Ngày càng lệ thuộc vào Mỹ
Phía Mỹ đã mơn trớn Nato bằng việc dành cho tổng thư ký Nato Jens Stoltenberg vinh hạnh là đại diện cho tổ chức đa quốc gia đầu tiên được phát biểu trước phiên họp chung của lưỡng viện lập pháp Mỹ.
Nhưng rồi ngay sau đó, phó tổng thống Mỹ Mike Pence lại có bài phát biểu mà Nato không thể không cảm nhận thấy là bị "vuốt mặt chẳng nể mũi". Ông Pence nhắc lại những chỉ trích lâu nay của Mỹ đối với Nato, đặc biệt đối với nước Đức với hàm ý của thông điệp là Nato hiện chỉ có sự lựa chọn giữa đáp ứng mọi yêu cầu của Mỹ để duy trì cam kết của Mỹ và không còn cam kết của Mỹ vốn được coi là truyền thống, bản chất và đảm bảo cho sự tồn tại của Nato.
Không phải mãi đến tận báy giờ mà ngay từ thủa ban đầu của Nato cách đây 70 năm, ai ai cũng thừa biết rằng không có Mỹ, Nato đâu có khác gì một kẻ "vừa bị mù vừa bị điếc" và lại còn đồng thời bị "bại liệt" toàn thân.
Đúng vào dịp kỷ niệm sinh nhật lần thứ 70 này, Nato lại bị Mỹ làm cho phải ý thức về sự lệ thuộc vào Mỹ hơn bao giờ hết. Sau 70 năm, Nato chưa hẳn đã hết giá trị đối với Mỹ, nhưng rõ ràng đã bị Mỹ coi là không còn được giá trị như trước nữa về chính trị quyền lực cũng như địa chiến lược thế giới.
Tìm thấy tương lai trong quá khứ
Đối với Nato, thực trạng này còn cay đắng thêm bội phần bởi sau thời gian dài tìm kiếm và gây dựng lý do mới và mục đích khác để tiếp tục tồn tại nó đã có được, hay nói cho thực chất hơn, đã có lại được lý do và mục đích để tiếp tục tồn tại.
Nato ra đời năm 1949 với 12 thành viên và mục đích chính là đối phó Liên Xô. Mối đe doạ an ninh từ Liên Xô được Nato đưa ra để biện giải cho mục đích tập hợp lực lượng thành liên minh quân sự.
Mỹ cần và sử dụng Nato làm công cụ để đối địch Liên Xô và khuôn khổ để kiểm soát đồng minh. Thời kỳ oanh liệt vàng son của Nato là thời kỳ chiến tranh lạnh và xung đột Đông - Tây. Cuộc đối địch về ý thức hệ này càng quyết liệt và không khoan nhượng thì Nato càng có giá và càng được Mỹ coi trọng.
Cũng chính vì thế mà khi chiến tranh lạnh kết thúc, Liên Xô không còn và nước Nga cùng khu vực Đông Âu chuyển đổi thì Nato lâm ngay vào cuộc khủng hoảng về lý do và tôn chỉ mục đích tiếp tục tồn tại.
Sau 10 năm vật vã, Nato tìm ra được cái cần tìm và muốn có là gây dựng vai trò chính trị, quân sự và an ninh ở bên ngoài phạm vi lãnh thổ các nước thành viên, tức là thay đổi cơ bản bản chất của liên minh quân sự. Phải có kẻ thù và đối thủ thì Nato mới có thể tiếp tục tồn tại. Nga không còn là kẻ thù nữa thì Nato phải tìm kiếm kẻ thù khác và nếu không thấy có kẻ thù trong tự nhiên thì phải dựng nên kẻ thù.
Vì thế mà có cuộc chiến tranh ở Kosovo năm 1999 với lý do "can thiệp nhân đạo", rồi cuộc chiến tranh ở Afghanistan và Iraq với lý do "chống khủng bố" mà trong thực chất không hề thiếu mục đích "thay đổi thể chế" và "xây dựng nhà nước mới".
Nato muốn trở thành một kiểu cảnh sát thế giới. Sau mấy lần kết nạp thành viên mới và phát động mấy cuộc chiến tranh, năm 2014 là dấu mốc quan trọng gần đây nhất đối với Nato khi lại chuyển sang đối phó và đối địch Nga. Nato tìm thấy tương lai trong quá khứ và nhìn nhận tương lai là quá khứ.
Nato muốn có lại thời oanh liệt xưa bởi những năm tháng tự nhận về vai trò cảnh sát quốc tế không được thành công cho lắm và tất cả những gì Nato đã khởi xướng bằng chiến tranh hiện đều vẫn còn dang dở hoặc đều không được như Nato mong muốn.
Cái hộp Pandora đã bị Nato mở và con quỷ đã được Nato cho thoát ra khỏi chai - hệ luỵ của việc này vẫn còn rất tai hại đối với Nato, cả ở hiện tại lẫn trong tương lai. Thời mà Nato coi là oanh liệt xưa ấy sẽ không trở lại với Nato vì thế giới hiện tại đã khác, vì Mỹ đâu còn cần đến Nato như trước trong khi Nato vẫn cần Mỹ, vì nội bộ Nato phân hoá sâu sắc, vì quan hệ giữa Mỹ và không ít thành viên Nato với Nga cũng không như trước và vì bản thân Nga hiện tại cũng không như Liên Xô trước đây.
Nato có lại mục đích và lý do để tiếp tục tồn tại sau 70 năm nhưng Nato hiện không có được sự đồng thuận quan điểm trong nội bộ để được như thủa xưa. Nato đứng trước thách thức và sự cần thiết phải cải tổ cơ bản, sâu sắc và toàn diện về tổ chức cũng như bản chất nếu muốn tránh bị lún sâu vào tình trạng hữu danh vô thực. Qua dịp kỷ niệm 70 năm ngày thành lập Nato có thể thấy Nato nhận diện được vấn đề nhưng chưa biết phải giải quyết nó như thế nào.
(*) Tiêu đề do tòa soạn đặt