Bầu khí quyển của các hành tinh phát sáng liên tục cả ngày lẫn đêm do ánh sáng Mặt Trời tương tác với các nguyên tử và phân tử trong khí quyển.
Ánh sáng màu xanh là kết quả khi các nguyên tử oxy tương tác với ánh sáng Mặt Trời. Ánh sáng xanh của Trái đất có thể được nhìn thấy từ Trạm vũ trụ quốc tế. Lần đầu tiên, vệ tinh Trace Gas Orbiter (TGO) đã phát hiện ánh sáng màu xanh bên ngoài Trái Đất.
Jean-Claude Gérard từ Đại học de Liège của Bỉ, tác giả chính của nghiên cứu cho biết: "Dải sáng xanh xung quanh Trái Đất được quan sát rõ nhất vào ban đêm. Khi đó, các nguyên tử oxy trong bầu khí quyển phát ra một bước sóng ánh sáng đặc biệt. Sự phát sáng này cũng được dự đoán là tồn tại trên sao Hỏa từ 40 năm trước nhưng đến nay chúng tôi mới tìm thấy nó nhờ tàu quỹ đạo ExoMars".
Ann Carine Vandaele, đồng tác giả của nghiên cứu cho biết dải sáng xanh rõ nhất từ khoảng cách 80 km so với bề mặt sao Hỏa.
Nếu xuất hiện trên Trái Đất, ánh sáng đó được gọi là cực quang hay còn gọi là Ánh sáng phương Bắc và phương Nam, nhưng trên hành tinh khác không có từ trường lại là vấn đề khác.
Ông Gérard giải thích dựa trên các mô hình máy tính, ánh sáng xanh trên sao Hỏa chủ yếu có nguồn gốc từ quá trình phân rã carbon dioxide, CO2 chiếm 95% bầu khí quyển hành tinh, thành carbon monixide và oxy.
Kết quả nghiên cứu cho thấy nhiều hơn về cách các nguyên tử oxy hoạt động, điều quan trọng trong quá trình tìm kiếm sự sống ngoài Trái Đất.
Håkan Svedhem, Nhà khoa học Dự án TGO của Cơ quan hàng không vũ trụ châu Âu ESA, cho biết: "Đạt được kiến thức bổ sung về bầu khí quyển sao Hỏa có thể giúp các nhà nghiên cứu hiểu rõ hơn về địa điểm gửi các sứ mệnh trong tương lai tới hành tinh đỏ".
Gần đây nhất là sứ mệnh ExoMars 2022 khám phá bề mặt của sao Hỏa trong hai năm tới, và xa hơn là mục tiêu đưa người lên hành tinh đỏ. Nghiên cứu đã được công bố trên tạp chí khoa học Nature Astronomy.