Bởi, các mô mềm thường không thể trở thành hóa thạch tốt. Tuy nhiên giờ đây, các nhà khoa học đã phát hiện ra bộ não của động vật có xương sống được bảo tồn lâu đời nhất, trong một loài cá hóa thạch gần 320 triệu năm tuổi. Nghiên cứu được công bố trên tạp chí Nature.
Sau khi một con vật chết, thịt và nội tạng của nó thường biến mất rất nhanh, do xác thối hoặc phân hủy. Do đó, chúng chỉ để lại xương. Một số trường hợp có thể hóa thạch để trở thành vật trưng bày trong bảo tàng.
Song, nếu xác chết tránh tiếp xúc với các yếu tố môi trường, được chôn cất nhanh chóng hoặc bọc trong các vật liệu như hổ phách, thì các mô mềm như da hoặc lông vũ có thể tồn tại cho đến nay.
Giờ đây, các nhà khoa học đã phát hiện ra bộ não hóa thạch lâu đời nhất ở một loài động vật có xương sống. Kỷ lục thuộc về một loài cá 319 triệu năm tuổi có tên là Coccocephalus wildi.
Đây là tổ tiên ban đầu của loài cá vây tia, tạo thành nhóm động vật có xương sống hiện đại lớn nhất. Người giữ kỷ lục trước đó là một con cá mập có niên đại 300 triệu năm. Những bộ não hóa thạch đáng chú ý khác bao gồm của một con cua móng ngựa 310 triệu năm tuổi và một con khủng long 133 triệu năm tuổi.
Hóa thạch của C. wildi không phải là một phát hiện mới. Nó đã được đào ra khỏi một mỏ than cách đây gần một thế kỷ. Song, trong nghiên cứu mới, các nhà khoa học đã tiến hành chụp CT mẫu vật để kiểm tra bên trong mà không làm hỏng nó.
Họ phát hiện ra một đốm sáng trong hộp sọ, cho thấy một khoáng chất đậm đặc hơn, có lẽ là pyrite. Nhóm nghiên cứu cho biết, đốm màu này trông giống não một cách đáng ngờ. Cụ thể, nó đối xứng ở giữa, có những khoảng rỗng giống như tâm thất và các sợi dường như là dây thần kinh sọ.
Matt Friedman - tác giả chính của nghiên cứu - cho biết: “Nó có tất cả những đặc điểm này và tôi đã tự nhủ: Đây có thực sự là một bộ não mà tôi đang nhìn vào không? Vì vậy, tôi đã phóng to khu vực đó của hộp sọ để thực hiện lần quét thứ hai, có độ phân giải cao hơn và rất rõ ràng rằng, đó chính xác là những gì nó phải có”.
Nhóm nghiên cứu cho biết, quá trình bảo quản nguyên sơ có thể đã xảy ra. Bởi, con cá bị chôn vùi dưới lớp trầm tích rất nhanh sau khi nó chết, với rất ít oxy. Một vi môi trường hóa học có lợi cho các mô mềm hóa thạch dường như cũng đã hình thành bên trong hộp sọ của nó. Theo các nhà nghiên cứu, não của C. wildi gần giống nhất với não của cá tầm và cá mái chèo.