Một nhóm nghiên cứu từ Đại học Durham do Tiến sĩ James Nightingale dẫn đầu cho biết lỗ đen được phát hiện bằng cách sử dụng một kỹ thuật gọi là thấu kính hấp dẫn, cho phép quan sát các hiện tượng trong vũ trụ xa xôi bằng cách phát hiện cách chúng tương tác với ánh sáng đi qua.
Mô phỏng lỗ đen trong Dải Ngân hà. Ảnh: ESA/Hubble/Digitized Sky Survey
Siêu hố đen nằm bên trong thiên hà sáng nhất thuộc cụm thiên hà Abell 1201, cách Trái Đất 2,7 tỷ năm ánh sáng. Đây cũng là một trong những lỗ đen lớn nhất từng được phát hiện. Thiên hà chứa lỗ đen này cũng chịu ảnh hưởng từ trường hấp dẫn của vật thể này.
“Hố đen đặc biệt này, có khối lượng gấp khoảng 30 tỉ lần Mặt trời của chúng ta, là một trong những hố đen lớn nhất từng được phát hiện và nằm ở "giới hạn trên" về độ lớn của một hố đen trên lý thuyết, vì vậy đây là một khám phá cực kỳ thú vị” - James Nightingale, tác giả chính của nghiên cứu, nhà vũ trụ học quan sát, Khoa Vật lý, Đại học Durham, cho biết.Nightingale nói với BBC Radio hôm thứ Tư: “Ngay cả khi là một nhà thiên văn học, tôi cũng khó có thể hiểu được thứ này lớn đến mức nào. Hố đen này lớn hơn phần lớn các thiên hà trong vũ trụ.”
Nightingale nói thêm rằng kích thước khổng lồ này đẩy sự hiểu biết của khoa học về lỗ đen đến giới hạn của nó. Ông cũng đặt câu hỏi làm thế nào một lỗ đen có khối lượng đáng kinh ngạc như vậy có thể được hình thành “chỉ trong 13 tỷ năm tồn tại của vũ trụ”.
Hố đen là một vật thể cực kỳ đặc trong không gian có lực hấp dẫn mạnh đến mức không có gì, kể cả ánh sáng, có thể thoát ra khỏi nó. Các lỗ đen “siêu khổng lồ” được cho là những vật thể lớn nhất trong vũ trụ và được cho là nằm ở trung tâm của các thiên hà lớn, chẳng hạn như Dải Ngân hà.
Siêu lỗ đen lớn nhất từng được con người phát hiện là TON 618, tương đương khoảng 40 tỷ khối lượng Mặt Trời.
Nghiên cứu hố đen khổng lồ trên có thể giúp giới khoa học tìm hiểu cách hố đen phát triển tới kích thước khó tin cũng như tác động của chúng tới quá trình tiến hóa của vũ trụ, theo Nightingale.