thấy hóa thạch khủng long Galleonosaurus Dorisae, các nhà nghiên cứu đã tìm thấy hóa thạch khủng long Qantassaurus Intrepidus ở bang Victoria. Có lẽ trong khu vực vẫn còn ẩn chứa hóa thạch khủng long khác nữa trong đá chưa được khám phá.
Nguồn bài và ảnh: News.com.au, ABC/Australia