Cách đây ít lâu, sự việc một tài khoản Facebook công khai giới thiệu dịch vụ cày view với "nông trại" gồm nhiều dàn chứa hàng trăm chiếc smartphone cùng lúc đã khiến khá nhiều người bất ngờ. Loại hình clickfarm này vốn nổi lên rất nhiều tại Trung Quốc, dù không được pháp luật tán thành nhưng vẫn hoạt động chui, nay đã du nhập dần sang Việt Nam. Trong những thông tin cung cấp, chủ tài khoản này có nhắc đến việc sẽ dùng phần mềm điều khiển được hoạt động của toàn bộ số smartphone đó cùng lúc, tất cả chỉ cần một chiếc máy tính.
Dàn smartphone của một người dùng đăng tải công khai trên Facebook cách đây ít lâu.
Ngành dịch vụ cấm nhưng hái ra tiền
Về mặt hình thức, dàn máy smartphone số lượng lớn là cánh tay đắc lực nhất cho những người làm nghề này. Tuy nhiên, như vậy vẫn thiếu một "trái tim" chủ đạo để hoàn thiện hết một mô hình toàn vẹn, khiến dịch vụ trở nên hấp dẫn, chất lượng được đảm bảo tối ưu hóa năng suất, chèo kéo được thêm nhiều thị phần khách hàng trên thế giới ảo để đổ tiền vào túi mình.
Đó là lý do vì sao những phần mềm/tool tự động đã được ra đời nhằm giúp chủ nhân kinh doanh clickfarm thuận tiện hơn trong việc kiểm soát, thậm chí thao tác được nhiều mục đích đa dạng khác với cày view đơn thuần, chẳng hạn như tương tác tự động (Like, thả tim...), đăng bài xoay vòng,... và hàng tá những chỉ thị khác. Mọi thứ chỉ cần vài nút bấm là được thực hiện, tính toán qua mặt cơ chế kiểm duyệt tài khoản ảo của Facebook một cách tài tình.
Thâm nhập vào một group Facebook kín kinh doanh và chia sẻ kiến thức về loại tool này, đập ngay vào mắt từ bức ảnh cover là dòng báo giá cho tool tự động với từng mức độ, quy mô, thời hạn và nhu cầu của khách hàng.
Gói tool cơ bản:
- 50 điện thoại: 3 triệu đồng/tháng; 10 triệu đồng/vĩnh viễn
- 100 điện thoại: 20 triệu đồng/vĩnh viễn
- 200 điện thoại: 30 triệu đồng/vĩnh viễn
Gói tool Pro: Thêm 5 triệu đồng cho mỗi lựa chọn tương ứng
Được biết, để điều khiển được phần mềm kết nối với số lượng lớn smartphone, người dùng cũng cần sắm thêm một bộ máy tính nghiêm túc với cấu hình cao, đủ mạnh để kham nổi các tác vụ xử lý dữ liệu nặng cùng lúc. Thông thường, mức giá khoảng 20 triệu cho một dàn máy tính đã có thể kiểm soát gần 50 smartphone cùng lúc, tăng lên tùy nhu cầu và quy mô.
Với cách làm này, mỗi smartphone kết nối trong hệ thống sẽ được tinh chỉnh để gán cho một địa chỉ IP (giao thức Internet) khác nhau, từ đó khiến cho các hành động cày view không bị phát hiện là chung mục đích và triệt tiêu bởi thuật toán tự động của YouTube. Mặt khác, mỗi máy cũng có thể tự tương tác chéo lẫn nhau hoặc hướng vào một tài khoản đích, thực hiện được rất nhiều những hành động như: Thêm bạn bè, kết bạn theo tên, tham gia Group, hủy kết bạn, chia sẻ Livestream, Like/comment/share từ 1 trang cá nhân chỉ định, gửi tin nhắn nhóm,...
Một số bài đăng giới thiệu tính năng mới được cập nhật theo từng phiên bản update cho phần mềm.
Hiện tại, cộng đồng người dùng phần mềm này tuy chưa lớn nhưng vẫn diễn biến ngầm và phức tạp, đồng thời không có các điều luật xử phạt cụ thể như một vài quốc gia làm mạnh tay. Hình thức này chủ yếu nhắm vào 2 mạng xã hội Facebook và YouTube là chủ yếu, tiếp tay cho nhiều kẻ gian trục lợi bất chính dựa trên các mánh khóe lách luật. Kèm thêm vấn nạn fake news vẫn chưa được giải quyết triệt để, đây chắc chắn sẽ là một bài toán đau đầu khác dành cho những ông lớn mạng xã hội trên thế giới.