Thiên thạch đặc biệt nói trên đã được NASA tìm thấy, sau đó chuyển giao cho nhóm nghiên cứu thuộc Đại học Toronto (Canada) phân tích. Họ đã sử dụng kính hiển vi tối tân và nhiều thiết bị chuyên dụng khác để phân tích những gì tạo nên viên đá vũ trụ và tìm thấy một mảnh nhỏ chứa hỗn hợp kỳ lạ của than chì và hạt silicat.
Mảnh vật liệu nhỏ bé được đặt tên là LAP-149. Các bước nghiên cứu tiếp theo cho thấy LAP-149 là một phần cơ thể đã tan vỡ của một " ma cà rồng " vũ trụ.
Bản thân "ma cà rồng" này là một sao lùn trắng, vốn thuộc về một hệ nhị phân gồm 2 ngôi sao. Nó đã hung dữ hút vật liệu từ người bạn đồng hành, thường là một ngôi sao khác lớn hơn và trẻ trung hơn.
Trước đây giới khoa học từng tìm được một số trường hợp tương tự và ngôi sao lùn trắng thường ví như ma cà rồng chính vì thói quen "hút máu" bạn đồng hành. Đến khi quá no bụng, sao lùn trắng nổ tung thành một siêu tân tinh và chính thức chết.
Một mảnh vụn bắn ra từ siêu tân tinh "ma cà rồng" đã vô tình bắn vào một thiên thạch nguyên thủy, để rồi theo chân nó đến trái đất.
Ước tính siêu tân tinh xuất hiện tận 4,5 tỉ năm về trước, khi trái đất vẫn còn là một hành tinh "sơ sinh".
Các nhà khoa học hy vọng sẽ tìm ra các mẫu lớn hơn trong tương lai để thu thập thêm dữ liệu trực tiếp từ các vật thể ngoài Hệ Mặt trời.
"Chúng ta có thể hiểu rõ hơn về thiên hà của chúng ta trông như thế nào trong khu vực và điều gì đã kích hoạt sự hành thành của Hệ Mặt trời" – giáo sư Tom Zega, thành viên nhóm nghiên cứu, cho biết.
(Theo New York Post, Independent, IFL Science)