Hình ảnh tiểu hành tinh Ryugu do Cơ quan nghiên cứu và phát triển hàng không vũ trụ Nhật Bản công bố ngày 13/11/2019. Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN
Trong kết quả nghiên cứu công bố trên tạp chí Science ngày 23/9, nhà khoa học Tomoki Nakamura thuộc Đại học Tohoku, người đồng thời là Trưởng nhóm nghiên cứu, nhấn mạnh: "Giọt nước này có ý nghĩa rất lớn”. Ông tiết lộ đây là lần đầu tiên con người phát hiện ra nước ở Ryugu, một tiểu hành tinh gần Trái Đất. Ông cho biết nhiều nhà nghiên cứu trước đó tin rằng nước được mang từ không gian vũ trụ đến Trái Đất.
Tàu thăm dò Hayabusa-2 được phóng vào năm 2014 với nhiệm vụ khám phá tiểu hành tinh Ryugu. Tàu này đã trở về quỹ đạo Trái Đất hồi năm 2020 mang theo một tàu con thoi chứa mẫu vật thu thập được tại Ryugu.
Phát hiện nói trên nằm trong nghiên cứu mới nhất được công bố từ việc phân tích 5,4 gram đá và bụi từ Ryugu. Nhóm nghiên cứu của ông Nakamura gồm 150 nhà khoa học, đến từ các nước Mỹ, Anh, Pháp, Italy và Trung Quốc, và là một trong những nhóm khoa học có nhiều thành viên nhất đang nghiên cứu mẫu vật lấy từ Ryugu. Nhóm này đã tìm thấy một giọt chất lỏng có trong mẫu vật lấy từ Ryugu.
Ông Nakamura nêu rõ giọt chất lỏng này là nước có ga chứa muối và chất hữu cơ. Điều này củng cố giả thuyết các tiểu hành tinh như Ryugu, hoặc tiểu hành tinh lớn hơn, có thể đã cung cấp nước chứa muối và chất hữu cơ trong những lần va chạm với Trái Đất. Ông nhấn mạnh nhóm của ông đã phát hiện ra bằng chứng cho thấy điều này có thể liên quan trực tiếp đến nguồn gốc các đại dương hoặc chất hữu cơ trên Trái Đất.
Trong khi đó, ông Kensei Kobayashi, chuyên gia thiên văn học, Giáo sư thuộc Đại học quốc gia Yokohama và không thuộc nhóm nghiên cứu trên, đánh giá rằng phát hiện này cho thấy tiểu hành tinh chứa nước ở dạng chất lỏng chứ không chỉ ở dạng băng và chất hữu cơ có thể được tạo ra từ nước đó. Theo ông, bản thân việc phát hiện ra nước trong mẫu vật là điều đáng kinh ngạc bởi mẫu vật rất mong manh và có khả năng bị phá hủy ngoài không gian.