Phát biểu trước Liên hợp quốc, Thủ tướng Hun Sen nói về nỗi lo sợ của Campuchia

Thúy |

Thủ tướng Campuchia Hun Sen cho biết lo ngại về khả năng xảy ra Chiến tranh Lạnh mới và Campuchia phải làm hết sức mình để ngăn cản sự lặp lại của lịch sử.

Ông Hun Sen phát biểu trong phiên họp của Đại hội đồng Liên hợp quốc hôm 26/9.

Thủ tướng Campuchia lo ngại Chiến tranh Lạnh mới

Nhận xét về bối cảnh địa chính trị toàn cầu, Thủ tướng Campuchia cho biết, thời kỳ ổn định và thịnh vượng dài nhất trong lịch sử hiện đại đang bị lung lay nghiêm trọng. Ông đưa ra lý do là bởi các giá trị cơ bản cũng như các nguyên tắc cốt lõi của luật pháp quốc tế đang có phần không còn công bằng và không còn nhận được nhiều sự tôn trọng.

Ông Hun Sen chỉ ra sự gia tăng của chủ nghĩa đơn phương. Ví dụ, các cam kết toàn cầu bị đơn phương hủy bỏ, các biện pháp trừng phạt được thực hiện đơn phương và xuất hiện các biện pháp chính trị, kinh tế, tài chính mang tính cưỡng chế khác. Các nước mạnh chỉ muốn bảo vệ lợi ích của mình.

"Bên cạnh đó, khả năng xảy ra một cuộc Chiến tranh Lạnh mới là một mối bận tâm đáng kể. Đất nước nhỏ bé [của chúng tôi] từng vướng vào những rắc rối của Chiến tranh Lạnh. Vì vậy, chúng tôi phải ra sức nỗ lực để lịch sử không lặp lại," ông nói.

Bên cạnh các vấn đề về địa chính trị, ông Hun Sen cũng đề cập tới Covid-19, biến đổi khí hậu và nhiều vấn đề khác. Ông kết luận, các quốc gia hùng mạnh nhất phải ngừng đe dọa hòa bình thế giới và sự sống của hành tinh. Cùng với đó, các quốc gia ở tầm trung phải hợp tác để đảm bảo trật tự thế giới mới dựa trên sự tôn trọng chủ quyền và hòa bình.

Giám đốc Viện Quan hệ Quốc tế thuộc Học viện Hoàng gia Campuchia Kin Phea cho biết nếu có Chiến tranh Lạnh mới, nó sẽ nhằm vào các cuộc cạnh tranh địa chính trị, kinh tế và công nghệ hơn là tập trung vào hệ tư tưởng và chính trị như Chiến tranh Lạnh sau Thế chiến II.

Ông Phea cho rằng Campuchia đã trở thành "nạn nhân" của sự cạnh tranh giữa các cường quốc trong Chiến tranh Lạnh trước đó. Ông cũng chỉ ra, trong vài năm qua, việc nội bộ của Campuchia cũng bị ảnh hưởng bởi các siêu cường quốc như Mỹ và các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU).

"Việc EU rút 20% chương trình EBA (Everything but arm – Mọi thứ trừ vũ khí) là một ví dụ," ông Phea nói.

Trước đó, EU quyết định rút một phần ưu đãi thuế quan đã cấp cho Campuchia theo chương trình ưu đãi EBA, quyết định có hiệu lực vào 12/8/2020.

Cựu nghị sĩ đảng Cứu quốc Campuchia (CNRP) Ou Chanroth cho rằng cuộc Chiến tranh Lạnh mới đã bắt đầu trong 10 năm qua và là cuộc cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc. Trong quá khứ, Campuchia đã từng chịu ảnh hưởng từ Chiến tranh Lạnh. Giờ đây, Vương quốc này cũng phải quan tâm đến những ảnh hưởng chính trị và sự tác động của nước ngoài tới các vấn đề trong nước.

"Là một nước nhỏ, chúng tôi cần cẩn thận hơn các nước lớn vì chúng tôi như đang đi dưới chân một con voi. Và nếu chúng ta bất cẩn, sẽ bị voi giẫm nát," ông nói.

Campuchia đi tìm những lá "bùa hộ mệnh"

Thủ tướng Hun Sen cũng đề cập đến EBA trong phát biểu tại phiên họp của Đại hội đồng Liên hợp quốc.

Ông cho biết EU rút một phần lợi ích EBA khỏi Campuchia ngay trong khi nước này đang vật lộn để khắc phục sự lây lan của Covid-19 và khẳng định Campuchia vẫn quyết tâm mạnh mẽ như trong lịch sử để bảo vệ những gì họ tin là đúng đắn.

Thủ tướng Campuchia từng nhắc đến các sự kiện trong quá khứ, khi Campuchia phải nhận những hạn chế từ các nước phương Tây nhưng được các nước trong khối Xã hội chủ nghĩa, bao gồm Việt Nam, giúp đỡ để vượt qua những sức ép và khó khăn.

Trước đó, ngay sau khi đón nhận những thử thách từ việc EU rút một phần thỏa thuận EBA, Campuchia đã nhanh chóng đẩy mạnh kế hoạch kí hợp tác kinh tế với Trung Quốc. Nước này cũng bắt đầu có các cuộc trao đổi thương mại với Ấn Độ, Hàn Quốc và Mỹ.

Mời độc giả theo dõi chúng tôi trên MXH Lotus:

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại