Phát hiện hàng trăm bức tượng 2.100 năm tuổi, "hậu duệ" của đội quân đất nung

Nguyễn Hằng |

Các nhà khảo cổ phát hiện hàng trăm bức tượng binh sĩ được cho là phiên bản thu nhỏ của đội quân đất nung trong một hố chôn 2.100 năm tuổi ở Trung Quốc.

Những bức tượng bí ẩn trong hố chôn trông giống như một phiên bản thu nhỏ của đội quân đất nung, một khám phá gây chấn động thế giới trong thế kỷ 20 về "lực lượng ngầm" trong lăng mộ Tần Thủy Hoàng, vị hoàng đế đầu tiên trong lịch sử Trung Quốc.

Dựa theo thiết kế của những hiện vật mới phát hiện, bao gồm tượng binh sĩ, tháp canh, bộ binh, kỵ binh và nhạc công, các nhà khảo cổ học tin rằng hố chôn này có niên đại cách đây khoảng 2.100 năm, tức là sau thời gian xây dựng đội quân đất nung nổi tiếng của Tần Thủy Hoàng khoảng 100 năm.

Đáng chú ý là khu vực phía nam của hố chôn có chứa nhiều bức tượng binh lính và xe ngựa, cùng các mô hình tháp canh cao khoảng 140cm. Trong khi đó, ở vị trí trung tâm của hố, các chuyên gia phát hiện khoảng 300 binh sĩ đang đứng canh gác trong một đội hình có hình vuông.

Phát hiện hàng trăm bức tượng 2.100 năm tuổi, hậu duệ của đội quân đất nung - Ảnh 1.

Kích thước của các bức tượng binh lính trong hố chôn này nhỏ hơn nhiều so với các binh sĩ đất nung trong lăng mộ Tần Thủy Hoàng. Ảnh: Getty Images

Ngoài ra, ở phía bắc của hố chôn còn có một mô hình của một sân khấu cổ xưa, gồm nhiều bức tượng nhỏ mô tả các nhạc công.

Trong một báo cáo gần đây công bố trên Tạp chí Chinese Cultural Relics, các nhà khảo cổ cho biết rằng, cách thiết lập và quy mô của hố chôn cho thấy rằng nó đi kèm cùng với một di chỉ chôn cất lớn.

Phát hiện hàng trăm bức tượng 2.100 năm tuổi, hậu duệ của đội quân đất nung - Ảnh 2.

Đội quân đất nung sống động như thật trong lăng mộ Tần Thủy Hoàng. Ảnh: Getty Images

Đặc biệt, các xe ngựa, kỵ binh và bộ binh trong hố chôn có thể là những vật bồi táng dành riêng cho những người có địa vị cao như các vị vua, hoàng tử hoặc những vị quan được trọng dụng.

Phát hiện hàng trăm bức tượng 2.100 năm tuổi, hậu duệ của đội quân đất nung - Ảnh 3.

Nhiều hiện vật thu được trong hố chôn như tượng bộ binh, kỵ binh, tháp canh,.... Ảnh: Chinese Cultural Relics

Những binh lính và kỵ binh trong đội quân này nhỏ hơn nhiều so với các binh sĩ đất nung trong lăng mộ Tần Thủy Hoàng. Nhưng dựa trên niên đại, kích thước và vị trí của hố chôn, các nhà khảo cổ phỏng đoán đội quân mới phát hiện có thể được xây dựng cho Lưu Hoành, hoàng tử thứ hai của Hán Vũ Đế, vị hoàng đế thứ bảy của nhà Hán, người trị vì từ năm 141 TCN – 87 TCN.

Các nhà nghiên cứu cho hay, Lưu Hoành tức Tề Hoài Vương (mất năm 110 TCN), được Hán Vũ Đế phong làm vua của nước Tề, một chư hầu của nhà Hán, khi tuổi đời còn khá trẻ. Tuy nhiên, Lưu Hoành không may mất sớm và không có con nối ngôi.

Hiện tại, lăng mộ này vẫn chưa được tìm thấy. Các chuyên gia cho biết rằng rất có thể vị trí của lăng mộ nằm trong một khu vực không thể tiếp cận hoặc đã bị phá hủy.

Theo chia sẻ từ người dân địa phương và những bức ảnh chụp từ trên cao cho thấy lăng mộ có thể nằm trong một gò đất cao khoảng 4 mét, ở gần hố chôn đội quân binh sĩ.

Tham khảo nguồn: Livescience, Dailymail

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại